Đại hội 19 sẽ xóa thuyết “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân, thay vào “Tư tưởng Tập Cận Bình”?
Nhiều nguồn tin cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đạt được sự đồng thuận về việc đưa tư tưởng mang tên ông vào điều lệ ĐCSTQ tại hội nghị kín Bắc Đới Hà.
Ngày 17/8, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, gần đây, trong giới chính trị tại Bắc Kinh lưu truyền “tin tức nội bộ Đảng” cho rằng “Tư tưởng quản lý đất nước Tập Cận Bình” sẽ trở thành tư trưởng chiến lược quan trọng trong nội bộ Đảng, và được viết vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19. Thuyết “Ba đại diện” và “Quan điểm về phát triển khoa học” trong Điều lệ Đảng đang được chỉnh sửa, rất có khả năng sẽ bị xóa bỏ.
Học giả Tra Kiến Quốc tại Bắc Kinh khi trả lời phỏng vấn đã nói, Đại hội 19 sẽ đề xuất sửa đổi Điều lệ Đảng, đây là việc không phải nghi ngờ, vấn đề là làm thế nào để diễn đạt. Ông nói: “Tại Đại hội 19, tên của ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ được ghi vào Điều lệ Đảng. Đây là cách sửa đổi Điều lệ Đảng thường lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng là điều cần thiết để duy trì quyền uy của ông Tập Cận Bình. Đương nhiên, biểu đạt thế nào, dùng từ thế nào, những người khác (Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào) có được giữ lại tên trong đó hay không, thì vẫn cần đợi sau Đại hội 19”.
Ngày 18/8, Đài VOA cũng dẫn nguồn tin từ Bắc Đới Hà cho biết, “Tư tưởng Tập Cận Bình” chắc chắn sẽ được ghi vào Điều lệ Đảng.
Bài báo của VOA cũng dẫn nguồn tin từ The Huffington Post nói, thông tin về “Tư tưởng Tập Cận Bình” sẽ được ghi vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19 đã được xác định tại Hội nghị Bắc Đới Hà vừa mới kết thúc gần đây. Trong những người tham gia hội nghị, dường như không có ai phản đối quyết định này, và còn nói Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay là một hội nghị vô cùng khác thường.
Cái gọi là “Tư tưởng quản lý đất nước Tập Cận Bình” và “Tư tưởng Tập Cận Bình” về cơ bản là một.
Tháng 3/2017, tờ Minh Báo (Hong Kong) cũng đã đưa tin, “Tư tưởng Tập Cận Bình” có thể sẽ được xuất hiện tại Đại hội 19, và được ghi vào Điều lệ Đảng. Theo đó, ông Tập Cận Bình vì thế mà trở thành người tiếp theo sau ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, người lãnh đạo ĐCSTQ thứ 3 được lấy họ tên đặt cho một loại “tư tưởng”. Sau đó, “Tư tưởng Tập Cận Bình” tiếp tục được phổ biến rộng ra Trung Quốc và cả nước ngoài.
Ngày 14/7/2017, một bài viết trên tạp chí Nghiên cứu Xây dựng Đảng của Ban tổ chức Trung ương nói, “những lý luận được sáng tạo mới từ sau Đại hội 18 đến nay, cũng được gọi là ‘Tư tưởng tập Cận Bình’”. Đây là lần đầu tiên một tờ tạp chí của ĐCSTQ xác nhận và nói rõ về “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Học giả người Mỹ gốc Hoa Bùi Mẫn Hân nói với đài VOA, việc “Tư tưởng Tập Cận Bình” được viết vào Điều lệ Đảng sẽ không làm người khác cảm thấy ngạc nhiên, nhưng đây cũng là cột mốc quan trọng cho thấy ông Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực.
Tuy nhiên, một khi điều này được thực hiện thì trong nội bộ Đảng sẽ xảy ra chấn động lớn: đó là “lý luận” của ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào sẽ bị xóa khỏi Điều lệ Đảng.
Tạp chí Tranh Minh số ra tháng 6/2017 có nói, trong hội nghị sinh hoạt mở rộng của Thường ủy Bộ Chính trị ĐCSTQ diễn ra từ 10-11/5/2017, bài phát biểu bằng văn bản của ông Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, Tống Bình đều khen ngợi hành động chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình.
Trong đó, ông Hồ Cẩm Đào còn đề xuất, trong công tác cần phải không ngừng “sửa chữa sai lầm”, sửa đổi “những chính sách không phù hợp với sự phát triển của thời đại và tình hình đất nước”, do đó ông kiến nghị Trung ương Đảng và Bộ Chính trị xóa bỏ thuyết “Ba đại diện” và “Quan điểm về phát triển khoa học” mang tính cứng nhắc, tính hình thức từng được ghi vào Điều lệ Đảng và nghị quyết.
