Văn hóa giao thông và đạo đức người lái xe
– Đã có không ít bài
viết về văn hóa giao thông nhưng “tệ nạn” về những người tham gia giao thông
trên mọi phương tiện hình như vẫn không giảm.
Đó là việc vi phạm luật giao thông, coi thường
tính mạng của người khác, hút thuốc lá, uống bia rượu, nghe điện thoại di động
và không thắt dây bảo hiểm…trong khi lái xe.
Đó là những hành khách không tuân thủ nội quy khi
đi xe buýt, thậm chí còn gây mất trật tự và mắng mỏ lái phụ xe.
Đó còn là anh taxi vội vàng tranh khách, khi sai
phạm còn chống lại cảnh sát, có hành vi liều lĩnh hất cả cảnh sát lên nắp ca-pô…
Rồi, đó còn là anh đi xe máy lạng lách, vượt đèn đỏ, đi lên hè, đèo người quá
qui định, không đội mũ bảo hiểm; anh xe tải chở quá tải, chủ quan vượt ẩu, chạy
quá tốc độ, vào “cua” gấp mất “phanh” lao dốc gây tai nạn; những rào chắn xe hỏa
ở nhiều cung đường không có nên ô tô và xe hỏa nhiều khi”hôn” nhau bất đắc dĩ để
lại thảm họa khôn lường…
Văn hoá tham gia giao thông kém là nguyên nhân không nhỏ gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam. |
Và phải nói thật là không ít các chiến sĩ công an giao thông còn “nể” nang để
“xổng” những bác tài vi phạm bởi cái “luật bất thành văn”.
Tất cả những sự chuyển động ấy cứ diễn ra hằng ngày và chưa có lời giải thích để
giảm thiểu tai nạn giao thông khi mà mỗi ngày có tới 30 người chết và hàng trăm
người bị thương trên mọi nẻo đường của đất nước.
Một ví dụ nhỏ như thế này: trên ngã tư ở Hà Nội, một hôm có người cao tuổi đi xe
máy bị một anh thanh niên vượt mặt tùy tiện suýt làm ông cao ngã. Vị cao niên
vội nói với anh kia một câu: Cháu đi kiểu gì thế? Lập tức anh thanh niên văng
câu trả lời xanh rờn: Đ mẹ đố ông biết đấy?!Thế thì chịu rồi!Ông già lẳng lặng
lái xe đi từ từ và rẽ sang lối khác.
Kể lại chuyện này, có người bảo: thế là nó “văn hóa” đấy chứ gặp phải tay dữ dằn
có khi ông còn bị ăn đòn bởi đã “hạch sách” nó.
Vậy giữa cái thời giao thông nhiễu nhương này, tìm hai chữ “văn hóa” cho giao
thông thế nào? Hết hội thảo này đến hội thảo khác, thậm chí chúng ta còn tổ chức
một đêm cầu siêu cho những oan hồn bị tai nạn giao thông, vậy mà những oan hồn
ấy ngày một nhiều, chưa hề giảm.
Mỗi ngày mở báo ra, bật máy vi tính lên, đọc mạng hầu như không ngày nào là
không có tin xe đâm, xe đổ…Tất cả những cái đó người ta nói: Tại kỷ cương không
nghiêm?!
Vậy chúng ta phải truy tận gốc cái “không nghiêm” ấy. Đó có phải là không nghiêm
ở khâu đào tạo lái xe, và ở đây phải đề cao LUẬT và ĐẠO ĐỨC người lái.
Thời Pháp thuộc, luật qui định không hút thuốc lá trong khi lái xe. Có lần sát
hạch lái xe để cấp bằng lái, ông thầy cho lái xe lên ca-bin, ngồi cầm lái và đột
nhiên ông rút trong túi ra bao thuốc, mời lái xe, anh lái xe này vội vàng cầm
điếu thuốc. Thế là khỏi phải lái nữa, thầy giáo đánh anh lái xe này “trượt”
luôn, bởi vì lái xe đã vi phạm qui định về cấm hút thuốc lá, khi anh cầm điếu
thuốc là sẽ có lúc hút thuốc.
Hoặc có một câu hỏi về đạo đức người lái xe, thời đó như thế này: Xe ô tô đang
lên dốc, phía trước có một người kéo xe bò nặng cũng vượt dốc, vậy xe ô tô muốn
vượt xe bò nhanh thì làm thế nào?
