Có nên học chữ Hán? – Một cuộc tranh luận thú vị
Cuộc tranh luận về việc có nhất thiết giảng dạy môn chữ Hán trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam nếu bỏ qua những “phản ứng thái quá sẽ là một cuộc tranh luận thú vị“, theo ý kiến một nhà nghiên cứu giáo dục học từ Sài Gòn.
“Ít ra nó làm cho mọi người quan tâm đến một vấn đề quan trọng nhưng ít được quan tâm, đó là: vai trò của chữ Nho (xin dùng từ này để khỏi bị hiểu lầm) trong việc duy trì mối liên hệ về văn hóa giữa người Việt Nam hiện nay và di sản của cha ông“, Tiến sỹ Vũ Thị Phương Anh nêu quan điểm trong cuộc trao đổi với BBC hôm 17/9/2016.Vẫn theo chuyên gia này thì các nhà giáo dục ở Việt Nam hiện nay cũng có thể học hỏi được từ mô hình trước đây ở miền Nam Việt Nam, dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa:
“Tôi cho rằng nên trở lại với cách làm thời Việt Nam Cộng hòa, tức là phục hồi lại ban Triết – Cổ ngữ (Hán văn hoặc La tinh). Ít nhất, có thể cho học sinh trung học phổ thông lựa chọn học chữ Nho (Hán cổ) như một trong các môn xã hội- nhân văn tự chọn. Còn thì dứt khoát không nên đưa môn này thành một môn bắt buộc vì trong chương trình đã có quá nhiều thứ bắt buộc vô bổ rồi.” Mời quý vị theo dõi toàn văn cuộc trao đổi giữa BBC với TS. Phương Anh sau đây:
“Tranh luận thú vị”
BBC: Bà nghĩ gì về cuộc tranh luận về dạy và học chữ Hán mới đây trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam?
TS. Vũ Thị Phương Anh: Bỏ qua những phản ứng thái quá, những lời quy chụp (Hán nô v.v…) thì đây là một cuộc tranh luận thú vị.
Tôi cho rằng ý nghĩa của cuộc tranh luận này còn vượt qua khỏi vấn đề của chữ Nho (hoặc Hán-Nôm) để làm cho người ta ý thức đến một vấn đề dường như còn bỏ ngỏ tại VN, đó là: chính sách ngôn ngữ trong nhà trường phổ thông.
Nhân tiện, tôi nghĩ việc đặt vấn đề dạy Hán – Nôm cùng lúc với chủ trương của Bộ giáo dục về việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai đã cho thấy vấn đề này rõ ràng cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
Đây là một vấn đề hết sức quan trọng đối với mọi nền giáo dục, đặc biệt là Việt Nam trong giai đoạn này.
Thế nhưng nó đã bị bỏ quên quá lâu, cho nên hiện nay không có những chuyên gia thực sự khiến cuộc tranh luận dường như bị lâm vào khủng hoảng, mọi phát biểu đều rất dễ bị hiểu lầm dẫn đến những phản ứng quá khích như ta đã thấy (ném đá, đe dọa những người ủng hộ dạy chữ Hán trong trường phổ thông).
TS. Vũ Thị Phương Anh: Tôi nghĩ việc này ông Đoàn Lê Giang đã nói rõ trong bài “tạm kết” của ông: tâm lý bài Hoa hay bài Trung hiện đang rất cao tại Việt Nam, do những vấn đề không liên quan gì đến học thuật cả, mà là vấn đề chính trị.
Ngoài ra, những phản ứng trên còn cho thấy tâm lý giải quyết mọi việc bằng bạo lực đã trở nên rất phổ biến tại Việt Nam (ở đây là bạo lực bằng lời nói) – một điều thực sự đáng lo ngại.
Người Việt Nam bây giờ dường như không thể trao đổi, tranh luận vói nhau một cách lịch sự và tôn kính lẫn nhau, tôn trọng sự khác biệt nữa, thì phải?
BBC. Trở lại với vấn đề chính của cuộc tranh luận, theo bà nên hay không nên dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông ở Việt Nam?
TS. Vũ Thị Phương Anh: Tôi cho rằng nên trở lại với cách làm thời Việt Nam Cộng hòa, tức là phục hồi lại ban Triết – Cổ ngữ (Hán văn hoặc La tinh). Ít nhất, có thể cho học sinh trung học phổ thông lựa chọn học chữ Nho (Hán cổ) như một trong các môn xã hội – nhân văn tự chọn.
Còn thì dứt khoát không nên đưa môn này thành một môn bắt buộc vì trong chương trình dã có quá nhiều thứ bắt buộc vô bổ rồi. Nếu muốn cho học sinh giỏi tiếng Việt hơn, và không dùng sai từ Hán Việt trong ngôn ngữ thường ngày (viết, nói) thì chỉ cần dạy văn tiếng Việt kỹ hơn mà thôi.
Ngày xưa khi tôi đi học thì các thầy cô dạy văn rất giỏi tiếng Việt, phân tích kỹ các điển cố hoặc các từ cổ trong văn học, nhờ đó thế hệ chúng tôi sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt có chắc hơn học sinh bây giờ rất nhiều.
Theo BBC Tiếng Việt