Như đã biết, thời ông Hồ Cẩm Đào chấp chính nhưng vẫn bị ông Giang Trạch Dân đứng sau thao túng tất cả cho đến Đại hội 18, khi ông hoàn toàn rút lui và bàn giao quyền lực, ủng hộ ông Tập Cận Bình nắm quyền toàn diện. Trong thời khắc nhạy cảm trước khi diễn ra Đại hội 19, ông Hồ Cẩm Đào đã lấy “Quan điểm về phát triển khoa học” của mình để đánh đổi, đề xuất xóa bỏ thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân. Đây được xem như một lần hy sinh nữa để trợ giúp ông Tập Cận Bình lật đổ ông Giang Trạch Dân.
Theo cách đấu đá thường thấy ở cao tầng của ĐCSTQ thì ông Tập Cận Bình sẽ lật đổ ông Giang Trạch Dân một cách triệt để, còn về mặt “tư tưởng chỉ đạo”, sẽ phá tan chính sách bảo hộ tham nhũng hủ bại “im lặng để phát tài” và thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân.
Từ tháng 11/2014, tạp chí Động Hướng (Hong Kong) đăng bài phân tích của tác giả Lâm Phương Chi nói, nghị quyết tại Hội nghị toàn thể lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khoá 18 thu hút được sự chú ý: đó là “tinh thần quan trọng trong loạt bài phát biểu của ông Tập Cận Bình” được cho thêm vào. Đây là lý luận thứ 3 được đặt theo tên của người lãnh đạo, sau lý luận của ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Trong khi đó thuyết “Ba đại diện” của ông Giang Trạch Dân vẫn không tên không họ. Điều này ám chỉ “thế hệ đỏ thứ hai” sẽ chính thức đoạt lại “giang sơn”.
Tác giả cũng dự đoán, ông Tập Cận Bình và ông Vương Kỳ Sơn đang chờ thời cơ chín muồi để liên thủ, đánh bật gốc rễ phe phái Giang Trạch Dân.
Ông Tập sánh ngang Mao, Đặng?
Đại hội 19 đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên cương vị Tổng bí thư – Chủ tịch nước – Chủ tịch Quân ủy trung ương. Đây cũng là kỳ đại hội được tin rằng sẽ có nhiều thay đổi trong bộ máy lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc.
Trong thực tế, việc chính thức công nhận đóng góp về lý luận của mỗi nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc kể từ năm 1949, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đến Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sau này đều được bổ sung vào Điều lệ ĐCSTQ.
Tuy nhiên cấp độ đề cập đóng góp cho lý luận trong Điều lệ ĐCSTQ của mỗi nhà lãnh đạo là khác nhau, và sự khác nhau trong cấp độ được phản ánh qua tên gọi:
“Tư tưởng Mao Trạch Đông” được chính thức hóa vào Điều lệ năm 1945, 4 năm trước khi thành lập nước. “Lý luận Đặng Tiểu Bình” được ghi vào Điều lệ tại Đại hội 15 năm 1997.
“Thuyết ba đại diện của Giang Trạch Dân” được xác lập chính thức trong Điều lệ vào Đại hội 16 và “quan điểm phát triển khoa học của Hồ Cẩm Đào” được ghi vào Điều lệ trong Đại hội 17 năm 2007.
Nếu “tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Điều lệ Đảng, thì đây sẽ là nhà lãnh đạo thứ 2 của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa từ khi lập quốc sau Mao Trạch Đông, đã đóng góp vào kho tàng lý luận của đảng Cộng sản Trung Quốc ở cấp độ “tư tưởng”.
Bo Zhiyue, một chuyên gia về chính trị đảng phái bình luận với South China Morning Post:
Sức mạnh tư tưởng là một trong 3 trụ cột phải có được để trở thành một nhà lãnh đạo quyền lực tuyệt đối ở Trung Quốc. 2 trụ còn lại là quyền lực bố trí nhân sự và quyền lực lãnh đạo quân đội. Ông nói:
“Nếu bạn là một nhà tư tưởng và có thể kiểm soát tư tưởng, sau đó bạn có thể kiểm soát định hướng chính sách. Điều đó rất quan trọng.
Đó là lý do Đặng Tiểu Bình trở nên mạnh mẽ, có quyền lực to lớn như vậy trong những năm 1990, mặc dù ông không phải Tổng bí thư hay Chủ tịch nước, Đặng vẫn có tiếng nói quyết định cuối cùng về các định hướng chính sách”.
Steve Tsang, chuyên gia về Trung Quốc từ Đại học London nói rằng, nếu “tư tưởng Tập Cận Bình” được đưa vào Điều lệ đảng Cộng sản Trung Quốc, rõ ràng ông đang đặt mình lên trên các lãnh đạo tiền nhiệm hậu Đặng Tiểu Bình để sánh ngang cùng Mao, Đặng.
Ông đã được Hội nghị Trung ương 6 ĐCSTQ khóa 18 xác lập vai trò “lãnh đạo cốt lõi” hay “lãnh đạo nòng cốt”. Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông đã tập hợp được quyền lực với tốc độ, quy mô chưa từng có trong mấy chục năm qua.
TinhHoa tổng hợp