Phụ nữ hươu cao cổ – Truyền thống ở Myanmar đang bị mai một
Nét đẹp truyền thống “phụ nữ hươu cao cổ” của tộc người Kayan ở vùng Tam giác vàng khét tiếng tại Myanmar đang bị mai một. Trước quá trình hiện đại hoá họ “dường như chỉ có thể giữ được tục lệ, chứ không thể giữ được linh hồn của truyền thống”.
Phụ nữ tộc Kayan được coi là những người cổ dài kỳ lạ, gắn liền với tên gọi “phụ nữ hươu cao cổ”. Họ quan niệm đeo thật nhiều vòng đồng lên cổ và tay chân là cách thể hiện sự cao quý và giàu có của gia đình.
Họ đeo rất nhiều vòng kim loại khiến phần cổ có thể dài tới 40 cm. Trọng lượng của hệ thống vòng trên người phụ nữ có thể lên tới 16 kg. Có nhiều lý do giải thích cho tục lệ này. Người ta đồn rằng đeo vòng để phòng mãnh thú cắn vào cổ, giảm sắc đẹp của phụ nữ để không bị bộ tộc khác bắt đi. Họ cũng tin rằng đeo càng nhiều vòng, thì sẽ càng có nhiều đàn ông theo đuổi.
“Tổ tiên chúng tôi có dòng dõi từ tiên rồng, đeo nhiều vòng để tưởng nhớ tới người mẹ”, Pascal Khoo Thwe, chuyên gia của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), nhắc tới truyền thuyết cổ xưa về tục lệ của người phụ nữ Kayan.
Từ xa xưa, vòng cổ là mặt hàng thời trang đắt tiền và thường dành cho những cô con gái cưng trong gia đình. Tuy nhiên, tục lệ kéo dài hàng trăm năm đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Đa số phụ nữ trong làng quyết định tháo chúng và lựa chọn phong cách hiện đại hơn.
Theo ông Pascal, một số ít phụ nữ vẫn chịu gắn bó với tục lệ không phải để lưu giữ truyền thống, mà vì lí do thương mại phục vụ du lịch.
“Hầu hết những đứa trẻ không chịu đeo vòng vì bị ảnh hưởng từ nền văn hoá hiện đại. Ở thế hệ của tôi, phụ nữ sẽ được cho là duyên dáng, xinh đẹp hơn với càng nhiều vòng cổ. Nhưng hiện giờ, họ đổ lỗi cho những chiếc vòng khiến họ trở nên xấu xí, lạc hậu”, già làng Old Mu Lone chia sẻ.
“Tôi thấy rất đau đớn khi đeo vòng. Giờ thì thoải mái và nhẹ hơn nhiều”, Muu Pley đã tháo vòng sau 13 năm đeo chúng vì sợ cổ phát triển quá dài. Dân cư trong vùng cho biết những chiếc vòng như “gông cổ” người phụ nữ.
Nhiều lo ngại cho rằng nét đẹp truyền thống có thể bị đe doạ, đặc biệt là khi việc bảo tồn nhằm mục đích thương mại, kích cầu du lịch. “Dường như chỉ có thể giữ được tục lệ, chứ không thể giữ được linh hồn của truyền thống. Những gì chúng ta thấy chỉ là vẻ bề ngoài“, ông Pascal bộc bạch.
Theo cafebiz.vn