Ngơ ngác vì tiền tiết kiệm trong thẻ ATM tự “bốc hơi”
Nhiều trường hợp, thẻ ATM vẫn để trong ví ở nhà nhưng điện thoại nhận được tin nhắn thông báo của ngân hàng là chủ thẻ đang thực hiện giao dịch rút tiền.
Thẻ trong ví, tiền vẫn bị rút
Xã hội hiện đại, nhiều người sở hữu một chiếc thẻ ATM để làm phương tiện lưu trữ và tiết kiệm tiền. Tuy nhiên, thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc tiền trong tài khoản bỗng dưng “bốc hơi” trong khi chủ tài khoản không hề rút tiền.
Anh Nguyễn Văn Khánh (SN 1990), một nhân viên thiết kế đồ họa ở Hà Nội cho biết, khoảng hơn 1h sáng ngày 18/4, khi anh đang ngủ thì nghe tiếng chuông điện thoại báo tin nhắn liên hồi. Sáng dậy kiểm tra, anh Khánh thấy tin nhắn của ngân hàng Vietcombank thông báo mình đã thực hiện giao dịch rút tiền.
“Thẻ ATM vẫn còn trong ví mà tiền trong tài khoản không cánh mà bay. Tổng cộng 26 tin nhắn của ngân hàng gửi tới. Số tiền 52 triệu đồng tích cop trong bao năm trời của tôi bây giờ mất hết”, anh Khánh cho hay.
Chiều 19/4, anh Khánh đã đến trụ sở ngân hàng Vietcombank trên đường Hoàng Đạo Thúy để trình báo vụ việc. Một nhân viên ngân hàng cho anh Khánh biết, tài khoản của anh được rút tại một cây ATM BIDV nhưng chưa xác định được địa điểm. Phía ngân hàng sẽ kiểm tra và hẹn anh Khánh một tuần sau sẽ có kết quả.
Tương tự trường hợp của anh Khánh, cận Tết 2016, anh Nguyễn Văn Thành – một nhân viên truyền thông cũng bị mất toàn bộ số tiền hơn 14 triệu trong tài khoản ngân hàng khi thẻ vẫn để ở trong ví.
Sau khi trình báo với ngân hàng về sự việc, anh Thành nhận được câu trả lời là do sơ suất của anh trong lúc rút tiền đã để kẻ gian lấy được mã thẻ và mã pin tài khoản nên làm thẻ giả để thực hiện giao dịch. Anh Thành được phía ngân hàng hỗ trợ 50% số tiền đã mất.
Thẻ ATM dễ làm giả, khó kiểm soát
Ngày 21/4, trao đổi với phóng viên, ông Võ Đỗ Thắng – Giám đốc Trung tâm Đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho biết, hiện vẫn còn nhiều sơ hở trong khâu phát hành thẻ và sử dụng thẻ ATM ở Việt Nam mà kẻ gian có thể lợi dụng để thực hiện giao dịch rút tiền.
“Có thể hệ thống bảo mật của ngân hàng chưa đảm bảo nên tin tặc xâm nhập thu thập thông tin các tài khoản. Tuy nhiên, tin tặc thường lợi dụng việc các chủ thẻ sử dụng thẻ bừa bãi; bảo mật thông tin cá nhân, mã pin không tốt để làm thẻ giả rút tiền”, ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, người sử dụng thẻ ATM hiện nay thường cho bạn bè, người thân mượn để gửi, rút tiền nên thông tin bảo mật thẻ bị lộ. Một nguyên nhân khác là khi chủ thẻ thực hiện các giao dịch trực tuyến qua mạng có thể gặp phải máy vi tính có cài mã độc và bị tin tặc đánh cắp thông tin.
“Sau khi có thông tin mã thẻ, mã pin, tin tặc có thể đi làm một chiếc thẻ giả với giá vài chục ngàn đồng là có thể rút tiền trong tài khoản như chủ thẻ”, ông Thắng cho hay.
Cũng theo ông Thắng, hiện thẻ ATM ở Việt Nam vẫn là loại thẻ từ, công nghệ không quá phức tạp và tính bảo mật không cao nên dễ bị làm giả. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng loại thẻ chip. Loại thẻ này làm theo công nghệ EMV có tính bảo mật an toàn cao hơn, khó bị lấy cắp thông tin tài khoản.
Để hạn chế việc bị lộ thông tin khi rút tiền tại các cây ATM, ông Thắng khuyên người dân nên tự bảo mật dữ liệu thẻ của bản thân. Khi đi rút tiền nên dùng tay che bàn tay nhập mã tránh trường hợp kẻ gian gắn trộm camera gần đấy để lấy mật khẩu, hạn chế cho bạn bè hoặc người thân mượn thẻ, thường xuyên đổi mật khẩu…
Theo danviet