Lý giải thực phẩm chức năng có giá “lên trời”
– Thực phẩm chức năng có giá “lên trời” do thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm chức năng cao (30%), các nhà kinh doanh cũng muốn lấy lợi nhuận cao.
Thực phẩm chức năng giá cao, do đâu?
Thực phẩm chức năng được sản xuất tại Việt Nam có giá thành thấp hơn. |
Ngoài ra, bản thân thực phẩm chức năng có hiệu quả, được sản xuất theo những công nghệ có khi còn hiện đại hơn một số dây chuyền sản xuất thuốc hiện nay như công nghệ nano, làm hóa lỏng nitơ để chiết xuất ra các hợp chất tự nhiên…
Và để hạ giá thì trước tiên phải hạ mức thuế, thứ hai là đề nghị các nhà kinh doanh lấy mức lãi ít hơn và thứ ba là cải tiến công nghệ, tăng cường sản xuất trong nước.
Đó là những lý giải mà ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam đưa ra trong Tọa đàm trực tuyến “Thực phẩm chức năng- những vấn đề cần sáng tỏ” tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 9/11.
Cũng theo ông Đáng: “Có thể nói, trong 25 năm qua, thực phẩm chức năng phát triển mạnh mẽ trên thế giới, trở thành kinh tế mũi nhọn, như ở Mỹ. Trước đây, hàng năm, ông Bill Clinton (cựu Tổng thống Mỹ) đều phải họp với các nhà bán hàng đa cấp thực phẩm chức năng vì đã mang đến 25-30% lợi nhuận cho nước Mỹ.
Đặc biệt, các nước cũng luật hóa về thực phẩm chức năng rất sớm như Nhật Bản năm 1991, Mỹ năm 1994, Australia năm 1998 và nhiều nước khác…”
Hiện người tiêu dùng thực phẩm chức năng rất phổ biến. Ví dụ, tại Mỹ, cứ trong 100 thì có 72 người sử dụng thực phẩm chức năng, ở Nhật, cứ 1 người dân chi 126 USD cho thực phẩm chức năng hàng năm…
Ở nước ta, cũng rất phát triển đặc biệt trong 10 năm qua. Từ năm 2000 có khoảng trên 60 cơ sở sản xuất kinh doanh với trên 400 loại sản phẩm, nhưng đến năm 2011, có 1.600 cơ sở sản xuất với 3.700 sản phẩm các loại….
Qua kết quả điều tra của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), ở Hà Nội, cứ trong 100 người lớn có 56 người sử dụng thực phẩm chức năng. Ở TP. HCM, cứ 100 người lớn thì có 48 người sử dụng. Ở Việt Nam, dần dần, nguồn thực phẩm chức năng phát triển, trở thành 1 ngành kinh tế – ngành kinh tế sức khỏe.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phân tích: Đúng là có sự hiểu chưa đầy đủ về thực phẩm chức năng, nên trong công chúng còn có nhiều người hiểu sai về thực phẩm chức năng.
Theo định nghĩa đã được luật hóa trong Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh.
Về giá bán, nếu chúng ta coi là TPCN là thuốc thì lập tức Bộ Y tế sẽ quản lý theo giá thuốc. Nhưng đây là thực phẩm và thực phẩm thì không do Bộ Y tế quản lý giá. Không thể đòi hỏi Bộ Y tế quản lý giá thực phẩm chức năng, một lãnh đạo Bộ Y tế từng nói như vậy.
Vậy ai sẽ quản lý giá của thực phẩm chức năng? Vì hiện nay nhiều thực phẩm chức năng có mức giá mà theo bạn đọc phản ánh thì là mức giá trên trời. Có sản phẩm hỗ trợ chữa trị bệnh nhưng đắt gấp nhiều lần giá thuốc chữa bệnh đó?
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó viện trưởng Viện thực phẩm chức năng bày tỏ: “ Ví dụ chị mặc một chiếc áo sản xuất hàng loạt thì giá rẻ, nhưng chị mặc áo làm từ cotton thì đắt hơn một chút, nếu làm từ tơ tằm thiên nhiên thì đắt hơn nữa.
Nguyên liệu của ngành công nghiệp dược phụ thuộc 80% vào công nghiệp dầu mỏ, nhưng thực phẩm chức năng từ chiết xuất hoạt chất thiên nhiên, cây cỏ, khoáng chất… và thường cái gì từ thiên nhiên cũng đắt hơn, giống như câu chuyện về chiếc áo ở trên.
