25 năm tìm nhau của hai mẹ con người Ấn

13/06/12, 08:40 Cuộc sống

Saroo chỉ biết khóc. Cậu bé 5 tuổi không thể ngờ, chuyến tàu quen thuộc đã bỗng chốc biến thành một hành trình địa ngục, đẩy gia đình cậu vào một cuộc chia ly kéo dài tới 1/4 thế kỷ.

Bà Fatima với bức ảnh đoàn tụ của hai mẹ con. Ảnh: AP

Mặt đất xoay tròn khi đôi mắt của Saroo hé mở.

Cậu bé 5 tuổi gầy gò vẫn đang cuộn tròn trên chiếc ghế gỗ, trên chuyến tàu hỏa đưa cậu và anh trai, Guddu, trở về nhà sau chuyến đi dài.

Mọi chuyện có lẽ sẽ ổn nếu Guddu vẫn ở bên cậu. Nhưng trái lại, Saroo chỉ có một mình. Và khung cảnh bên ngoài cửa sổ toa tàu cũng không hề quen thuộc, như những chuyến đi trước đây.

Đó là phần đầu tiên của một câu chuyện dài.

Saroo nhanh chóng nhận ra sự bất thường. Tại sao chỉ có mình cậu ở đây? Còn Guddu, anh trai cậu thì sao?

Và Saroo đang ở đâu?

Đó là năm 1987 và điều duy nhất Saroo biết là cậu bé đang cô độc trên chuyến tàu bất thường này.

Saroo không hề biết rằng, chuyến tàu định mệnh ấy chính là điểm khởi đầu của một hành trình vừa không tưởng và đáng sợ, một hành trình đã đẩy Saroo khỏi mẹ ruột và đưa cậu đến với một gia đình khác. Chính cuộc hành trình ấy tạo ra một cuộc tìm kiếm vô vọng, giữa người mẹ và cậu con trai, để khiến cả hai nhận ra rằng họ không thể thật sự trở về nhà một lần nữa.

Ngay khi nhận ra điều bất thường, điều đầu tiên Saroo có thể làm là hét lên, với sự sợ hãi tột độ cùng những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt.

“Anh Guddu!”

Chỉ có tiếng kêu không ngừng của đoàn tàu đáp lại tiếng gọi thất thanh của cậu bé. Bên ngoài cửa sổ, những gì thuộc về nơi Saroo từng sống đang trôi dần và biến mất. Đích đến của đoàn tàu liệu sẽ đưa cuộc đời và số phận của cậu bé tới đâu?

Fatima Munshi đã gần như phát điên. Khi bà trở về sau cả ngày làm việc vất vả tại công trường xây dựng, cả hai cậu con trai vẫn chưa có mặt ở nhà. Đây thực sự là một điều bất thường.

Fatima chỉ sống vì những đứa con. Ngoài ra, bà không có nhiều lý do để tiếp tục tồn tại. Fatima đã làm việc gần như một nô lệ cho tới khi cha bà qua đời bởi một cơn đau tim. Vài tháng sau đó, mẹ bà cũng qua đời. Mới lên 10, Fatima đã phải chịu cuộc sống ở đáy xã hội, khi là một cô bé mồ côi, không gia đình, không người giám hộ, không ai bảo vệ.

Nhưng cô gái trẻ đã cố gắng tồn tại và trải qua mọi điều tồi tệ nhất.

Fatima trải qua tuổi trẻ ở các công trường xây dựng, với những bao xi măng trên vai và vật liệu xây dựng trên lưng. Rồi Fatima phải lòng và quyết định kết hôn với một người đàn ông theo đạo Hồi. Bà cải đạo từ Hindu sang Hồi giáo và đổi tên.

Hai người chuyển tới thị trấn Khandwa và tìm một căn nhà ở Ganesh Talai, khu phố của người lao động, nông dân và công nhân làm thuê.

Fatima nhanh chóng có được ba cậu con trai, Guddu, Kallu và Saroo. Điều ước lớn nhất của bà, là cả ba rồi sẽ được sống trong những căn nhà rộng rãi, đủ tiền để chu cấp bà 10 rupee mỗi ngày, và Fatima sẽ hưởng thụ tuổi già bằng cách chăm sóc những đứa cháu nhỏ.

Vậy là Fatima lao vào làm việc để xây dựng lại cuộc đời.

Nhưng số phận lại một lần nữa thách thức Fatima khi chồng bà bắt đầu thay lòng đổi dạ. Ông không về nhà, một đêm, rồi nhiều đêm. Ông cũng không tiếp tục đem tiền và lương thực về cho gia đình. Và ngay cả khi Fatima mang thai con gái của họ, người chồng bội bạc vẫn quyết định cưới một cô vợ khác. Fatima gọi đó là số phận.

