Nga trục vớt tàu ngầm hạt nhân bị đánh đắm như thế nào?
Sau 30 năm nằm yên dưới đáy biển Kara, Nga đang tìm cách trục vớt tàu ngầm K-27 trước khi nó rò rỉ phóng xạ chết người và không thể kiểm soát được.
Thomas Nilsen, chuyên gia về an toàn hạt nhân đang nghiên cứu độ phóng xạ ở Bắc Cực nói với báo RT của Nga: “Rò rỉ phóng xạ sẽ đến nếu như K-27 vẫn không được trục vớt, chỉ là sớm hay muộn.
Con tàu đã nằm dưới nước 30 năm và bị gỉ sét rất nhiều kể cả trước khi nó chìm. Việc rò rỉ phóng xạ dưới nước là vô cùng nguy hiểm và không thể kiểm soát được”.
K-27 là tàu ngầm được trang bị động cơ nguyên tử làm mát bằng chất lỏng hạ thủy năm 1962. Nó chỉ có được 3 chuyến đi, hành trình cuối là năm 1968 trước khi nó gặp phải thảm họa do lò phản ứng.
Sau khi rời khỏi căn cứ hải quân ở biển Barents một đoạn đường không xa, lò phản ứng đã gặp trục trặc. Khi đó thủy thủ đoàn đã nỗ lực trong vô vọng để cứu lấy động cơ.
Lưng của tàu ngầm hạt nhân tấn công K-27 (Ảnh tư liệu) |
Thay vì giải quyết bằng các thiết bị điện tử, họ đã lao vào phòng chứa lò phản ứng và nhiễm xạ ở mức gây tử vong.
Có 9 thủy thủ đã thiệt mạng, một vài trong số họ đến bệnh viện trong tình trạng đau đớn do nhiễm xạ và qua đời vài ngày sau đó.
Theo RT, sự kiện này đã bị chính phủ Liên Xô bưng bít và gia đình các nạn nhân không nhận được khoản tiền trợ cấp nào.
Sau đó, chính phủ Liên Xô đã có nhiều kế hoạch để trùng tu, nâng cấp K-27 để tái sử dụng. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công và nhà chức trách quyết định dùng cách đơn giản nhất để loại bỏ nó là đánh đắm xuống khu vực dùng để thử nghiệm hạt nhân tại biển Kara năm 1981.
Mặc dù các hướng dẫn quốc tế khuyến cáo các tàu hạt nhân ngừng hoạt động phải được chôn sâu ít nhất 3.000m nhưng Hải quân Liên Xô chỉ đánh đắm nó ở vùng biển sâu 75m.
30 năm sau, Bắc Băng Dương đã trở thành nơi giao thương buôn bán của nhiều loại tàu thuyền khác nhau do sự tan băng cung cấp nhiều tuyến đường biển mới. Thậm chí đây còn là mục tiêu hướng đến của các mũi khoan thăm dò dầu mỏ.
Tàu K-27 nhìn từ xa (Ảnh tư liệu) |
Đầu năm nay, tổ chức môi trường phi chính phủ Bellona tuyên bố rằng K-27 có thể đem lại những nguy cơ tiềm ẩn.
Các nhà nghiên cứu Nga và Na Uy đang thăm dò vùng biển này, dự kiến trong tuần tới sẽ có báo cáo về tình trạng của con tàu và phóng xạ trong khu vực.
Các chuyên gia tin rằng, trước sau gì tàu ngầm cũng phải được trục vớt lên khỏi mặt nước. Chuyên gia Igor Koudrik của Bellona nói với báo Barents Observer: “Nga phải chịu trách nhiệm xử lí những chất thải của họ về mặt tài chính”.
Tuy nhiên, đến nay, chính phủ Nga vẫn chưa có khoản tiền chính thức nào cung cấp cho hoạt động thăm dò và trục vớt K-27. Hoạt động này không những độc hại, nguy hiểm mà chi phí có thể lên đến hàng chục triệu USD.
Biển Kara, Bắc Băng Dương nơi K-27 đã yên nghỉ trong 30 năm qua |
Chuyên gia an toàn hạt nhân Nilsen cho biết: “Thách thức lớn nhất hiện nay của công việc này là đưa con tàu lên mặt nước mà không làm rung động mạnh lò phả ứng. Nếu không sẽ xảy ra một phản ứng hạt nhân dây chuyền không thể kiểm soát và phóng xạ sẽ rò rỉ ra toàn bộ khu vực Bắc Cực”.
Vấn đề tài chính hiện nay có thể được giải quyết nhanh chóng bởi những tập đoàn dầu mỏ khổng lồ đang hướng đến kho báu Bắc Băng Dương. Tuy nhiên, K-27 vẫn không phải là vấn đề hạt nhân duy nhất ở đây.
Theo tài liệu lưu trữ của Nga, đáy biển Bắc Băng Dương đang có 17.000 thùng chất thải phóng xạ, 19 tàu bị nhiễm xạ, 14 lò phản ứng hạt nhân gặp trục trặc và đa số đều được chôn xuống đáy biển từ thời Liên Xô.
Tùng Đinh
(vtc.vn)