Bên trong hầm ngầm chống lụt khổng lồ ở Nhật
Tại vùng ngoại ô Tokyo, đằng sau tòa nhà chính quyền, bên dưới một sân vận động và công viên trượt băng, là một công trình kỳ công đáng chú ý.
Đó là một ví dụ điển hình về việc thủ đô của nước Nhật, vốn nằm ở vùng dễ bị ảnh hưởng bởi lụt lội và những cơn lốc nhiệt đới, đang cố gắng tìm ra cách để bảo vệ hơn 13 triệu dân của mình như thế nào.
Lối vào luôn được đóng kín và khó nhận ra tới nỗi một du khách có thể đi qua hàng chục lần nhưng chưa bao giờ chú ý tới nó.
Được xây dựng từ năm 1993 đến năm 2006 với chi phí gần 3 tỷ usd, công trình phức hợp này ấn tượng hơn nhiều so với tên gọi “Cống nước thải” của nó.
Những cầu thang quanh co dẫn tới một sảnh lớn, giống như đền Parthenon ngầm hay cảnh tượng trong một bộ phim viễn tưởng.
Hệ thống ngầm phức tạp này có 5 bồn chứa khổng lồ, mỗi bồn sâu hơn 65m và rộng 32m, để chuyển nước dọc theo một đường hầm kéo dài gần 4 dặm (6,4 km) sâu 50m dưới lòng đất.
Những cơn mưa lớn thường xuyên làm ngập lụt lưu vực sông Naka, quận Saitama. Tuy nhiên hiện nay, vùng đất canh tác quan trọng này đã có một hệ thống thoát nước tuyệt vời nằm bên dưới.
Khi các bể chứa và cống đầy, các kỹ sư phụ trách có thể bật trung tâm của hệ thống, vốn là một tổ hợp gồm 4 tua-bin được vận hành bằng động cơ phản lực tương tự như động cơ được sử dụng trên một chiếc máy bay Boeing 737. Các tua-bin sau đó có thể nhanh chóng đẩy nước lũ tới sông Edo gần đó.
Các kỹ sư ở đây cho biết hệ thống được phát triển nhằm đối phó với mưa lớn nhưng có lẽ sẽ khó chống chọi được những cơn bão kiểu như bão Sandy vừa đổ bộ vào Vịnh Thượng New York.
Tuy nhiên, mô hình này là một ví dụ điển hình cho các thành phố khác trên thế giới tìm ra biện pháp để đối phó với thiên tai trong tương lai.
Sầm Hoa (Theo CNN)
(vietnamnet.vn)