Nói nó đắt hay không đắt chỉ là về bản chất, thực phẩm chức năng giúp người dùng có ý thức phòng ngừa bệnh tật, nếu rẻ quá thì như người ta vẫn thường nói “của rẻ là của ôi” nên đôi khi người dùng lại không coi trọng sử dụng.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong nói: Theo tôi, mọi sự so sánh đều khập khiễng, tôi nhất trí đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế là nếu coi thực phẩm chức năng là thuốc thì việc quản lý giá có quyền giao Bộ Y tế quản, nhưng nếu đây là một loại thực phẩm thì Bộ Y tế không thể quản lý.
Hơn nữa, nếu liên quan về giá thì chúng ta có cả bộ bộ máy như Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính. Nhưng theo tôi thì nên để thị trường tự quyết định giá thực phẩm chức năng bởi nếu không có tác dụng thì cho người ta cũng không dùng; thứ hai phải tuyên truyền cho người dùng nếu có nhu cầu thực sự thì nên mua để sử dụng.
Tự sản xuất để thực phẩm chức năng rẻ
Một trong những yếu tố giảm giá thành thực phẩm chức năng là tự sản xuất trong nước.
|
Ông Trần Đáng phân tích: Ngành thực phẩm trong nước đúng là đang gặp khó khăn. Chúng ta có nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú nhưng biến thành sản phẩm chất lượng cao thì hạn chế, mà thành công hay thất bại là do công nghệ.
Ví dụ, các nhà máy sản xuất của chúng ta đều có thể sản xuất thực phẩm chức năng, nhưng so với công nghệ thế giới thì không thấm vào đâu, như công nghệ nano chẳng hạn.
Thứ ba, vấn đề mẫu mã, sản xuất ra chưa phù hợp, không thu hút được khách hàng.
Nếu nhà nước có chính sách đầu tư cho ngành thực phẩm chức năng, tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ về thực phẩm chức năng với vai trò như một “vaccine” phòng các bệnh không truyền nhiễm, thì ngành này sẽ phát triển.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng bày tỏ: Ở Việt Nam, tiềm năng thực phẩm chức năng như ông Đáng vừa nói là rất lớn, nguyên liệu dồi dào, thứ 2 có nền nông nghiệp phát triển, nhân dân cần cù, đồng thời các nhà khoa học chịu khó, nhưng chúng ta chưa có chiến lược tổng thể quy hoạch ngành này.
Chúng ta mới coi thực phẩm chức năng như một hiện tượng, chưa phải một ngành kinh tế. Như bạn biết, trong 10 xu hướng của thế giới hiện nay, người ta đi về xu hướng về sức khỏe, hoạt chất thiên nhiên vì không độc hại tới môi trường, đồng thời cũng góp phần bảo tồn nguồn gen tự nhiên.
Chúng ta sẽ phải dần khẳng định cho thế giới biết Việt Nam có những công nghệ cao. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu công nghệ nano trong sản xuất thực phẩm chức năng và nghiên cứu một số công nghệ chiết xuất được hoạt chất tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo hoạt tính bền vững.
“ Chúng ta phải nói rằng Việt Nam có nguồn nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng rất phong phú, nhiều loại cây cỏ. nhiều loại xuất sang nước ngoài được ưa chuộng như dầu gấc, các loại trà thảo mộc.
Chúng tôi thấy, với một nguồn như thế, nếu có chính sách đầu tư, khuyến khích sản xuất thì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành nền kinh tế sức khỏe rất phát triển. Kinh tế thế giới dù có suy, có giảm, nhưng kinh tế sức khỏe không bao giờ suy giảm”, ông Đáng chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Thanh Phong đưa ra quan điểm: Chúng ta có lợi thế về nguyên liệu, nguồn lao động nhưng thua thiệt về công nghệ so với các nước nên sản phẩm của họ hiệu quả cao hơn. Về chế biến thực phẩm chức năng, thế mạnh chúng ta là nguyên liệu, y học cổ truyền nhưng về công nghệ nếu chúng ta không đầu tư, đặc biệt là ưu đãi vốn, thuế, công nghệ, đất… thì rất khó phát triển được ngành này.
Nếu nhà nước xác định đây là một ngành kinh tế thì sẽ có ưu đãi về vốn, thuế, đất, công nghệ nhưng bản thân các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động đầu tư để thực phẩm chức năng phát triển thành một ngành kinh tế thực sự”.
>>> Loạn giá và chủng loại thực phẩm chức năng
Nguyễn Tâm
(vtc.vn)