Nghi vấn mới về tình hình sức khỏe của Hillary Clinton
Sau hàng loạt những sự cố về sức khỏe của Hillary Clinton,
Đoạn video làm dấy lên đồn đoán về chứng động kinh của bà Clinton (nguồn: Youtube)
Vào ngày 11/9/2016, dư luận Mỹ đã được phen dậy sóng khi chứng kiến ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton đột ngột ngã quỵ trong một buổi lễ kỷ niệm 15 năm sự kiện 11/9/2001, được tổ chức tại New York. Theo thông báo từ các nhân viên trong bộ máy tranh cử, cựu Ngoại trưởng Mỹ đã không thể tiếp tục tham gia sự kiện do “nhiệt độ cơ thể tăng cao khiến bà bị mất nước”.
Sau đó, bác sĩ riêng của Clinton cho biết, bà đã được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi 2 ngày trước đó, song đã được kê thuốc kháng sinh và được khuyên nghỉ ngơi dưỡng sức trong những ngày sắp tới.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên những đồn đoán về sức khỏe của bà Clinton râm ran xuất hiện trong công chúng Mỹ cũng như các phương tiện truyền thông. Bộ máy tranh cử của đối thủ Donald Trump và đảng Cộng hòa liên tục cáo buộc bà “không đủ sức khỏe thể chất và tinh thần” đẻ đảm đương cương vị người đứng đầu Nhà Trắng.
Những “thuyết âm mưu” về sức khỏe của nữ chính trị gia bắt nguồn từ sự kiện tháng 12/2012. Vài ngày trước khi Clinton lần đầu tiên điều trần trước quốc hội Mỹ về cuộc tấn công khủng bố nhằm vào sứ quán Mỹ tại Benghazi, bà bị chấn động não sau khi bị mất nước và ngất xỉu tại nhà. Cuộc điều trần dự định diễn ra vào ngày 20/12/2012 bị hoãn lại cho đến khi bà bình phục.
Sau sự cố trên, Bộ Ngoại giao ra thông báo rằng bà Clinton gặp vấn đề về sức khỏe là do nhiễm vi khuẩn gây bệnh dạ dày. Thế nhưng khi xuất viện, bà Clinton phải đeo một cặp kính đặc biệt với thấu kính Fresnel, để giúp tránh bị nhìn một thành hai. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa “bóc mẽ” rằng, cặp kính bà Clinton đeo chỉ dành cho những người bị chấn thương sọ não, chứ không liên quan gì đến bệnh dạ dày. Ông John Bolton – thành viên đảng Cộng hòa từng là đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc, còn mỉa mai rằng bà cố tình giả ốm để tránh cuộc điều tra của quốc hội.
Vài tuần sau vụ việc trên, vào tháng 1/2013, bà Clinton phải nhập viện một lần nữa và được tiêm thuốc làm loãng máu để đánh tan khối máu đông ở phía sau tai phải của bà. Sau đó các bác sĩ cũng đã tiến hành kiểm tra vấn đề chấn động não của bà và kết luận rằng khối máu đông không dẫn tới đột quỵ hay bất kỳ biến chứng thần kinh nào khác.
Những tin đồn về tổn thương sức khỏe của Clinton chỉ lắng xuống khi nhiều cáo buộc đến từ đảng Cộng hòa đã được chứng minh không có căn cứ. Tới tháng 7/2015, bác sĩ lâu năm của Clinton, Lisa Bardack, khẳng định bà hoàn toàn bình phục.
Thế nhưng những “thuyết âm mưu” của bộ máy tranh cử đảng Cộng hòa đã chứng minh rằng họ không sai lầm. Ngày nay, truyền thông trái ngược hẳn với thời xưa, khi những ứng cử viên Tổng thống có thể dễ dàng bưng bít các thông tin không có lợi cho chiến dịch tranh cử của mình, đặc biệt là các hồ sơ bệnh án đã dày đặc bệnh tật.