Một ngày, Fatima tội nghiệp, tuyệt vọng, quyết định đối đầu với người chồng phụ bạc. Trước sự chứng kiến của những người lớn tuổi trong khu phố, họ quyết định ly hôn.

Fatima lại một lần nữa trở thành người phụ nữ bị bỏ rơi, một mình phải chăm sóc 4 đứa con. Bà là người nghèo nhất trong khu phố của những người nghèo, thậm chí còn tệ hơn cả những người ăn xin.

Bà quay lại làm việc ở công trường xây dựng. Guddu, 7 tuổi, và Saroo, 5 tuổi, phải đi ăn xin để kiếm lương thực và tiền lẻ.

Khi những cơn gió mùa lọt qua ke cửa và nền nhà biến thành đất bùn, bà và những đứa con phải tìm những nơi khô ráo để làm chỗ ngủ. Khi mùa hè và nhiệt độ lên cao, buộc 5 mẹ con phải qua đêm bên ngoài, bà lấy khăn choàng đầu để làm chỗ ngủ cho con. Cả gia đình thường không có bữa tối, và trước khi đi ngủ bà phải cho các con uống nước thay cơm.

“Mẹ, con đói”, những đứa trẻ cầu xin. “Không có cơm”, Fatima trả lời với nỗi đau khổ tột cùng.

“Mẹ chẳng có gì”, bà nói với các con, “nhưng ít nhất vẫn còn các con bên mẹ”.

Saroo hoảng sợ. Cậu đã ngủ bao lâu rồi? Trời vẫn tối khi cậu bước lên tàu, giờ thì đã tới trưa. Nửa ngày đã trôi qua.

Cậu bé cố gắng suy nghĩ. Saroo nhớ rằng cậu và Guddu bắt chuyến tàu từ Burhanpur về Khandwa. Khi hai anh em bước lên tàu, Saroo đã ngủ gục trên chính chiếc ghế này. Còn anh Guddu hứa sẽ trở lại sau vài phút và bước đi.

Nhưng giờ thì đoàn tàu đã dừng hẳn lại. Guddu không hề xuất hiện, và đây không phải là Khandwa.

Cánh cửa bật mở và Saroo bước vào đám đông hỗn loạn.

Mọi người chen lấn, xô đẩy, và nói chuyện bằng một thứ tiếng kỳ lạ. Saroo không hề biết, cậu bé đang có mặt tại Calcutta, nơi cách nhà gần 1.500 km. Điều duy nhất Saroo cảm thấy là dường như vậu bé vừa bị đẩy lên mặt trăng.

Saroo cố gắng tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng cậu bé nói tiếng Hindi, còn mọi người ở đây lại nói tiếng Bengali. Không những thế, Saroo còn chưa từng được đi học, cậu bé thậm chí không biết họ của mình, hay thành phố nơi cậu ở.

Không ai muốn bị vướng vào một đứa trẻ đi lạc ở đất nước có hàng triệu trẻ em này. Không ai để tâm tới Saroo tội nghiệp.

Vậy là Saroo lại bước lên một chuyến tàu khác, với hy vọng sẽ được ai đó đưa về nhà. Đoàn tàu rời khỏi Calcutta. Nhưng nó chỉ đưa Saroo tới một vùng đất xa lạ khác.

Cậu bé làm thế mỗi ngày, lên các chuyến tàu và xin ăn từ hành khách. Điều này, ít nhất cũng giúp Saroo sống sót. Khi đêm xuống, Saroo ngủ dưới gầm của những chiếc ghế trên tàu. Đôi lúc, cậu bé đánh liều xuống phố.

Thành phố này nằm bên sông Hằng. Điều đó khiến Saroo nhớ về thác nước ở nhà, nơi cậu bé từng có những tháng ngày vui vẻ khi ngắm nhìn các ngư dân đánh bắt cá.

Khi đêm xuống cũng là lúc sự lo lắng trong Fatima lớn dần. Bà nhờ Chú Akbar, một người hàng xóm tốt bụng, tới nhà ga để tìm bọn trẻ, nhưng hầu như các chuyến tàu đã rời đi. Họ tiếp tục tìm kiếm ở khu chợ nơi bọn trẻ thường tới xin ăn. Bà tới cả đài phun nước nơi các con vẫn thường vui chơi ở đó. Nhưng tất cả đều không đạt được kết quả.

Sáng hôm sau, ruột gan Fatima như đang có lửa đốt.

