Vì sao các tỷ phú Trung Quốc ghét bị xếp hạng mức độ giàu có?
Đã thành thông lệ, cứ vào tháng 9 hàng năm tạp chí Hồ Nhuận của Trung Quốc, một tờ báo tại Thượng Hải chuyên theo dõi thị trường hàng xa xỉ, lại công bố danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Bảng xếp hạng này không chỉ thỏa mãn những ai hiếu kỳ muốn biết những người giàu có, nổi tiếng sống ra sao mà còn cho thấy xu thế đằng sau thành công hay thất bại của giới doanh nhân Trung Quốc.
Zong Qinghou đã giành lại ngôi người giàu nhất Trung Quốc
Và bảng xếp hạng mới nhất “Những người giàu nhất Trung Quốc 2012” được công bố ngày 24/9 không phải ngoại lệ. Theo đó năm nay ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc đã thuộc về “ông trùm” ngành đồ uống Zong Qinghou, chủ tập đoàn Wahaha Group. Đây là vị trí ông từng nắm giữ năm 2010 trước khi bị mất hồi năm ngoái.
Tổng tài sản của ông Zong được ước tính vào khoảng 12,6 tỷ USD, vượt xa mức 10,3 tỷ USD của đối thủ xếp thứ hai là Wang Jianlin, chủ của tập đoàn bất động sản và chuỗi rạp chiếu phim Dalian Wanda Group.
Với những thông tin tỷ mỉ và liên hệ lí thú, bảng xếp hạng năm nay đem đến nhiều điều thú vị không chỉ bó hẹp ở những con số. Trong đó điều đáng chú ý nhất đó là các tỷ phú ngành sản xuất đang phất lên, vượt qua các “ông trùm” bất động sản để trở thành lực lượng đa số trong nhóm 1000 người được xếp hạng.
Đáng ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên kể từ năm 2005, số lượng người Trung Quốc sở hữu từ 1 tỷ USD trở lên giảm 20 người so với năm ngoái, xuống còn 251 người. Gần một nửa số triệu phú và tỷ phú được xếp hạng vẫn trụ vững trong danh sách dù phú quý thụt lùi, trong đó có 37 người chứng kiến tài sản “bốc hơi” mất 50%.
Ngoài ra còn có một sự trùng lặp thú vị đó là có tới 12,8% người được xếp hạng sinh năm Mão. Trong khi đó những người sinh năm Sửu có vẻ là ít phát tài nhất khi chỉ chiếm 6%. Theo tạp chí Hồ Nhuận, từ trước đến nay những người sinh năm Mão luôn lấn lướt bảng xếp hạng này, ngoại trừ năm 1999.
Trong khi những người khác phải ghen tỵ với các “đại gia” trên bảng xếp hạng của Hồ Nhuận thì không ít người lại xem đó là “điềm xấu”. Suy nghĩ này không phải bây giờ mới xuất hiện. Ngay từ năm 2009, trong cuốn sách “Lời nguyền của tạp chí Forbes”, tác giả Wang Gang đã miêu tả những rắc rối có thể giáng xuống đầu bất kỳ người Trung Quốc nào có tên trên bảng xếp hạng các triệu phú, tỷ phú thế giới của Forbes.
Những rắc rối đó bao gồm sự “dò xét” kỹ lưỡng hơn không chỉ từ cơ quan thuế mà còn từ cả cơ quan chống tham nhũng và công chúng nói chung. “Nếu bạn có tên trong danh sách của Forbes, bạn sẽ sớm mang họa vào thân”, bài viết của ông Wang dự đoán.
Một nghiên cứu mang tính học thuật mới đây đem đến một cái nhìn có tính logic hơn về vấn đề này nhưng kết luận thì cũng tương tự. Trong cuốn: “Cái giá của việc trở thành tỷ phú tại Trung Quốc: Bằng chứng dựa trên danh sách người giàu có của Hồ Nhuận”, một số học giả Oliver Rui, Xianjie He và Xiao Tusheng chỉ ra rằng: trong số các công ty niêm yết có chủ là người được Hồ Nhuận xếp hạng, giá cổ phiếu của họ đã sụt giảm đáng kể 3 năm trở lại đây.
Dựa trên phân tích các bảng xếp hạng của Hồ Nhuận từ năm 1999 đến 2007, các tác giả chỉ ra rằng cả những cá nhân lẫn các doanh nghiệp mà những người được xếp hạng sở hữu đều bị chính phủ “soi” kỹ hơn. Những khoản trợ cấp, trợ giá của chính phủ cho các công ty liên quan đến các “đại gia” được Hồ Nhuận xếp hạng cũng sụt giảm. Các công ty này cũng có xu hướng che giấu nhiều hơn đối với lợi nhuận của mình.
“Nhà đầu tư tại Trung Quốc xem việc các chủ doanh nghiệp bị đưa vào danh sách người giàu của tạp chí Hồ Nhuận là tin xấu”, các tác giả kết luận. Nhưng còn có tin xấu hơn cho các “đại gia” này đó là theo các học giả trên, tỷ lệ người bị kết tội, điều tra hoặc bắt giữ sau khi có tên trong bảng xếp hạng mức độ giàu có lên tới 16,95%, cao gấp 3 lần mức 6,84% của những chủ doanh nghiệp khác không có tên trong bảng xếp hạng trong cùng thời kỳ.
Thanh Tùng Theo BI (dantri.com.vn)