Vào năm 2015, các bác sĩ của bà Clinton đã công bố bức thư khẳng định ứng viên này có sức khỏe tốt. Lá thư từ bác sĩ của bà Clinton dài gần 2 trang, được đính kèm các kết quả xét nghiệm cơ bản. Tuy nhiên, những thông tin như thế vẫn chưa đủ sức thuyết phục một số chuyên gia. Theo họ, cần có một ủy ban độc lập đánh giá sức khỏe của các ứng viên tổng thống.
Tưởng chừng các nhân viên trong bộ máy tranh cử của Clinton đã “ém nhẹm” thành công, tình trạng sức khỏe của bà lại trở thành đề tài bàn tán của dư luận nước này sau khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip được quay trong chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Mỹ đến một cửa hàng bánh tại Washington. Đoạn video cho thấy Clinton lắc đầu mạnh trong vài giây, làm dấy lên đồn đoán rằng bà bị lên cơn động kinh
Hai tháng sau sự cố “vô hại” này, nó được phát lại trên kênh truyền hình Fox News và bị mang ra mổ xẻ. Rất nhiều bằng chứng đưa ra cho thấy bà Clinton có vấn đề về sức khỏe. Sean Hannity. người dẫn chương trình của Fox News đồng thời là một người ủng hộ nhiệt tình Donald Trump, đã tập hợp một “hội đồng thẩm định” để phân tích và kiểm tra các cử chỉ của bà Clinton đoạn video trên.
Để dập tắt mọi “thuyết âm mưu” về sức khỏe của mình, bà Clinton đã phải xuất hiện trên chương trình talk-show trực tiếp Jimmy Kimmel Live vào cuối tháng 8/2016. Khi được hỏi về những tin đồn dai dẳng cho rằng bà đang trong tình trạng sức khỏe kém, Clinton phủi tay và cười nhạo rằng đây chỉ là chiến lược của đối thủ nhằm hạ bệ bà mà thôi. Rồi sau đó bà quay sang nói nửa đùa nửa thật với Jimmy Kimmel, “chủ trò” của talkshow rằng “Hãy bắt mạch tôi đi trong khi tôi đang nói chuyện cùng anh, để đảm bảo rằng tôi đang còn sống và rất khỏe mạnh.” Cảm thấy vẫn chưa đủ sức thuyết phục, bà liền chấp nhận ngay thử thách mở lọ dưa muối của Kimmel. Người xem cảm thấy nữ ứng cử viên 70 tuổi phải khó nhọc lắm mới có thể hoàn thành được thử thách này.
Clinton xuất hiện trên talkshow Jimmy Kimmel Live (nguồn: Youtube)
Chưa dừng lại tại đó, vào đầu tháng 9/2016, trong một sự kiện vận động bầu cử tại thành phố Cleveland, bang Ohio, Clinton đã khiến những người ủng hộ phải lo lắng khi không thể kiềm chế được một cơn ho kéo dài tới 4 phút. Mặc dù bà đã nhanh chóng “chữa cháy” bằng cách nói đùa rằng mình “bị dị ứng với Donald Trump”, nhiều người đã phải đặt dấu hỏi về tình trạng sức khỏe của nữ chính trị gia này trong cuộc chạy đua đầy khắc nghiệt vào Nhà Trắng. Thậm chí, biên tập viên Monica Alba của đài truyền hình NBC còn gọi cơn ho của cựu Ngoại trưởng Mỹ là “cơn ho tồi tệ nhất mà tôi có thể nhớ ra được”.
Clinton ho không dứt trong một sự kiện vận động tranh cử tại bang Ohio (nguồn: Youtube)
Chỉ trong vòng một tuần, bà Clinton đã nhanh chóng đánh mất lợi thế dẫn trước của mình trước đối thủ Donald Trump theo một cách không ai ngờ đến. Vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định cú ngã quỵ của bà tại New York vào ngày 11/9/2016 là dấu hiệu cho thấy chiến dịch tranh cử của ứng cử viên đảng Dân chủ đang đến hồi sụp đổ hay không.
Tuy nhiên, chắc chắn rằng nữ chính trị gia 70 tuổi cần phải dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sức khỏe của mình, thay vì dốc toàn bộ sức lực cho guồng quay bầu cử Tổng thống vốn đã tiêu tốn nhiều tiền bạc và sức khỏe của các ứng cử viên.