Có thể bọn nhỏ đã bị bắt cóc.

Hoặc đi lạc.

Hay đã chết.

Fatima chưa từng đi tàu trước đó, nhưng bà và Chú Akbar đã tới Burhanpur và Bhusawal, hỏi cảnh sát về tung tích của bọn trẻ. Bà mở rộng phạm vi tìm kiếm và tới những thành phố xa hơn.

Vô vọng, Fatima tìm đến một vị thầy bói để tìm kiếm tung tích của bọn trẻ.

“Hai bông hoa không còn nữa”, vị thầy bói đó nói. “Một bông đã rơi xuống. Bông hoa còn lại bị đưa tới một nơi xa lạ. Cậu bé không biết nơi cậu từng ở. Cậu sẽ trở về, nhưng là rất, rất lâu nữa.”

Bà không tin những lời người đàn ông đó nói. Fatima tin các con bà sẽ sớm bình an trở về. Nhưng rồi, cảnh sát thông báo, một trong số hai đứa trẻ, Guddu, đã chết.

Cậu bé đã nhảy hoặc bị đẩy khỏi toa tàu. Cảnh sát đã phát hiện thi thể cậu bé và tiến hành hỏa táng.

Ngay khi biết tin, Fatima ngất lịm đi.

Một lần xuống phố, Saroo may mắn bắt gặp một người đàn ông cũng biết nói tiếng Hindi. Người này đưa cậu bé tới trung tâm của chính phủ để trợ giúp những đứa trẻ bị bỏ rơi. Những người ở đây cho Saroo ăn, rồi đưa cậu bé tới một khu vực khác, đầy những đứa trẻ bị lạc.

Với Saroo, nơi này là địa ngục. Những đứa trẻ lớn hơn bắt nạt cậu. Không ai nói tiếng Hindi. Saroo cố gắng giải thích cậu bé là ai, nhưng vô vọng.

Vài tuần sau, một người tới và nói cậu bé sẽ được chuyển tới nơi khác. Saroo được tắm rửa, mặc đồ mới và đưa tới Tổ chức Xã hội Ấn Độ.

Khác với chỗ trước đây, nơi này là một thiên đường. Có khoảng 15 đứa trẻ, và không ai bắt nạt cậu. Saroo đã có thể kết bạn. Cậu bé có một cái giường thoải mái, quần áo sạch và nhiều đồ ăn.

Các thành viên của tổ chức tìm kiếm gia đình cậu bé, sử dụng tất cả thông tin mà Saroo còn nhớ. Nhưng điều đó chưa đủ.

Nhiều tháng trôi qua. Và Saroo được thông báo một tin vui.

Có một gia đình muốn nhận nuôi cậu. Và họ sống ở nơi có tên là Australia.

Fatima luôn nghĩ rất nhiều về Saroo. Bà không thể chấp nhận việc từ bỏ cậu bé. Bà tìm kiếm ở những nhà ga tại Bhopal và Sikanderabad, các trạm cảnh sát ở Hyderabad, những nhà giam tại Bombay. Họ tới các thành phố, gắng sức tìm kiếm tung tích cậu con trai mất tích.

Nhưng bà không nghĩ tới Calcutta.

Bà không thể nghĩ Saroo đã đi xa đến thế.

Saroo lơ đãng ngắm nhìn những đám mây khi máy bay chở cậu bay qua Thái Bình Dương. Cậu bé cầm một thanh chocolate ngon lành với vẻ thờ ơ, mải nghĩ về gia đình tương lai.

Căn nhà nơi Saroo sẽ ở giống như một cung điện. 4 phòng ngủ, một phòng khách, một căn bếp và một khoảng sân lớn, nơi cậu bé có thể thỏa sức chơi đùa.

Saroo có phòng riêng, được sơn màu vàng tươi và xanh da trời. Đầu giường được đặt một con thú bông có tên “Koala Dundee”. Nó nhanh chóng trở thành món đồ chơi yêu thích của cậu bé.

Căn bếp cũng có rất nhiều đồ ăn ngon, và bố mẹ nuôi của cậu đã làm một bữa tối với các món ăn Ấn Độ.

Cậu bé được đặt cho một cái tên mới: Brierley. Cậu được đến trường, học tiếng Anh và kết bạn.

Nhưng những câu hỏi về quá khứ vẫn còn ẩn hiện trong Saroo. Tấm bản đồ về Ấn Độ trong phòng ngủ, những bài hát hay các bài học ở trường vẫn khiến Saroo không khỏi nhớ về cuộc sống cũ.

