Hạt Xá Lợi thần kỳ – Minh chứng cho sự kỳ diệu của Phật Pháp
Một số nhà tu hành đắc Đạo viên tịch, sau khi hỏa táng lại có Xá Lợi Tử. Đó là những hạt tinh thể với đủ màu sắc, long lanh như ngọc, rắn như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy. Và xưa nay, con người vẫn luôn trân quý những hạt Xá Lợi thần kỳ này.
Từ khi có sinh mệnh cho đến nay, cái chết luôn là kết cục mà mỗi một sinh mệnh đều không thể tránh khỏi. Không kể bạn là bậc đế vương quan lại, thương nhân giàu có sống trong cảnh nhung lụa giàu sang, hay là bá tánh bình dân mưu sinh vất vả, thời hạn hễ đến, thì không ai có thể thoát khỏi lòng bàn tay của “tử thần”. Chính là giống như “Hảo Liễu Ca” mà vị Đạo nhân thọt chân hát trong tác phẩm kinh điển “Hồng Lâu Mộng”: “Người đời đều cho thần tiên hay, mà chuyện công danh lại vẫn say. Xưa nay tướng soái nơi nào đây, một dãy mồ hoang cỏ mọc đầy!”
Trên thế gian này kẻ tham sống nhất đương nhiên là con người, khi con người ta phải đối mặt với cái chết, hầu như ai cũng thống khổ tuyệt vọng, bàng hoàng sợ hãi, nghĩ đủ mọi cách cũng muốn kéo dài thêm sự sống một chút. Chỉ có những người thành tựu trong việc tu hành Phật Pháp, không chỉ coi nhẹ sinh tử, mà còn có thể biết trước cái chết của mình, thậm chí có thể quyết định thời gian và phương thức tử vong; và trong khi họ chết sẽ xuất hiện các điềm lành, ví như trên không trung sẽ tràn ngập mùi hương kỳ lạ, ánh sáng bao trùm; sau khi hỏa táng còn xuất hiện hạt Xá Lợi, có người thì thân thể không bị thiêu hủy.
Theo ghi chép, trong lịch sử có rất nhiều vị cao tăng, người đại thành tựu trong việc tu luyện sau khi viên tịch đều có để lại hạt Xá Lợi.
Cưu Ma La Thập, là vị cao tăng, quốc sư vào thời Hậu Tần, ông cùng với Huyền Trang được xưng tụng là ba nhà phiên dịch kinh Phật vĩ đại. Cưu Ma La Thập trước khi viên tịch đã phát thệ với mọi người rằng: “Nếu như kinh sách mà tôi phiên dịch không có chỗ sai sót, vậy sau khi thân thể của tôi được hỏa táng, đầu lưỡi sẽ không bị phỏng và lở loét!”.
Không lâu sau Cưu Ma La Thập viên tịch. Dùng phương thức hỏa táng, sau khi thi thể của ông đã hóa thành tro, thì phần đầu lưỡi hoàn toàn không bị tổn hại gì. Hiện nay Xá Lợi lưỡi của Cưu Ma La Thập được thờ cúng trong tháp Cưu Ma La Thập ở thành phố Võ Uy, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc.
Năm 1992, một vị cao tăng ở Tổ Châu, Trung Quốc viên tịch, điều khiến người ta kinh ngạc là sau khi hỏa táng thì cái lưỡi lại hoàn toàn nguyên vẹn không bị tổn hại gì mà lại có màu đồng kim, cứng chắc như sắt, gõ vào thì phát ra tiếng trong trẻo êm tai.
Tháng 12/1990, một vị cao tăng là Hoằng Huyền Pháp Sư ở Singapore viên tịch, sau khi thi thể được hỏa thiêu, người ta phát hiện thấy trong phần tro của ngài có 480 hạt Xá Lợi, hạt to cỡ như hạt đỗ tương, hạt nhỏ cỡ bằng hạt gạo, trông gần như trong suốt và tỏa sáng lấp lánh như những hạt kim cương.
Vậy hạt Xá Lợi rốt cuộc là gì? Tại sao chỉ có những bậc đại tu hành, những người có thành tựu trong việc tu luyện Phật Pháp mới có thể để lại hoặc ít hoặc nhiều, hoặc lớn hoặc nhỏ. Có một số cao tăng đắc Đạo sau khi qua đời hỏa táng lại có đến hàng trăm hàng nghìn viên Xá Lợi lớn nhỏ các loại; nếu như một người khi còn sống, thân thể có nhiều hạt sỏi như vậy, người này có thể chịu nổi không?
Còn có những đại cao tăng trước đó nguyên là những người già nhưng thân thể khỏe mạnh, cũng đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ, tại sao X-quang và các thiết bị siêu âm tân tiến như vậy lại không thể kiểm tra được những dị vật cứng rắn trong cơ thể này? Hạt Xá Lợi tại sao lại hiện ra năm loại màu sắc, nhiệt độ cao trên nghìn độ C cũng không nung chảy được?
Có học giả chuyên gia nói đó là sỏi thận, sau khi hỏa táng thì biến thành hạt Xá Lợi. Thật ra chỉ cần suy nghĩ kỹ một chút thì sẽ thấy cách nói này là hết sức vô lý, thật khó mà chấp nhận được. Sỏi thận dường như mỗi người đều có, thế thì tại sao sau khi hỏa táng người bình thường lại không có hạt Xá Lợi?
