Dạy con thành thật hay dối trá, 2 câu chuyện xưa đáng ngẫm
Trung thực là một đức tính quý của con người. Dù mọi thứ có bị mài mòn bởi thời gian thì tấm lòng chân thật vẫn như đóa hoa sen tỏa hương thơm ngát. Người xưa đối với phẩm đức này là vô cùng chú trọng, hơn nữa luôn làm gương tốt cho con cái.
Có một đôi vợ chồng nông dân bình thường, cuộc sống không mấy dư dả. Một buổi sáng nọ, người chồng đi ra ngoài cuốc ruộng, người vợ ở nhà nội trợ, muốn sai đứa con trai chừng mười tuổi làm giúp mình các việc, nhưng đứa trẻ lại không muốn làm. Vì vậy người vợ bèn nói với đứa con: “Con làm cho mẹ việc này, đợi đến lúc cha con về sẽ mổ heo làm thịt cho con ăn!”. Đứa trẻ nghe xong, hết sức phấn khởi đi làm các việc mẹ sai.
Đến giữa trưa người chồng cuốc ruộng trở về nhà, đứa con nhao nhao bảo cha làm thịt heo. Người chồng không hiểu nên hỏi vợ là xảy ra chuyện gì, người vợ kể lại đầu đuôi sự việc. Lúc đó người chồng bèn cầm dao, đi đến chuồng đẩy con heo ra ngoài để giết thịt.
Người vợ vội vàng chạy lại can ngăn: “Tôi chỉ là nói mổ heo ăn thịt để dỗ con thôi, mình sao lại làm thật như vậy chứ?”.
Người chồng nghiêm túc nói: “Nếu hôm nay chúng ta nói dối con, thì sau này khi con lớn lên cũng sẽ luôn nói dối, làm sao có thể trở thành người chân thật đây?”.
Có thể thấy được người xưa chẳng những chú trọng bồi dưỡng đức tính trung thực cho con cái, hơn nữa còn làm gương tốt, giáo dục rất có phương pháp.
Lại có một câu chuyện xưa, kể rằng: Có một vị quốc vương tuổi tác đã cao, lại không có con trai kế vị, vậy nên ông muốn trong đám trẻ con cả nước sẽ chọn ra một người thừa kế. Hôm đó, quốc vương cho triệu tập trẻ em cả nước đến, chia cho mỗi đứa bé một hạt giống, nói với bọn nhỏ là ai có thể trồng được một cây hoa xinh đẹp tươi tốt, người đó sẽ là người thừa kế ngai vàng.
Mấy tháng sau, quốc vương lại cho triệu tập cho tất cả trẻ em mang thành quả của mình đến. Hầu như đứa trẻ nào cũng mặt mày rạng rỡ, bưng ra đủ các loại chậu hoa, đều rất xinh đẹp tươi tốt. Duy chỉ có một cậu bé mặt rầu rĩ, bê ra một chậu cây, nhưng bên trong chỉ toàn là đất đen. Đừng nói đến hoa tươi, ngay cả cái mầm cây cũng chẳng có.
Quốc vương đi đến trước mặt đứa bé này hỏi: “Người ta đều trồng được bao nhiêu loại hoa tươi tốt như vậy, ngươi vì sao không trồng được gì thế?”.
Đứa bé nước mắt ngắn dài nói: “Cháu đã cố gắng hết sức rồi, nào là xới đất, gieo hạt, bón phân, tưới nước, nhổ cỏ, nhưng chẳng có cây hoa nào mọc lên cả!”.
Quốc vương mỉm cười, lúc này mới tuyên bố: “Cậu bé này sẽ là người thừa kế ngai vàng trong tương lai, bởi vì cậu là một đứa trẻ trung thực”.
Rồi quốc vương nói với tất cả mọi người có mặt rằng: “Những hạt giống mà ta ban cho các ngươi đều đã được đun qua nước sôi, làm sao có thể sinh trưởng mà nở hoa cho được?”.
Vậy mới có thể thấy, chỉ có thành thật mới có thể đủ khả năng gánh vác sự nghiệp. Trong xã hội ngày nay, nhiều bậc cha mẹ sẽ thường dạy bảo con trẻ ngay từ tấm bé rằng, để không bị thua thiệt với người ta, để có chỗ đứng trong xã hội thì phải biết khôn khéo, tinh ranh, thậm chí sẵn sàng nói dối để lấy lòng người khác. Họ cho rằng, đó mới thể hiện là một người thông minh lanh lợi. Tuy nhiên, họ lại không biết rằng, như vậy chính là tổn đức, thất đức. Mà Đức mới chính là thứ trân quý nhất cần phải giữ gìn.
Theo kannewyork.com