Câu chuyện về Ngải Vị Vị: 81 ngày bên trong chiếc hộp sắt
Là một nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng thế giới, Ngải Vị Vị từng bị cầm tù 81 ngày tại một nơi bí mật mà ông cũng không biết là đâu. Sau khi được tự do, ông đã tái hiện những cảnh tượng hãi hùng đó thông qua chính tác phẩm của mình.
Ngải Vị Vị (28/8/1957) là một nghệ sĩ, nhà hoạt động, và nhà triết học người Hoa hoạt động tích cực trong lĩnh vực kiến trúc, nhiếp ảnh, phim ảnh, phê bình văn hoá và xã hội.
Bên cạnh lĩnh vực nghệ thuật, ông còn tham gia điều tra tham nhũng và các hoạt động ngầm của chính phủ Trung Quốc. Ông đặc biệt quan tâm tới việc phơi bày các vụ việc tham nhũng trong việc xây dựng các trường học ở Tứ Xuyên bị sập đổ trong động đất Tứ Xuyên 2008. Ông chú trọng việc sử dụng Internet để liên lạc với mọi người ở khắp Trung Quốc, đặc biệt là với thế hệ trẻ.
Ngải Vị Vị thường xuyên lên tiếng trước những vi phạm nhân quyền, và công việc của ông là phơi bày chúng ra cho cả thế giới. Với những việc làm này, ông trở thành cái gai trong mắt Đảng cộng sản Trung Quốc.
Ngày 3/4/2011, Ngải Vị Vị bị chính quyền Trung Quốc bắt giam với tội danh trốn thuế. Ông bị giam giữ bí mật 81 ngày trong tù, chính quyền đã tịch thu hộ chiếu của ông vào năm 2011, và chỉ hoàn trả vào tháng 7/2015. Những người ủng hộ Ngải Vị Vị cho rằng tội danh trốn thuế chỉ là cái cớ để chính quyền Trung Quốc buộc nhà hoạt động dân chủ này phải im lặng.
Những tác phẩm mang đầy ẩn ý
Vài năm gần đây, Ngải Vị Vị đã tổ chức một số cuộc triển lãm nghệ thuật ở nước ngoài, trong đó các tác phẩm của ông đều mang nhiều ẩn ý.
Đặc biệt, Ngải Vị Vị đã giành một căn phòng của triển lãm, thông qua tác phẩm của mình để miêu tả khoảng thời gian 81 ngày bị giam giữ vào mùa xuân năm 2011, tại một nơi mà ông vẫn không được biết.
Cuộc sống chốn lao tù được ông tái hiện thành 6 cảnh, nằm gọn trong những chiếc hộp lớn bằng kim loại mà khách tham quan có thể khám phá qua những chiếc lỗ nhỏ.
Qua tác phẩm này, người ta có thể hình dung rằng, mọi hoạt động của Ngải Vị Vị dù là đang tắm, ăn, ngủ và thậm chí là đi vệ sinh, thì bất kỳ lúc nào cũng có một đến hay lính canh gác, chỉ đứng cách ông chưa đầy một mét.
Qua tác phẩm của mình, Ngải Vị Vị đã phơi bày một sự thật tồi tệ đang diễn ra ở Trung Quốc. Đó là tình trạng vi phạm nhân quyền, cuộc sống khắc nghiệt mà những nhà hoạt động dân chủ ở Trung Quốc đang phải gánh chịu. Và không chỉ riêng Ngải Vị Vị, có còn có rất nhiều những người khác, chỉ vì cất tiếng nói bảo vệ nhân quyền mà phải chịu cảnh tương tự, ví như luật sư Cao Trí Thịnh, v.v…
Ngoài ra, trong các cuộc triển lãm của Ngải Vị Vị, còn có các tác phẩm ý nghĩa khác. Ví như, tác phẩm ấn tượng liên quan tới trận động đất tại Tứ Xuyên năm 2008, khiến mọi người bị sốc trước phản ứng thiếu minh bạch về số lượng người chết và nguyên nhân gây ra thảm họa của chính quyền Trung Quốc.
Hay ví như tác phẩm “Fragments”, được lắp ráp từ những mảnh vỡ từ một ngôi đền cổ, nhưng nhìn từ trên cao, đó là một tấm bản đồ Trung Quốc. Người xem cũng có thể tự do đi lại dưới chân tác phẩm điêu khắc này, ngụ ý nhắc tới những cấm đoán tự do lưu thông tại Trung Quốc.
Gần đây, Ngải Vị Vị đã làm nổi bật cuộc khủng hoảng tị nạn tại Syria, bằng cách phủ kín sảnh nhà hát Berlin với 14.000 chiếc áo phao, Vienna với những chiếc áo phao cứu sinh.
Tất cả những tác phẩm của Ngải Vị Vị đều chú trọng vào sự tự do và quyền con người, sự áp bức và những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt. Với quan điểm “nghệ thuật là phản kháng”, ông đã thực sự thành công trong việc phá bỏ mọi rào cản của nghệ thuật, và biến nó thành một hình thức kết nối toàn cầu.
Qua đó, cũng có thể thấy rằng, sự kìm kẹp của chính quyền Trung Quốc đối với Ngải Vị Vị, không những không thể bóp nghẹt được ý chí của ông, mà ngược lại còn khiến tâm hồn nghệ thuật vì tự do của ông ngày càng thăng hoa.
Bảo An