Bỏ 6 thói quen đeo tai nghe này nếu không muốn bị điếc
Tai nghe là vật dụng phổ biến, nhất là với những người yêu âm nhạc, đi đâu bạn cũng có thể nhìn thấy chúng. Tuy nhiên có những thói quen đeo tai nghe không tốt, thậm chí có thể gây điếc, mà bạn nên tránh.
1. Nghe nhạc quá lớn
Một số người thường có thói quen nghe nhạc ở mức maximum, cứ như thể nếu nghe nhỏ hơn âm nhạc sẽ không chạm được vào tâm hồn họ vậy.
Tuy nhiên, việc nghe nhạc ở cường độ trên 85 dB sẽ khiến màng nhĩ xuất hiện những lỗ rách li ti. Chúng có thể tự liền lại khi ta ngừng nghe nhạc và ngày càng rộng ra nếu nghe nhạc liên tục ở cường độ cao.
2. Nghe nhạc quá lâu
Có thể bạn không có thói quen nghe nhạc quá lớn, nhưng lại hay nghe nhạc trong thời gian dài, có thể là 2 tiếng, 5 tiếng hoặc cả ngày.
Nếu nghe nhạc quá to “chỉ” làm thủng màng nhĩ, và nó có thể tự liền lại khi bạn ngừng thói quen xấu đó thì việc nghe nhạc quá lâu sẽ đem lại hậu quả đáng sợ hơn.
Hệ thống tiền đình-ốc tai là cơ quan chịu trách nhiệm thăng bằng và tiếp nhận xử lý âm thanh cho cơ thể. Khi nghe nhạc liên tục, áp lực âm thanh lên hệ thống này sẽ rất lớn, làm teo các mạch máu nuôi dưỡng nó. Lâu ngày, sẽ gây điếc không thể hồi phục hoặc rối loạn tiền đình với triệu chứng là các cơn chóng mặt.
3. Đeo tai nghe khi ngủ
Ngủ là lúc bộ não tự làm mới sau một ngày làm việc. Điều này đòi hỏi một không gian tuyệt đối yên tĩnh, bất kỳ kích thích nào đều sẽ phản ánh trong giấc mơ và thông thường thì chúng là ác mộng. Điều này khiến cơ thể không được nghỉ ngơi và hôm sau bạn sẽ bắt đầu ngày mới với trạng thái mệt lả.
Ngoài ra, việc đeo tai nghe cả đêm cũng gây ảnh hưởng xấu cho đôi tai như đã nói ở trên.
Nếu có thói quen nghe nhạc lúc ngủ thì bạn nên chuyển qua nghe bằng loa ở mức âm lượng thấp với những bản giao hưởng êm ái.
4. Đeo tai nghe khi tai vẫn đang ướt
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn về nhà ăn cơm tắm rửa và đeo tai nghe khi tai còn ẩm ướt, bạn có thói quen đó không? Nếu có thì bạn đang tự tạo phiền phức cho đôi tai của mình.
Môi trường ẩm ướt không thông thoáng là điều kiện rất tốt để các loại vi sinh vật phát triển, đặc biệt là nấm. Nấm tai là căn bệnh khá phổ biến, dù không cấp tính như nhiễm khuẩn nhưng nấm tai rất dai dẳng khó trị và hay tái phát. Triệu chứng chính của nấm tai là ngứa, nếu bạn ngoáy tai mạnh sẽ là làm rách xước niêm mạc tai, lúc này vi khuẩn sẽ thừa cơ xâm nhập gây đau nhức.
5. Lười vệ sinh tai nghe
Ráy tai là một sản phẩm bài tiết có chứa nhiều vi khuẩn của niêm mạc tai, chúng tự bong và rơi ra ngoài thường xuyên để đảm bảo cho tai luôn sạch sẽ. Nên khi đeo tai nghe hiển nhiên ráy tai sẽ bám vào khiến nó không còn sạch sẽ nữa. Ngoài ra, ráy tai còn làm giảm chất lượng âm thanh của tai nghe.
Vì vậy vệ sinh tai nghe là điều cần thiết. Bạn có thể trộn vài giọt chất tẩy rửa (như nước rửa chén) với nước ấm, sau đó lấy 1 mảnh vải hay tăm bông thấm hỗn hợp trên rồi lau sạch. Nên nhớ không được lau chùi quá lâu vì nước sẽ làm hỏng bo mạch điện tử của tai nghe.
6. Dùng chung tai nghe
Ống tai là 1 khoang rỗng tự nhiên chứa nhiều không khí để dẫn truyền âm thanh vào màng nhĩ. Trong ống tai luôn có nhiều vi khuẩn sống cộng sinh không gây bệnh.
Tuy nhiên, vi khuẩn cộng sinh ở mỗi người là khác nhau, có loài không gây bệnh cho người này nhưng có thể gây bệnh cho người kia. Vì vậy việc dùng chung tai nghe với ai đó chính là bạn đang “trao đổi” vi khuẩn với họ. Điều này rất không tốt, tai nghe nên là vật dụng của cá nhân mỗi người.
Hoàng An, theo Goody Feed