Bầu cử đẫm máu ở Mexico
Hôm nay, Mexico bầu cử tổng thống, nghị sĩ, lãnh đạo địa phương trong bối cảnh các băng nhóm tội phạm nước này không ngừng đe dọa những ứng viên.
Nếu ai từng xem bộ phim Once Upon a Time in Mexico của Hollywood do nam diễn viên Antonio Banderas thủ vai chính thì không khỏi rợn người trước những màn thanh toán đẫm máu.
Không những thế, các băng nhóm tại Mexico trong phim còn sẵn sàng huy động lực lượng hùng hậu trừ khử tổng thống để tha hồ gieo rắc tội ác.
Vũ khí và ma túy của một băng nhóm tội phạm Mexico bị nhà chức trách bắt giữ – Ảnh: Pitts Report |
Có thể chưa đến mức như bộ phim trên miêu tả nhưng những gì đang diễn ra tại Mexico đủ khiến cho bất cứ ai cũng phải hãi hùng. Sự hỗn loạn tiếp tục bao trùm ngay cả khi người dân Mexico sẽ đi bầu cử cho các chức danh gồm tổng thống, 500 hạ nghị sĩ, 128 thượng nghị sĩ, thống đốc 6 bang.
Dằn mặt và thanh trừng
Theo AP, các băng nhóm ở Mexico hiểu rằng chính quyền trung ương sẽ chẳng làm được gì nếu hệ thống quan chức địa phương bị thao túng bởi các nhóm tội phạm. Hiện trạng này kéo dài trong suốt nhiều năm qua tại Mexico.
Hồi tháng 10 năm ngoái, toàn bộ cảnh sát tại thành phố Linares, thuộc bang Nuevo Leon ở miền bắc Mexico, đều bị bắt để điều tra về nghi vấn tham nhũng, dính líu đến tội phạm.
Cùng khoảng thời gian trên, nhà chức trách nước này cũng bắt một số cảnh sát vì câu kết với tội phạm để cướp và đốt sòng bạc Casino Royale ở bang Nuevo Leon làm 58 người chết hồi tháng 8/2011. Đây là những bằng chứng cho sự tha hóa của các chính quyền địa phương tại Mexico.
Để tiếp tục thao túng chính quyền địa phương, các băng nhóm không ngần ngại đe dọa, tìm cách sát hại những ứng viên bị cho là “chướng tai gai mắt” ngay trước thềm bầu cử.
Vì thế, hầu hết các ứng viên tranh cử nghị sĩ hay thống đốc đều đang được bảo vệ cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, điều này chẳng thể làm chùn bước bọn tội phạm.
Ngày 29/6, AP đưa tin ông Saul Garcia, ứng viên tranh cử thống đốc bang Morelos của Mexico, vừa trải qua một buổi sáng kinh hoàng. Trong khi cả gia đình ứng viên chưa thức giấc, một tay súng đeo mặt nạ đã nã đạn không thương tiếc vào nhà ông.
Cả gia đình ông cuống cuồng tìm nơi ẩn nấp trong khi cảnh sát cố chống trả. May mắn thoát chết nhưng ứng viên Garcia hiểu rằng mình có thể mất mạng bất cứ lúc nào, khi sát thủ để lại tờ giấy mang thông điệp cảnh cáo ông phải bỏ tranh cử.
AP dẫn lời một quan chức giấu tên của bang Morelos cho hay băng nhóm ma túy La Familia đang tìm cách sát hại các ứng viên “không biết điều” để chúng có thể thao túng các thành phố nhỏ tại bang này. Không chỉ đe dọa ứng viên, băng nhóm trên còn khủng bố người dân để họ không đi bỏ phiếu.
Ông Graco Ramirez, một ứng viên khác tranh cử thống đốc bang Morelos, cho hay nhiều người dân tiết lộ rằng họ bị bọn tội phạm yêu cầu phải ở nhà trong ngày bầu cử.
Thậm chí, các tay súng thuộc nhóm La Familia còn bắt ép những tình nguyện viên cho chiến dịch tranh cử của ông Ramirez ngưng phát tờ rơi cổ động.
Ứng viên nào cũng bị khủng bố tinh thần. Tình trạng như thế xảy ra ở khắp 6 bang tổ chức bầu thống đốc đợt này gồm Chiapas, Guanajuato, Jalisco, Morelos, Tabasco và Yucatan.
Thanh toán lẫn nhau
Ngoài ra, chỉ riêng tháng 6, ít nhất 4 vụ thanh toán giữa các băng nhóm với gần 100 người thiệt mạng trên khắp cả nước Mexico. Đây chỉ là số ít những vụ người ta phát hiện mà chưa kể các vụ “hủy thi diệt tích” sau khi thanh trừng.
Ngày 29/6, tờ The New York Daily News đưa tin một đoạn phim vừa phát tán trên mạng cho thấy 5 thành viên của nhóm tội phạm Los Zetas đã bị đối thủ chặt đầu nhưng chưa rõ thi thể đang ở đâu.