Anh lái xe trả lời: Bình tĩnh chờ xe bò lên hết dốc thì xe ô tô mới đi và đồng
thời bấm còi cho xe bò tránh vào một bên. Thế là anh học viên lái xe bị đánh
“trượt” luôn. Ở đây là vấn đề đạo đức, anh lái xe phải xuống xe và giúp người
lái xe bò một tay để cho xe bò đi nhanh hơn, chứ không thể thờ ơ trước cái vất
vả của người khác khi mà mình muốn được việc.
Những dẫn chứng trên để ta thấy trong các trường dạy lái xe, chúng ta mới chỉ
chú trọng vào kỹ năng lái, mà chưa chú ý thật sự tới vấn đề LUẬT và ĐẠO ĐỨC.
Đành rằng các trường dạy lái xe vẫn đề cao hai vấn đề này nhưng chưa thật nghiêm
trong xử lý khi sát hạch, thậm chí còn có cả tiêu cực trong việc sát hạch cấp
bằng lái.
Bây giờ lại nói đến việc không nghiêm của một bộ phận không nhỏ trong cảnh sát
giao thông. Đúng là các đồng chí CSGT vất vả cả ngày lẫn đêm, song sự đãi ngộ
của chính sách, chế tài cho loại cảnh sát đặc thù này còn quá hạn hẹp có phải vì
thế mà sinh ra cái kiểu”làm luật”.
Vẫn biết rằng đó là sai, thế thì nhiều bác tài
“làm luật” xong là… “xong” lần sau sai lại “làm luật” quen rồi thì tha hồ “quá
tải” phóng nhanh , vượt ẩu…
Còn lại vấn đề là “Ý THỨC NGƯỜI DÂN”. Đúng, quan trọng nhất là ý thức người dân
khi tham gia giao thông, trong đó có cả học sinh, sinh viên.
Ra thành phố chị nông dân chưa quen nhiều giao
thông đô thị cứ có xe máy là phóng bạt mạng. Học sinh không đi xe máy đến
trường, tuổi vị thành niên khi ở nhà vẫn đi xe máy cho việc nhà.
Vậy nhà trường phải mạnh mẽ hơn cho vấn đề này để
học sinh thực hiện nghiêm. Các anh lái xe taxi ở tỉnh lẻ về Hà Nội, chưa thuộc
đường nên vẫn LÁI, thế là lung tung, quanh quẩn.
Vậy Hà Nội phải có một chính sách qui chế gì đây
để buộc lái xe ở các hãng taxi thực hiện nghiêm khi phục vụ hành khách.
Nhưng theo tôi, vấn đề vận tải công cộng và giao
thông tĩnh, hoặc việc cải tạo hệ thống đường sá còn quá nhiều việc phải làm.
Nhất thiết phải cải tạo phương tiện này. Xe buýt
của ta còn “xộc xệch” quá. Xộc xệch cả về phương tiện lẫn lộ trình và chưa quan
tâm xứng đáng đến đội ngũ lái xe. Lương thấp, áp lực cao, lái phụ xe chưa có
trình độ học vấn nhiều và ý thức phục vụ. Chỉ có qui chế kỷ luật nhiều hơn qui
chế khen thưởng.
Hơn nữa chiếc xe buýt của ta chưa đẹp, vệ sinh
kém, đường phố hẹp vì thế sự vận động đi xe buýt còn hạn chế, nên ai cũng phải
mua lấy được chiếc xe máy, và thế là thêm hàng triệu xe máy ra đời. Giao thông
công cộng vẫn bế tắc và tiếp tục bế tắc.
Có lẽ Ủy ban ATGT phải tham mưu cho Chính phủ những vấn đề về vĩ mô, chứ không
chỉ là làm “văn hóa quần chúng” trong vấn đề văn hóa giao thông. Không chỉ “cờ
đèn kèn thang” khẩu hiệu, hội thảo mà vấn đề chính sách, cơ sở vật chất, chế tài
cụ thể cho từng đối tượng phục vụ và tham gia giao thông.
Bộ Giao thông, Bộ Tài chính… sao cứ nhăm nhăm
tăng phí, tăng phạt, tăng thuế…trong khi những chính sách này chưa bao giờ góp
phần làm giảm được tai nạn giao thông? Do đó liều thuốc này rồi sẽ “nhờn”.
Rõ ràng, văn hóa ở đây không chỉ là thái độ, ý
thức mà nó là cả một “hoạch định” lớn trong lộ trình hòa nhập với thế giới.
Nếu không có văn hóa giao thông thì ngay người
Việt không chỉ gặp vấn đề trong nước mà ra nước ngoài càng nguy hiểm chỉ vì kém
văn hóa giao thông.
Nguyễn Hữu Hồng (Hà Nội)
(vietnamnet.vn)