Phát hiện hố nước băng khổng lồ trên Mặt trăng
– Các nhà khoa học thuộc Viện công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã phát hiện thấy dấu hiệu hiệu của nước băng trong hố khổng lồ Shackleton ở cực nam của Mặt trăng.
Tiến sĩ Maria Zuber và các cộng sự thuộc Viện công nghệ Massachusetts đã tiến hành nghiên cứu hố khổng lồ Shackleton ở cực nam của Mặt trăng bằng cách sử dụng ánh sáng laser của dụng cụ đo độ cao bằng laser lắp trên thăm dò Mặt Trăng (LRO) của Cơ quan vũ trụ Mỹ (NASA).
Kết quả, các nhà khoa học nhận thaya rằng đáy của hố Shackleton sáng hơn đáy của những hố khác gần đó. Điều này đồng nghĩa nước băng có thể tồn tại ở đáy của hố Shackleton. “Lượng nước băng có thể chiếm tới 20% diện tích đáy của hố Shackleton”, tiến sĩ Maria Zuber, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết trên Space.com.
Các nhà khoa học phát hiện thấy bằng chứng của nước băng trong hố Shackleton trên Mặt trăng. Ảnh: LiveScience |
Tuy nhiên, tiến sĩ Maria Zuber cũng cảnh báo rằng mọi người không nên quá kỳ vọng vì lượng nước băng trong hố Shackleton có thể ít hơn nhiều so với dự đoán do nhóm nghiên cứu của bà mới chỉ quan sát được lớp bề mặt của băng dưới đáy của hố này.
“Một câu hỏi được đặt ra là có bao nhiêu nước được tồn lại ở dưới bề mặt. Câu hỏi này có thể được giải đáp sau khi tàu thăm dò GRAIL của NASA (được phóng lên quỹ đạo Mặt trăng từ tháng 9/20111) tiến hành khảo sát các hố ở cực nam của Mặt trăng”, tiến sĩ Maria Zuber cho biết.
Hố Shackleton được đặt tên theo nhà thám hiểm Nam Cực Ernest Shackleton. Nó được coi là một trong những hố lớn nhất trên Mặt trăng với đường kính 19km và sâu 3km – tương đương độ sau của các đại dương trên Trái đất.
Hà Hương
(vietnamnet.vn)