Có người nói hạt Xá Lợi là do nguyên nhân ăn chay, nhưng trên thế giới có đến hàng mấy chục triệu người ăn chay, tại sao họ cũng không có hạt Xá Lợi, mà chỉ có cao tăng đắc Đạo mới có? Lại nói ở Tây Tạng, bởi hoàn cảnh địa lí vùng cao khắc nghiệt, các vị tăng nhân vì để sinh tồn nên cũng ăn thịt. Mà số tăng nhân ở vùng đất Tây Tạng sau khi hỏa thiêu có hạt Xá Lợi còn nhiều hơn cả tăng nhân ở vùng đất người Hán. Điều này đã chứng minh rằng ăn chay vốn không hề có quan hệ gì với hạt Xá Lợi cả.
Thật ra hạt Xá Lợi là sản vật của những người thực hành tu luyện Phật Pháp trong một khoảng thời gian dài và đã đạt đến một tầng thứ nhất định. Nó cũng giống như “nội đan” mà những người luyện đan nói đến, nó có năng lượng, vào những lúc đặc biệt còn phát ra ánh sáng. Nói một cách đơn giản, những người sau khi chết mà xuất hiện hạt Xá Lợi, thì chỉ có những người tu hành đắc Đạo. Điều này vốn không có quan hệ gì với địa vị, danh tiếng, của cải trước đó của một người.
Dẫu cho là tôn quý như tổng thống, lãnh tụ, tỷ phú, thì tro cốt của họ cũng giống như những người bình thường khác mà thôi, dù chỉ là hạt Xá Lợi nhỏ bé như hạt mè cũng tìm không thấy. Trong số những người tu hành, thì những người có thể có được hạt Xá Lợi cũng chỉ lèo tèo thưa thớt, điều này không có quan hệ gì với danh tiếng, địa vị của người tu hành, là phương trượng trong chùa hay thậm chí là cấp bậc rất cao gì đó nữa, cũng không có chút liên quan.
Dựa theo học thuyết luân hồi của Phật gia, thân xác thịt của con người chỉ là nơi lưu trú tạm thời của linh hồn, cái chết vốn không phải là kết thúc của sinh mệnh, mà là bắt đầu tiến nhập vào loại hình thái sinh mệnh khác. Sau khi con người chết đi thì linh hồn sẽ rời khỏi thân thể, bắt đầu tìm một cõi đi về mới. Dựa theo những gì được viết trong “Tây Tạng Độ Vong Kinh”, khi linh hồn chuyển sinh, ánh sáng trong lục đạo luân hồi (màu trắng tối, màu xanh tối, màu vàng tối, màu lam tối, màu đỏ tối, màu sương khói) sẽ xuất hiện trước mắt người chết; đến thời điểm, linh hồn của người đã chết đi sẽ thuận theo nghiệp lực (thiện, ác) lúc còn sống của mình dẫn dắt mà đi vào một đường ánh sáng đó.
Vậy nên, con người ta vốn không phải chết là hết. Nếu như một người khi còn sống mà tích đức hành thiện, vậy thì linh hồn của người đó sẽ được đến một nơi tốt đẹp hơn. Còn nếu như một người làm đủ chuyện xấu xa, thương thiên hại lý, tuy lúc còn sống có thể có được vui vẻ sung sướng nhất thời, nhưng sau khi chết đi linh hồn của người đó sẽ phải trầm luân trong ba nẻo ác, chịu đủ mọi thống khổ. Con người ta không mang theo gì khi đến, khi chết cũng chăng mang được gì theo, chỉ có nghiệp lực đeo sát bên thân.
Thiện ác hữu báo là đạo trời. Trong thế tục ồn ào bon chen xua theo dòng chảy vật chất này, mỗi người chúng ta hãy quay trở về với bản tính lương thiện của mình, chọn ra cho mình một tương lai tốt đẹp hơn.
Ghi chú:
* Tây Tạng Độ Vong Kinh: Là quyển sách cổ xưa nhất về những trải nghiệm trước khi chết mà các nhà khoa học phương Tây hiện nay dùng để nghiên cứu về tử vong. Rất nhiều học giả, nhà khoa học nghiên cứu về những trải nghiệm trước lúc chết (NDE) đều xem nó và “Ai Cập Độ Vong Kinh” là hai bộ kinh điển quan trọng nhất.
* Trải nghiệm trước khi chết (NDE): Đây là một môn khoa học mới nhất của các nước phương Tây, cũng là khoa học tuyến đầu nhất trong lĩnh vực khoa học về sinh mệnh. Nó gộp chung cả y học hiện đại, dược lý học, tâm lý học, triết học và tôn giáo, nhắm thẳng vào một lĩnh vực thần bí sau cùng của con người – cái chết. Trong đại đa số học viện y học của các nước phương Tây đều coi trọng và nghiên cứu, còn thành lập “Hiệp hội Nghiên cứu Quốc tế Trải nghiệm Cận tử” thế giới.
Tiểu Thiện, dịch từ secretchina.com