2013: Năm vĩnh biệt Netbook
Thời điểm cuối năm 2012 cũng đánh dấu ngày tàn của những cỗ máy tính xách tay giá rẻ mang tên netbook, vốn một thời được kỳ vọng sẽ là cứu tinh cho thị trường PC.
Năm 2009, hãng nghiên cứu ABI Research từng dự đoán netbook sẽ bán được tới 139 triệu máy trong năm 2013 này. Lý giải cho sự lạc quan đó, ABI cho rằng sự quan tâm của người dùng dành cho netbook không hề có dấu hiệu suy giảm. Sự hấp dẫn của netbook vẫn còn nguyên, khi giá trị kinh tế vượt lên hiệu suất và cấu hình. Nhưng đến giữa tháng 5/2011, thông cáo báo chí về nghiên cứu nói trên đã bị gỡ bỏ khỏi website của ABI, nhằm lấp liếm một dự báo sai sự thật đến cả dặm của hãng này.
Trên thực tế, con số netbook bán được trong năm 2013 sẽ gần như bằng 0. Trang DigiTimes của Đài Loan vừa đưa tin rằng Asus, hãng tiên phong cho hạng mục netbook hiện đại với dòng máy Eee PC vào năm 2007, đã tuyên bố sẽ ngừng sản xuất netbook kể từ ngày 1/1/2013. Tương tự, Acer cũng không có kế hoạch sản xuất thêm netbook, đồng nghĩa với việc thị trường netbook sẽ chính thức khai tử sau khi hai hãng này thanh lý xong kho hàng của họ.
Tại thời điểm này, Asus và Acer là hai hãng duy nhất còn sản xuất netbook, khi mà tất cả các hãng khác như Samsung, HP và Dell đều đã chuyển sang tablet. Asus và Acer chủ yếu nhắm đến thị trường Đông Nam Á và Nam Mỹ, nhưng đáng buồn là cả hai khu vực này giờ đều đã biến thành thị trường chủ lực của smartphone và tablet Android giá rẻ.
Quyết định mới nhất của Acer là một sự đổi ý hoàn toàn khi mà tháng 9 vừa qua, hãng này còn một mực khẳng định sẽ tiếp tục sản xuất netbook, kể cả cho Lenovo, Dell và Asus đều rút lui.
Thủ phạm giết netbook là ai?
Có 4 ứng cử viên chính là bối cảnh kinh tế, notebook ngày càng rẻ, tính lợi nhuận của netbook và sự nổi lên của máy tính bảng.
Cụ thể, ngay từ tháng 5/2009, khi netbook chỉ mới được 2 năm tuổi và tin đồn về iPad thậm chí còn chưa xuất hiện, một số chuyên gia đã chỉ ra rằng netbook đang mất dần sự hấp dẫn và khó lòng trở thành một xu thế thị trường được nữa. Một netbook lý tưởng sở dĩ rất rẻ là vì nó trang bị màn hình 7-inch, bộ nhớ Flash khiêm tốn, chip Intel Atom và hệ điều hành Linux. Thế nhưng trải nghiệm Linux không thực sự thỏa mãn được người dùng nên nhà sản xuất đã phải nâng cấp lên một thế hệ netbook mới gồm màn hình 10-12 inch, ổ cứng 160MB và cài Windows XP. Như thế, netbook tuy vẫn rẻ hơn notebook nhưng khoảng cách về giá đã bị thu hẹp đáng kể.
Dù không có một hạng mục nào cạnh tranh trực tiếp với netbook về giá nhưng nhiều dòng notebook bình dân đã ra đời, với màn hình lớn hơn, bộ nhớ thoải mái hơn mà giá không chênh là mấy. Thời lượng pin cũng được cải thiện, khiến cho tính kinh tế của netbook so với notebook không còn.
Bối cảnh kinh tế chung
Nền kinh tế toàn cầu trở nên u ám ngay khi netbook chuẩn bị cất cánh. Từ Q4/2008 khi cuộc khủng hoảng tín dụng làm điêu đứng hàng loạt ngân hàng, thị trường PC đã chứng kiến 3 quý liên tiếp sau đó sụt giảm thê thảm về doanh số.
Sang đến năm 2010, tình hình còn tồi tệ hơn khi doanh số netbook tụt từ trên 2 triệu hồi đầu năm xuống dưới 1,5 triệu máy vào cuối năm và mất thêm 50% nữa, chỉ còn 750.000 máy vào cuối năm 2011. Thế nhưng kể cả khi nền kinh tế có xu hướng phục hồi và sáng sủa hơn thì netbook vẫn tụt dốc không phanh. Do đó, yếu tố kinh tế đã được gác sang một bên.
3. Tính lợi nhuận của netbook
Đặc trưng cơ bản nhất của netbook là gì? Chúng rất rẻ, khi Eee PC (bản dùng Linux) có giá khởi điểm chỉ 199 USD.
Vấn đề là với chính sách giá đó, nhà sản xuất hầu như không còn nhiều lợi nhuận. Thế nên khi netbook buộc phải chuyển lên cài Windows XP và tốn thêm 30 USD tiền licence phần mềm cho mỗi máy (50 USD nếu cài Windows 7) thì nhà sản xuất chỉ còn nước hòa vốn.
4. iPad và máy tính bảng xuất hiện
Tháng 1/2010, Apple công bố iPad. Tháng 4 cùng năm, iPad chính thức lên kệ. Đến giữa năm 2010, một loạt các hãng máy tính lần lượt công bố sản phẩm máy tính bảng của riêng mình (cài Android). Đột nhiên, tablet trở thành hàng nóng trên thị trường điện toán cá nhân còn netbook thì giống như đồ tiền sử.
Cần lưu ý là thị trường đầu tiên mà doanh số netbook giảm mạnh là Mỹ, nơi iPad có được thành công vang dội đầu tiên. Điều mỉa mai là iPad đắt hơn netbook nhiều trong khi tính năng thì ít hơn: bạn không thể chạy Office cũng như các ứng dụng Windows quen thuộc. Nhưng bù lại, tính cơ động của nó hơn hẳn, thời lượng pin lâu hơn. Và cũng giống như netbook, iPad không có ổ quang, dung lượng bộ nhớ hạn chế.
Thế nhưng trong năm 2011, nếu như tablet xuất xưởng tới 63 triệu máy thì netbook chỉ dừng lại ở con số hơn 25 triệu máy trên toàn thế giới. Và đến năm 2012, nếu như doanh số tablet được dự đoán đạt 122,3 triệu máy thì netbook dường như còn chả được hãng nghiên cứu nào nhắc đến. Còn năm 2013 thì sao? IDC tin rằng doanh số tablet sẽ cán mốc 172 triệu máy. Netbook ư? Một số 0 tròn trĩnh.
Kết luận
Netbook đã có một cuộc đời ngắn ngủi nhưng thú vị, từ chỗ vị “cứu tinh” được mong đợi của thị trường PC cho đến một sản phẩm bị “gắn sai giá”, ra đời chỉ để tiêu thụ chip giá rẻ cho Intel và kiếm thêm tiền cho Microsoft.
Không rẻ hơn laptop, không mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất, thời lượng pin ngắn và cồng kềnh hơn so với tablet là những nguyên nhân khiến cho netbook lạc lõng, mất phương hướng trên thị trường.
Vì vậy, đã đến lúc phải nói lời tiễn đưa với netbook mà thôi.
Trọng Cầm
(vietnamnet.vn)