Những lý do khiến trẻ hay ốm vặt
Sức đề kháng yếu, hệ thống đường ruột kém, chứng biếng ăn, uống nhiều kháng sinh… là những lý do khiến trẻ dễ ốm.
“Bé nhà mình hay ốm vặt, hết ho đờm lại cảm cúm. Những lúc như thế, cả nhà lại đau đầu, bởi dùng bao nhiêu cách, chăm sóc kỹ lưỡng, mà con chẳng cần thời tiết thay đổi cũng ốm. Có đợt cứ 2 tuần lại sụt sịt, ngây ngấy sốt một lần. Bé ốm không chịu ăn uống, nên càng ngày càng còi cọc”, chị Minh Anh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở.
Không chỉ riêng chị Minh Anh, nhiều bà mẹ khác cũng bối rối trước mỗi lần con ốm. Không ít bậc phụ huynh cho rằng, thời tiết thay đổi thất thường là nguyên nhân khiến trẻ ốm với tần suất dày đặc. Trên thực tế, khí hậu chỉ là tác nhân, còn nguyên nhân xuất phát từ hệ miễn dịch kém.
Sau sinh, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ mẹ qua sữa, gọi là “hệ miễn dịch thụ động”. Song đối với các trẻ không được bú mẹ hoặc cai sữa sớm, việc thiếu hụt các loại kháng thể này sẽ khiến hệ miễn dịch yếu hơn. Trẻ sẽ phải tự bảo vệ mình khỏi những tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus…) trong môi trường sống.
Giai đoạn này, hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt, nếu không được nâng cao, sẽ tạo điều kiện thích hợp để các loại vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể, khiến bé mắc các bệnh đường hô hấp, cảm cúm, tiêu chảy…
Hệ miễn dịch được coi như “cổng thành” ngày đêm canh gác bảo vệ cơ thể từ vùng hầu họng, xuống tuyến ức, tới lách, đường ruột và hệ thống bạch huyết. Do đó, hệ thống miễn dịch của trẻ còn non nớt, chưa tiếp xúc với tác nhân gây bệnh nhiều, nên hiệu quả bảo vệ còn hạn chế.
Hệ thống đường ruột kém, chứng biếng ăn, uống nhiều kháng sinh… cũng ảnh hưởng tới sức đề kháng của trẻ. 70% khả năng miễn dịch của cơ thể sinh ra từ đường ruột. Lạm dụng kháng sinh càng khiến hệ tiêu hóa suy yếu.
Trẻ ốm lâu ngày sẽ mất cảm giác thèm ăn, thiếu dưỡng chất, lâu dần còi xương và suy dinh dưỡng. Những tác nhân này gộp lại tạo ra vòng tròn bệnh lý: Trẻ ốm – Biếng ăn – Suy dinh dưỡng – Sức đề kháng yếu.
Để trẻ giảm tần suất mắc các bệnh vặt như cảm cúm, cảm lạnh, viêm phổi…, mẹ cần nâng cao sức đề kháng non nớt của trẻ. Trước tiên, khẩu phần ăn hàng ngày cần bổ sung 4 nhóm chất (đạm, đường bột, béo, vitamin và khoáng chất). Trong thời gian ốm, trẻ lười ăn, mẹ nên nấu mềm và loãng hơn, chủ động cho bé ăn uống đầy đủ để bổ sung các loại vi chất dinh dưỡng đã mất đi.
Ngoài ra, có thể bổ sung các vi chất dinh dưỡng có chức năng cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ như kẽm, selen hay các loại vitamin cần thiết. Trước khi lựa chọn sản phẩm tăng cường đề kháng cho bé, mẹ cần cân nhắc thành phần và cơ chế tác động đến sức khỏe trẻ nhỏ.
Theo VNE