Tiền gửi ‘bốc hơi’ khỏi ngân hàng các nước khủng hoảng
Tình trạng tiền gửi “bốc hơi” nhanh chóng trong hệ thống ngân hàng tại 4 quốc gia châu Âu đang đe dọa trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế cũng như khả năng hợp nhất của hệ thống tài chính những nước này.
Theo số liệu của Bloomberg, tính đến ngày 31/7 đã có 326 tỷ euro tiền gửi bị rút khỏi các ngân hàng của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland và Hy Lap. Tình trạng “chảy máu” tiền mặt bắt đầu diễn ra tại Hy Lạp vào năm 2010 và lan sang Tây Ban Nha vào năm ngoái.
Trái với tình trạng của 4 quốc gia trên, tiền gửi tại 7 nước châu Âu khác thuộc khu vực đồng tiền chung này, bao gồm cả Đức và Pháp lại tăng khoảng 300 tỷ euro. Dòng tiền gửi di chuyển sang các nước châu Âu có nền kinh tế tốt hơn đang dẫn đến tình trạng phân mảnh tính dụng trong khu vực. Hiện tượng này đang ngăn cản những nỗ lực phục hồi kinh tế của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB).
Người dân Ireland đang có xu hướng rút tiền gửi của mình trong ngân hàng. Ảnh Bloomberg. |
Ông Alberto Gallo, người đứng đầu lĩnh vực nghiên cứu tín dụng châu Âu tại Royal Bank of Scotland (RBS) cho biết, sự dịch chuyển của dòng tiền gửi đang đẩy khu vực đồng tiền chung này đến bờ vực tan rã cũng như tạo nên sự phân cách giữa các nước phía ngoài và trung tâm châu Âu. “Các doanh nghiệp ở Tây Ban Nha, Hy Lạp sẽ phải đi vay với lãi suất cao hơn và chúng ta không thể khôi phục kinh tế trong điều kiện như vậy”, ông nói.
Tình trạng rút tiền gửi buộc các ngân hàng phải có nhiều ưu đãi hơn để giữ chân khách hàng. Điều đó dẫn đến lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cao hơn. Trong tháng 7, lãi suất trung bình đối với các khoản vay dành cho các doanh nghiệp phi tài chính ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy lần lượt là 7%, 6,5% và 6,2%. Trong khi đó, mức lãi suất này chỉ ở mức 4% tại Đức, Pháp và Hà Lan.
Nhiều tổ chức tài chính thế giới như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của phân mảnh tài chính trong khu vực châu Âu. Trong báo cáo tháng 4, IMF cho rằng sự tan rã tài chính của châu Âu chính là nguyên nhân phá hủy những lợi ích từ hội nhập kinh tế và tài chính.
Nguyễn Tâm