Cách đây chưa lâu, AP từng dẫn lời chuyên gia an ninh Jorge Chabat nhận định: “Los Zetas và Sinaloa Cartel là hai băng nhóm hoạt động mạnh nhất tại Mexico gần đây”.
Vốn có bề dày hoạt động từ năm 1960, Sinaloa Cartel luôn là một trong những băng nhóm ma túy mạnh nhất nước này và hoạt động sang tận Colombia lẫn Bolivia.
Xuất hiện trễ hơn vào những năm 1990, Los Zetas ban đầu chỉ là nhóm sát thủ chuyên “đâm thuê chém mướn” rồi dần trở thành băng ma túy lớn nhất nhì Mexico.
Trước thực trạng trên, thách thức lớn nhất cho tân Tổng thống Mexico chính là việc làm sao trấn áp hiệu quả các băng nhóm tội phạm đang làm mưa làm gió tại nước này.
Chỉ khi chính quyền trung ương đủ mạnh để thiết lập trật tự, người dân không còn hứng chịu “gió tanh mưa máu” thì Mexico mới mong có được những ngày tháng yên bình.
Cuộc đua tứ mã
Theo kênh Fox News, đảng Cách mạng Thể chế (PRI) vốn từng cầm quyền trong 71 năm đang cố gắng quay trở lại ghế tổng thống sau khi thất bại hồi năm 2000.
Nhiều năm qua, dù không trực tiếp cầm quyền nhưng đảng này vẫn có ảnh hưởng lớn mạnh khi nắm giữ hơn một nửa chức vụ thống đốc của 31 bang ở Mexico.
Trong khi đó, sau 12 năm cầm quyền tại Mexico, đảng Hành động quốc gia (PAN) vẫn không đủ sức thay đổi tình hình bạo lực giữa các băng nhóm.
Bằng chứng là chiến dịch bài trừ tội phạm có tổ chức do Tổng thống Felipe Calderon thực hiện từ năm 2006 chẳng thu được kết quả nào đáng kể trong khi hơn 50.000 người thiệt mạng.
Ngoài ra, mặc dù Mexico là một trong những quốc gia có nhiều tỉ phú nhất trên thế giới nhưng cũng là nước có tỷ lệ người nghèo cao.
Hơn một nửa trong số 112 triệu người dân Mexico vẫn bị xếp vào loại nghèo. Vì thế, giờ đây, các cuộc thăm dò trước bầu cử cho thấy người dân nước này hy vọng PRI sẽ đủ sức cứu vãn tình hình bằng những biện pháp cứng rắn và có phần hơi độc đoán, theo Time.
Vì thế, ứng v
iên Enrique Pena Nieto (45 tuổi) – đại diện PRI và từng giữ chức thống đốc – trở thành ứng viên sáng giá nhất.
Ngoài ra, 3 ứng viên khác đang cạnh tranh quyết liệt giành lấy lá phiếu từ 79,45 triệu cử tri để trở thành Tổng thống Mexico.
Ứng viên Enrique Pena Nieto đang dẫn đầu – Ảnh: Reuters |
Xếp sau ứng viên Nieto là ông Andres Manuel Lopez Obrador (45 tuổi), đại diện của đảng Cách mạng dân chủ (DPR).
Cùng với PRI và PAN, DPR là 1 trong 3 đảng phái chính trị lớn nhất tại Mexico. Trước kia, ông Obrador từng giữ chức thị trưởng và đứng đầu nhóm cánh tả trong một thời gian.
Sau khi về nhì với khoảng cách rất hẹp trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào tháng 7.2006, ông từng lãnh đạo lực lượng ủng hộ để xuống đường tuyên bố mình là người đắc cử.
Chỉ đến khi tòa tối cao tuyên bố chiến thắng thuộc về ông Felipe Calderon, hiện đang là Tổng thống Mexico, thì bất đồng mới kết thúc.
Kế đến, bà Josefina Vazquez Mota, 51 tuổi, là ứng viên đại diện PAN. Từng giữ chức Bộ trưởng Phát triển xã hội và Bộ trưởng Giáo dục cộng đồng, nhưng bà vẫn chỉ đứng thứ 3 trong các cuộc thăm dò vì thành tích chẳng có gì tốt đẹp của PAN sau 12 năm cầm quyền.
Cuối cùng, ông Gabriel Quadri de la Torre, 57 tuổi, là ứng viên của đảng Liên minh mới. Đến nay, ông chưa tạo được dấu ấn nào đáng kể nên bị xem là ứng viên có số ủng hộ thấp nhất.
Hiến pháp Mexico giới hạn không ai đảm nhiệm chức vụ tổng thống quá 1 nhiệm kỳ 6 năm.
Theo Ngô Minh Trí/Thanh Niên
(vtc.vn)