Cuộc trốn chạy kinh hoàng dưới… gầm xe tải
– Khát vọng trở về quê
hương, trở về với gia đình khỏi nơi vùng đồng rừng hoang vu, heo hút của cô
thiếu nữ Hà thành bị gả bán làm vợ cho người đàn ông một vùng dân tộc Trung Quốc
như ngọn lửa le lói hơn hai chục năm trời.
Khát vọng tưởng như đã có lúc bị tắt ngấm khi có
những lần cô cố gắng bỏ trốn bị gia đình “chồng” bắt lại…
Thế nhưng, khát vọng ấy mạnh mẽ tới mức, để có
được cuộc sống tự do ở nơi mình sinh ra, cô đã phải vượt qua cuộc trốn chạy kinh
hoàng cả ngày trời tự đan lưới giấu mình dưới gầm xe tải…
Những bức ảnh kỷ niệm thời thiếu nữ của cô thiếu nữ mất tích 21 năm trước được gia đình cất giữ… |
Những lần trốn chạy trong những năm đầu mới về “làm
dâu” của Linh đều bất thành.
Sau mỗi một lần như thế, sự dè chừng của “gia
đình chồng” với cô càng tăng; sự dám trốn chạy, dù chỉ trong ý nghĩ, của cô ngày
càng khép chặt, đó là một thứ tâm lý “chim hãi cành cong” hoàn toàn dễ hiểu.
Hơn nữa, không phải cho đến bây giờ, vài chục năm về trước, thực trạng mất cân
đối trong tỷ lệ nam – nữ của Trung Quốc khiến nhiều người đàn ông rơi vào cảnh
không có vợ, buộc phải lựa chọn giải pháp bỏ tiền ra để mua những cô gái người
ngoại quốc bị lừa sang Trung Quốc bán.
Đa phần, những người đàn ông không lấy vợ được
người bản địa rơi vào những gia đình nghèo khổ. Với họ, số tiền bỏ ra để “mua
vợ” là cực lớn, chắt chiu nhiều năm mới có.
Mua về, không chỉ là “công cụ” để duy trì nòi
giống, còn là “công cụ” sản xuất, là lao động quần quật cả đời để bù đắp lại
khoản tiền đã được bỏ ra để mua chính họ, qua những kẻ môi giới buôn người.
Những phản ứng của cô gái Hà thành bị lừa bán dần cũng khép kín, không bị “biểu
hiện” ra bên ngoài. Cô hiểu, muốn bỏ trốn được, phải có cơ hội, và quan trọng
nhất, đó là phải có tiền.
Tiền, để chi phí cho cuộc trốn chạy, chi phí để
thuê những người giúp mình bỏ trốn; thuê phương tiện để vượt hàng ngàn cây số từ
vùng miền núi heo hút Trung Quốc về Việt Nam. Tiền, là phương tiện để mua sự tự
do!
Hơn hai chục năm “chung đụng” bị cầm tù trong gia đình “chồng”, cô gái Hà thành
năm nào trải qua lao động khổ cực, trải qua những giằng xé về tinh thần có lẽ
cũng nhanh chóng héo úa như một bông hoa bị nhiều gió mưa vùi dập, tới mức, có
những lúc cô tưởng như quên cả tiếng mẹ đẻ, vì chẳng có cơ hội giao tiếp bằng
ngôn ngữ tiếng Việt với ai.
Khi hai người đã có với nhau hai mặt con, đứa lớn 16 tuổi, đứa bé 14 tuổi, đó
cũng là lúc kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc trốn chạy cuối cùng của Linh được bắt
đầu.
Cô xin gia đình chồng đi làm phu hồ cho một công
trường cách nhà vài cây số. Công trường này, có cả những người lao động làm thuê
người Việt Nam. Linh hiểu, đây là cơ hội duy nhất để cô có thể trở lại cuộc sống
tự do.
Những ngày đầu tiên đi làm, cô cặm cụi và lầm lũi như một con rùa. Cô không giao
tiếp, trò chuyện với ai, hoặc nếu nói, chỉ bằng thứ tiếng Trung Quốc lơ ngơ do
hơn hai mươi năm sống kiếp bị bán làm dâu xứ người cô học mót được.
Tuy nhiên, sự im lặng của cô không phải không có
chủ đích: cô bí mật dò tìm những người Việt Nam, để có cơ hội chia sẻ với họ về
tình cảnh của mình, vì ít nhất, trong cơn bĩ cùng như thế, nếu như cô “đánh
tiếng” được về Việt Nam tình cảnh của mình, đó cũng là cơ hội để được giải
thoát…
Sự kiên trì của Linh cuối cùng cũng có kết quả: công trường nơi Linh làm thuê có
cả những công nhân người Việt Nam, trong đó có một lái xe chở vật liệu tên Sơn.
Sơn người Hải Dương, hơn Linh hai tuổi. Công việc
của Sơn tại công trường này, đó là chạy xe chở vật liệu xây dựng cát sỏi, gạch
đá từ một nơi cách xa đó vài trăm cây số.
Mỗi ngày, Sơn chạy được vài chuyến hàng. Trong những khoảng thời gian hiếm hoi
như thế, Linh đã tiếp cận và trò chuyện cùng Sơn. Câu chuyện cay đắng của Linh
cuối cùng cũng đã có người đồng hương chia sẻ. Và, cô cũng hiểu về Sơn, về cuộc
đời anh cũng là một câu chuyện rất dài…
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo không có nghề nghiệp, cả gia đình
trông cậy vào mấy sào ruộng chia theo đầu người, lớn lên, Sơn đi làm công nhân ở
mỏ than ở Uông Bí, Mạo Khê.
Tại đây, Sơn gá cuộc đời mình với một người phụ
nữ theo không về làm vợ, không cưới cheo, không ràng buộc về pháp lý, có với
nhau hai mặt con.
Cuộc sống cơ cực lầm than, đổ mồ hôi để có miếng
cơm manh áo. Nhà Sơn có hai anh em, Sơn đi làm ăn xa nhà, đứa em út chơi bời
theo lũ bạn lêu lổng, nhanh chóng sa đà vào thảm kịch bị nàng tiên nâu quyến rũ.
Khoảng năm 2007, bố Sơn bị bệnh nặng, đứa em trai mắc nghiện ngập đang ở giai
đoạn cuối của án tử. Gia đình đánh điện nhắn Sơn về phụng dưỡng bố. Đem câu
chuyện gia đình trao đổi với vợ, chị vợ nhất định không chịu về quê cùng chồng,
Sơn quyết định chia tay đường ai nấy đi.
Rồi, vì miếng cơm manh áo, anh dạt sang Quảng Tây
làm lái xe chở vật liệu thuê cho một công trường ở Trung Quốc…
Tại cái nơi không ngờ này, Sơn gặp Linh và hiểu được hoàn cảnh của cô. Kế hoạch
trốn thoát của hai người bắt đầu được đặt ra, với một quyết tâm: nếu bị bắt lại,
thì cả hai cùng chết; nếu trốn thoát về Việt Nam, cùng cảnh ngộ như thế, hai
người sẽ nên vợ nên chồng. Trăm ngàn cay đắng đã phải nếm chịu, Linh gật đầu…
Linh Di
(còn tiếp)
(vietnamnet.vn)