Tuyến ‘xe buýt’ đường thủy đầu tiên ở Sài Gòn được vận hành thử nghiệm
Hôm 21/8, hệ thống bến ‘xe buýt’ đón trả khách công cộng bằng đường thuỷ đầu tiên ở TP.HCM đã được đưa vào vận hành kỹ thuật để kiểm tra trước khi hoạt động chính thức vào tháng 10.
Tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM có lộ trình dài gần 11 km từ bến Bạch Đằng (quận 1) đến bến phà Linh Đông (quận Thủ Đức) đi qua các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Bến số 1 Bạch Đằng (quận 1) nằm ngay trước công viên Công trường Mê Linh và tuyến đường Tôn Đức Thắng.
Bến Bạch Đằng được xây dựng trên nền mặt bằng nhà chờ tàu du lịch hoạt động nhiều năm trước, nay đã hoàn thành cầu tàu và đang thi công các hạng mục còn lại. Điểm đi đến quan trọng này đã có bãi giữ xe sẵn và có bến xe buýt bên cạnh rất thuận tiện.
Đây là bến có quy mô lớn nhất trong toàn tuyến buýt sông số 1 đi theo sông Sài Gòn, kênh Thanh Đa. Toàn tuyến sẽ có 12 bến, trong đó 9 bến chính thức và 3 bến bổ sung. Theo nhà đầu tư, buýt đường sông chỉ cần 30 phút là hoàn thành lộ trình, bằng 2/3 so với buýt đường bộ trên cùng một tuyến, giá vé dự kiến 15.000 đồng/lượt.
Do đây là loại hình vận tải đầu tiên ở Sài Gòn nên giá vé được cho là tương đối cao so với các loại hình vận tải công cộng khác, nhưng người dân vẫn đang rất mong ngóng có thể trải nghiệm loại hình mới mẻ này bởi ở ngoại thành có thể vào trung tâm quận 1 với thời gian ngắn, dễ dàng hơn so với di chuyển bằng đường bộ.
Mặt sàn cầu tàu cũ được gia cố bằng 2 trụ an toàn ở hai bên mé sông khi xây dựng bến mới. Lối đi bộ vào bến có hai đường được dựng mái che bằng những khung sắt kiên cố.
Phao nổi được thiết kế trụ kiên cố hoạt động theo mực nước lên xuống, phần hở khi hạ thấp cũng được gắn dây xích bảo vệ an toàn.
Cảnh quan bến này đã được xây dựng khá đẹp, tuy nhiên hạng mục nhà chờ vẫn chưa có mái che.
Tại các bến như Linh Đông, Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức), Thanh Đa (quận Bình Thạnh), Bình An (quận 2)… đã hoàn thành một số hạng mục cơ bản của bến như phao nổi, cầu dẫn, công tác cải tạo chỉnh trang.
Bến cuối Linh Đông nằm cuối đường số 36 nhưng từ đầu đường Kha Vạn Cân đi vào khoảng 1 km. Theo Sở GTVT TP.HCM, các vị trí làm bến bãi của tuyến buýt đều bố trí bãi giữ xe cho hành khách và một số bến đã có kết nối với đường bộ bằng xe buýt.
Bến Bình An (quận 2) cũng đã hoàn thành các hạng mục cơ bản. Cũng như các bến khác, các biển báo giao thông đường thủy được lắp đặt đầy đủ.
Bến Thanh Đa nằm sâu trong cư xá Thanh Đa từ ngoài đường vào khoảng 1 km.
Nhà đầu tư sử dụng 5 tàu, mỗi tàu 80 chỗ, trong đó 4 tàu vận chuyển thường xuyên và 1 tàu dự bị. Để thực hiện kiểm tra, rà soát đánh giá các công tác kỹ thuật và vận hành, tàu buýt trước khi đưa vào khai thác chính thức được hạ thủy vận hành kỹ thuật vào 21/8. Dự kiến, tháng 10 tới nó sẽ chính thức được đưa vào hoạt động.
Lộ trình cụ thể của tuyến buýt số 1: Bến số 1 (Bạch Đằng, quận 1) – bến số 2 (Sài Gòn Pearl, quận Bình Thạnh) – bến số 3 (Bình An, quận 2) – bến số 4 (Thảo Điền, quận 2) – bến số 5 (Tầm Vu, quận Bình Thạnh) – bến số 6 (Thanh Đa, quận Bình Thạnh) – bến số 7 (Bình Triệu, quận Thủ Đức) – bến số 8 (Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) – bến số 9 (Bình Quới, quận Thủ Đức).
Dự án ‘xe buýt’ đường sông được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải gánh nặng giao thông của đường bộ và thúc đẩy sự phát triển của du lịch TP. HCM.
Theo Zing News