Khi đêm xuống, cậu bé lại nghĩ về mẹ và gia đình ở Ấn Độ. Liệu mẹ có ổn không? Anh Guddu thì sao?

Sau ba tháng tìm kiếm khắp các ga tàu, Fatima đã kiệt sức.

Bà ước mình có thể mọc một đôi cánh để bay đi tìm cậu bé.

Trong những giấc mơ, đôi khi bà thấy Saroo, đang ngủ ngon trong vòng tay mẹ. Nhưng ngay khi Fatima tỉnh dậy, cậu bé cũng biến mất. Kallu và Shakila thường xuyên phải chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ. Kallu không chịu cầu nguyện. Cậu nói chính Chúa đã phá hủy gia đình cậu.

Trong khi đó, Shakila cầu nguyện tất cả vị thần mà cô bé biết. Cô bé tới những nhà thờ Thiên chúa để cầu xin Chúa Jesus đem anh trai trở về. Cô bé cầu nguyện cho Saroo tại những ngôi đền Hindu. Cô còn cầu xin cả Thánh Allah và các vị thánh Sufi.

Saroo giờ đã lớn và đang theo học chuyên ngành quản trị khách sạn. Cậu có những người bạn thân và một gia đình hạnh phúc.

Nhưng điều đó không thể khiến cậu ngừng tìm kiếm câu trả lời cho tất cả. Không ít lần Saroo đặt câu hỏi với những người bạn đến từ Ấn Độ, rằng họ có biết một ga tàu bắt đầu với chữ B, có thể là Bara… gì đó?

Có rất nhiều ga tàu ở Ấn Độ có tên như vậy, họ nói với cậu. Họ cần nhiều thông tin hơn.

Tất cả những gì Saroo có thể nhớ về nơi cậu từng sống, là một khu phố với một thác nước, một ga tàu, và một đài phun nước gần rạp chiếu phim. Hàng đêm, Saroo vẫn thức trắng bên máy vi tính và tìm kiếm thông tin internet. Việc này giống như mò kim đáy bể, và cậu biết điều đó. Nhưng dù khó khăn đến mấy, Saroo vẫn cố gắng lặp lại điều đó suốt nhiều năm trời.

Bên kia đại dương, mẹ của Saroo cũng không ngừng tìm kiếm con trai.

Bà chưa từng sử dụng máy vi tính, không hề biết tới Google hay được nhìn thấy máy bay. Nhưng suốt 1/4 thế kỷ, bà vẫn thường xuyên tới hỏi thông tin về Saroo thông qua vị thầy bói.

“Saroo”, vị thầy bói nói, “cậu ấy đang về rồi. Cậu ấy sẽ có mặt tại đây sau 40 ngày nữa”.

Đôi mắt Saroo dừng lại tại một khung cảnh quen thuộc đang hiện trên màn hình vệ tinh. Cây cầu, bể nước, đúng những gì cậu còn nhớ. Thác nước, nơi cậu từng học bơi. Đường hầm. Đài phun nước.

Trái tim Saroo bắt đầu loạn nhịp.

Google báo khu vực này mang tên “Khandwa”. Điều đó dẫn Saroo tới một tổ chức trên Facebook có tên: “Khandwa – Quê hương tôi”.

Ngày 31/3/2011, Saroo viết trên trang Facebook: “Ai đó hãy giúp tôi. Tôi nghĩ mình đến từ Khandwa. Tôi đã xa nơi này 24 năm. Hãy cho tôi thêm thông tin về các khu vực phụ cận của thị trấn đó.”

Không ai có câu trả lời. Ngày 3/4/2011, cậu hỏi lại:

“Ai đó có thể cho tôi biết, tên của một thị trấn hoặc vùng ngoại ô gần Khandwa? Tôi nghĩ nó bắt đầu với chữ G…”

Số phận đã mỉm cười với Saroo, khi cuối cùng cậu cũng nhận được câu trả lời: “Ganesh Talai”.

Saroo phấn khích tới tột độ. Cậu nói với cha mẹ nuôi. Tất cả đều vui mừng, nhưng cũng rất thận trọng. “Có rất nhiều đài phun nước ở Ấn Độ”, mẹ Saroo nói.

Cậu biết điều đó. Nhưng quan trọng hơn, cậu cần phải tìm xem điều gì đã xảy ra với gia đình mình. Với Guddu. Với mẹ cậu. Cậu biết mình phải trở về.

Nhưng điều gì đang chờ đón Saroo?

Còn nữa

Quỳnh Hoa (Theo AP)

(vnexpress.net)

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

    Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

  • Tu thân

    Tu thân

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

    Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

x