Lãnh đạo ăn cá, tắm biển liệu có chứng minh được biển vẫn an toàn?
Mới đây, hành động tắm biển và ăn cá cùng người dân của các vị lãnh đạo các tỉnh miền Trung đã khiến người dân cảm thấy an tâm hơn. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là câu trả lời, mà còn bị coi là việc làm nguy hiểm.
Từ hình ảnh nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung có cá chết hàng loạt xuống biển tắm, nhớ chuyện 10 năm trước…
Trong buổi khánh thành nhà máy lọc nước biển làm nước sinh hoạt vào năm 2005, thay vì rót rượu mừng, Thủ tướng Lý Hiển Long và các cộng sự trong Chính phủ Singapore đã nâng ly nước biển tinh lọc cùng uống.
Hành động của ông Lý kèm theo thông điệp: Đấy là nước sạch, mọi người hãy dùng! Và người dân Singapore tất nhiên đã tin ngài thủ tướng.
Tháng 12/2014, nằm trong chiến dịch tranh cử vào Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến cảng Soma, tỉnh Fukushima và cùng ăn cá nướng với người dân.
Vào năm 2011, Fukushima là địa phương bị nhiễm phóng xạ nặng nề sau trận động đất và sóng thần. Điều này khiến thành phố hoang tàn, hoạt động đánh bắt dường như “chết” vì không ai dám ăn hải sản.
Bằng những nỗ lực bền bỉ, giàu tính khoa học của Chính phủ và chính quyền địa phương, Fukushima đến cuối năm 2014 đầu 2015 đã hồi sinh.
Hình ảnh thủ tướng ăn cá nướng nói lên sức sống mới ở nơi này, qua đó khẳng định rằng hải sản ở Fukushima bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những hành động này được lặp lại ở nước ta những ngày qua. Lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung nơi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt nghi do môi trường biển bị nhiễm độc đã lần lượt xuống biển tắm hoặc đến các bến cảng cùng ăn cá với người dân.
Hình ảnh ngay lập tức được lan truyền, tạo thêm hiệu ứng khẳng định môi trường biển vẫn bình thường, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi thả lưới và khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ.
Tuy nhiên, việc làm này của các vị lãnh đạo vẫn chưa thể trả lời được câu hỏi: Biển có còn ô nhiễm hay không? Vì sao cá chết? Hải sản ở các vùng biển Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có an toàn tuyệt đối?
Liệu có khoa học nào xác nhận rằng chúng ta có thể lấy việc “tắm 1 lần và ăn cá 1 lần” để làm thước đo sự an toàn của nước biển? Bởi nếu nước biển bị nhiễm độc kim loại nặng, thì loại nhiễm độc này bộc phát độc tính khi lượng kim loại trong cơ thể được tích lũy đến một ngưỡng nhất định. Chính vì vậy mà vụ nhiễm độc Minamata ở Nhật bị phát hiện tận sau gần 30 năm.
Nếu tìm hiểu kỹ hơn, cách làm của các vị lãnh đạo ở nước ta và nước bạn tuy có giống nhau, nhưng thực chất vấn đề lại khác nhau. Nước lọc mà Thủ tướng Lý Hiển Long uống là nước đã được các nhà khoa học chứng minh qua nhiều lần thử nghiệm, và đã qua thẩm định. Cá mà ông Shinzo Abe ăn là cá ở khu vực đã phải trải qua 3 năm xử lý, đo lường, với kết quả kiểm tra mức phóng xạ an toàn đã được các nhà khoa học xác nhận.
Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân vẫn chờ đợi kết quả kiểm tra của các nhà khoa học.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam đã có những chia sẻ về vấn đề này với BBC: “Tôi cho rằng những việc trấn an người dân như thế không có cở sở khoa học. Khi nào chúng ta có kết luận chắc chắn là vùng biển ở địa phương A, B, C cụ thể rất an toàn, lúc đó để động viên người dân, thì lãnh đạo có thể xuống biển tắm và có thể ăn cá.
Nhưng nếu khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm”.
Do đó, thực tế cách giải quyết tốt nhất và khôn ngoan nhất đó là công bố kết quả phân tích khoa học các mẫu nước biển, mẫu trầm tích và cá trong vùng biển liên quan để người dân được rõ, để dân biết là biển có còn nhiễm độc hay không và nếu còn thì lượng độc chất có nằm trong ngưỡng an toàn hay không.
Kết quả phân tích nước biển để truy nguyên nhân cá chết phải được công bố càng sớm càng tốt, càng chậm trễ càng khiến người dân lo âu.
Nguy hiểm hơn nữa là trong lúc hoạt động đánh bắt và tiêu thụ hải sản đã hồi phục mà nguyên nhân cá chết chưa tìm thấy, lỡ như kết quả sau này cho biết biển bị nhiễm độc kim loại nặng thì ai sẽ chịu trách nhiệm đối với những người đã ăn cá trong khoảng thời gian “chờ nghiên cứu” đây?
Theo BBC/tiepthithegioi