Nga trang bị cho trinh sát ’hòn đá gián điệp’
Các thiết bị điện tử dùng để kiểm soát lãnh thổ đối phương đã bắt đầu được cấp cho các đơn vị quân báo trinh sát cấp quân khu của Lục quân Nga.
Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga, các thiết bị này nằm trong Bộ trang bị trinh sát, liên lạc và chỉ huy CICC đang được các đơn vị quân báo sử dụng.
Bề ngoài “những hòn đá gián điệp” giống quyển sách dày và ở trạng thái được nguỵ trang có thể kiểm soát tình hình ở hậu phương địch hàng tháng trời, còn khi tấn công thì chỉ định mục tiêu cho pháo và tên lửa.
Tháng 1/2006, câu chuyện về “những hòn đá gián điệp” mà nhân viên tình báo Anh đặt ở Moscow từng gây ồn ào trên báo chí.
Theo tài liệu của An ninh liên bang, chúng được dùng không phải để thu thập, mà là để thu và chuyển tin. Các thiết bị của Nga giống với các hệ thống trinh sát Eye Ball của Israel và Rembass của Mỹ hơn.
Lính trinh sát Nga. |
Theo nguồn tin mà Izvestia có được thì đây là các trang bị đã được hiện đại hoá của cái gọi là thiết bị tín hiệu trinh sát, được dùng để tiến hành trinh sát tự động lãnh thổ đối phương.
Những thiết bị này được các chiến sĩ quân báo đặt trực tiếp trong lòng địch, còn các biến thể mới thì có thể được thả vào lãnh thổ quân địch từ trên không hoặc dùng đạn chuyên dụng bắn vào.
Tên gọi và tính năng của các thiết bị mới chưa được công khai, song chúng là sự phát triển của các hệ thống trinh sát tự động Xô Viết 1K124 Tabun và 1K18 Realiya– U.
Các thiết bị này có máy quay ghi hình, micro, các cảm biến nhận biết kim loại và cảm biến rung động nền đất. Chúng có thể tự động ghi nhận sự di chuyển của người, ôtô và xe tăng thiết giáp, nhận biết đối tượng nhờ các thuật toán chuyên dụng. Các cảm biến rung động nền đất căn cứ vào dao động của nền đất mà có thể phát hiện sự cơ động của đoàn xe tăng thiết giáp.
Các thông tin thu được sẽ được truyền đi qua liên lạc vệ tinh hay sóng cực ngắn UKV nhờ bộ chuyển phát chuyên dụng. Việc truyền tin được thực hiện bằng các xung ngắn thực tế không thể chặn thu được.
Thiết bị này được trang bị hệ thống xác định vị trí GLONAS/GPS, vì thế khi tấn công có thể dùng chúng để chỉ thị mục tiêu cho pháo binh, tên lửa và không quân.
Nguồn điện dự trữ trong thiết bị đủ cho hoạt động trong thời gian kéo dài mấy tháng. Khi nguồn điện cạn kiệt, “hòn đá gián điệp” sẽ tự huỷ. Nếu địch phát hiện cũng xảy ra đúng như vậy.
Hòn đá gián điệp của Anh bị Nga phát hiện năm 2006 tại Moscow |
Người lãnh đạo Trung tâm dự báo quân sự Anatoli Tsyganok cho rằng, thiết bị trinh sát tự động tạo rất nhiều thuận lợi cho quân báo, nhưng không thể thay thế họ hoàn toàn được.
Bình luận về việc bộ Quốc phòng mua sắm thiết bị này với Izvestia, Tsyganok nhận xét: “Thiết bị dù có hiện đại đến mấy cũng không thể đánh giá tình hình và ra quyết định được. Quân báo trinh sát (nghĩa rộng hơn – “Tình báo”) sử dụng rất nhiều thiết bị kỹ thuật. Song tất cả chúng chỉ là hỗ trợ. Không máy móc nào thay thế được con người cả”.
Tuy nhiên, ông Tsyganok ghi nhận: “Bản thân tôi đã từng ở quân báo trinh sát đơn vị 8 năm, từng là tiểu đoàn trưởng quân báo. Và tôi vẫn nhớ rõ, làm thế nào để tiến hành trinh sát xong trong 3 giờ đồng hồ một khu vực 5x5km. Đó là một việc rất phức tạp. Có các thiết bị này thì sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
Đồng thời chuyên gia này nhấn mạnh, là ngoài việc mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, Bộ Quốc phòng cần tập trung hơn vào việc xây dựng huấn luyện đội ngũ cho các đơn vị quân báo trinh sát mà tiếc là cho đến nay chủ yếu vẫn gồm các chiến sĩ nghĩa vụ như trước đây.
(Theo ĐVO/ Izvestia)
(bee.net.vn)