Chúng ta có từng phạm tội đối với Ông Trời?
Trên thế gian này, con người thường xuyên phải đối mặt với thiên tai nhân họa, bệnh tật tai ương… nguyên nhân là vì đâu? Có người nói rằng đó là do trời phạt. Nhưng rốt cuộc chúng ta đã từng phạm tội gì đối với Ông Trời?
Sau trận động đất ngày 12 tháng 5 ở Tứ Xuyên (Trung Quốc), có người nói rằng đây là trời phạt, kết quả gặp phải sự phẫn nộ của rất nhiều cư dân mạng. Lúc đó tôi cũng không dám lên tiếng. Bây giờ sự tình đã qua một đoạn thời gian rồi, tôi mới dám nói về chuyện này một chút.
Thật ra cái gọi là trời phạt, chính là nói rằng chúng ta bởi vì đã từng phạm tội với Ông Trời, vậy nên Ông Trời mới giáng tai họa xuống trừng phạt chúng ta. Vấn đề ở chỗ, chúng ta có từng phạm tội với Ông Trời?
Tôi cho rằng từ sau khi Trung Quốc “mới” thành lập chính quyền cho đến nay, chúng ta có rất nhiều chỗ đã phạm tội với Ông Trời.
Thoạt tiên chúng ta đã từng lấy chữ “đấu” làm đầu, không chỉ đấu với người, đấu với Đất, còn nêu cao khẩu hiệu “đấu với Trời vui sướng vô cùng”, đây lẽ nào không phải là đã phạm tội với Ông Trời hay sao?
Hoàng đế Võ Ất vào thời nhà Thương bạo ngược vô đạo, làm một cái túi da, đựng đầy máu trong đó, treo lên trên cao rồi ngẩng đầu giương cung lên bắn, gọi là “bắn Thiên Thần”, cuối cùng đã gặp phải báo ứng, trong một lần săn bắn ở bên ngoài, đã bị sét đánh chết. Vậy nên không thể đấu với Trời, đấu với Trời chính là sẽ gặp phải báo ứng.
Tiếp đó, chúng ta trong thời kỳ “ba năm gian khổ” đã đói chết hàng mấy chục triệu người, vốn dĩ đó là họa do con người gây ra, nhưng chúng ta không có ăn năn với những sai lầm của mình, mà trái lại còn đẩy trách nhiệm cho Ông Trời, nói là “ba năm thiên tai”, đây không phải là đã vu oan cho Ông Trời hay sao?
Ông Trời đương nhiên không thể đến tòa án nhân dân nơi cõi người để khởi tố nhằm đưa kẻ bịa đặt vu khống phải chịu trách nhiệm trước pháp luật được, mà chỉ có thể là “con người đã không cho ta một câu trả lời thì ta sẽ cho con người biết được câu trả lời vậy”, vậy nên đã giáng tai nạn để cảnh tỉnh con người.
Chúng ta cũng từng vào thời “Đại Nhảy Vọt” mà lớn tiếng hát câu này: “Không có Ngọc Hoàng Thượng Đế trên trời, không có Long Vương dưới đất, ta chính là Ngọc Hoàng Thượng Đế, ta chính là Long Vương, ta cho lệnh cho ba núi năm đèo hãy dẹp sang một bên, ta đến đây này!”. Đây không phải là hành vi xúc phạm Ông Trời hay sao?
Nếu như tôi nói với bạn rằng: “Nhà ngươi không có tổ tông, ta chính là tổ tông của nhà ngươi, nhà ngươi phải dập đầu bái lạy ta“, bạn có thể vui mừng được không? Liệu bạn có đánh cho tôi một trận không? Phạm tội với Trời, bị Trời phạt như vậy có oan khuất hay không?
Có thể có người nói, những chuyện đó đều là những người nắm quyền làm ra cả, sao Ông Trời không giáng họa xuống những kẻ cầm quyền mà lại giáng họa xuống người dân chúng tôi?
Vậy xin hỏi rằng, khi những người nắm quyền làm ra những chuyện như vậy các vị có từng tán thành hay không? Các vị có ủng hộ hay không? Các vị có từng phản bác lại những luận điệu sai lầm của người nắm quyền hay không? Lẽ nào các vị không có hùa theo chăng? Nhận phải báo ứng thì có gì gọi là oan uổng không?
Thật ra chúng ta thừa nhận trời phạt là vì để tổng kết bài học kinh nghiệm, sau này đừng có phạm tội với Ông Trời nữa, đừng có phạm phải những chuyện sai lầm này nữa.
Nếu như chúng ta có thể nghiêm túc mà tự xét lại bản thân mình, lúc nào cũng tự kiểm điểm rằng bản thân mình đã sai lầm ở đâu, sau đó có thể sửa đổi, thì có gì không tốt đây?
Nếu như chúng ta đều có thể sợ trời phạt, đây không phải là một bước tiến bộ hay sao? Trong ba điều sợ của người quân tử chính là có “kính sợ mệnh trời”, còn “kẻ tiểu nhân không biết mệnh trời nên không sợ”.
Có thể có người nói, ở đâu có Ông Trời nào, đều là gạt người cả. Nếu như đúng là như vậy, thì tại sao lại phải canh cánh trong lòng đối với “trời phạt” mà người khác nói đến? Vốn dĩ không có Ông Trời, thì cũng sẽ không có báo ứng, vậy hà tất phải để ý đến những gì người khác nói?
Khổng Tử có nói: “Nếu như đắc tội với Trời, thì có cầu nguyện thế nào cũng vô dụng cả”. Chúng ta hãy nên kính sợ Đạo Trời, hướng đến một khởi đầu mới tốt đẹp.
Tiểu Thiện, dịch từ Secretchina