Cuộc sống cơ cực của 4 mẹ con ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa
Ẩn sâu trong khu nghĩa địa này, có một gia đình nhỏ đang đùm bọc nhau sống qua ngày và không ngừng nỗ lực, vươn lên để vượt qua nghịch cảnh.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) được xem là một trong những khu nghĩa trang lớn nhất thành phố. Không khí ảm đạm, tang thương của nơi này khiến ai tới cũng phải cảm thấy một chút sợ sệt, e dè. Nhưng ít người biết rằng, nằm cạnh những ngôi mộ lạnh giá, có một căn chòi tuy rách nát nhưng lại là chỗ nương thân duy nhất của bốn mẹ con chị Kiều Ánh Liên.
Chị Liên quê ở Bình Phước, nơi đã từng chịu nhiều di chứng của chiến tranh để lại. Chị tình cờ quen biết với anh T. và nảy sinh tình cảm. Vì gia cảnh đôi bên quá nghèo nên hai anh chị không may mắn có được một lễ cưới chỉn chu như nhiều cặp vợ chồng khác. “Cũng là con gái như người ta, chị chỉ mong một lần được mặc áo cưới và được ba mẹ, họ hàng chúc phúc. Có lẽ số chị không có phúc phần đó”, chị ngậm ngùi chia sẻ.
Cả hai vợ chồng thời gian đầu đều quyết tâm làm lụng để xây đắp gia đình và thoát nghèo. Thế nhưng từ khi có con, kinh tế gia đình dần trở thành gánh nặng trên vai cả hai anh chị. Dù chưa bao giờ cãi nhau, với trực giác của người phụ nữ, chị Liên cảm nhận được chồng mình đang bắt đầu chán nản và muốn từ bỏ gia đình để tìm đến tương lai tốt hơn.
Ngày anh quyết định ra đi, chị Liên khóc hết nước mắt và tìm kiếm suốt 1 năm ròng. Từ nhà người quen, họ hàng cho đến bạn bè của anh… không nơi nào chị bỏ sót, nhưng rồi cuối cùng vẫn là sự chờ đợi trong vô vọng. Chị quyết tâm cùng 3 đứa con lên Sài Gòn để tìm việc và thay đổi số phận.
Khó khăn từ những ngày đầu biết kể sao cho xiết. Thấy hoàn cảnh đáng thương của bốn mẹ con chị Liên, chị Tư Phấn, chủ của khu đất thuộc nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã đưa họ về sống tại một căn chòi gần đó và giúp chị Liên tìm kiếm công việc. “Chị Tư rất tốt, không chỉ giúp cho mẹ con chị chỗ ở mà còn đóng luôn cả mấy tháng tiền điện. Mãi sau này, khi chị có công việc ổn định rồi mới phụ chị Tư lại được chút tiền”, chị Liên chia sẻ.
Lúc mới về ở, không khí ở nghĩa trang thật sự không hề thoải mái với bốn mẹ con chị. Dần dần, chị cũng quen dần với công việc canh mộ và chăm sóc khói hương cho nghĩa trang. Các con chị cũng quen dần với cuộc sống này. Chúng không còn sợ hãi với việc chơi đùa gần những ngôi mộ nữa.
Em Kiều Minh Được (18 tuổi) là con trai cả nhưng không may mắc phải chứng nhược thị, khiến mắt phải của em không thể nhìn rõ. Dù gặp không ít khó khăn, Được vẫn luôn nỗ lực trong học tập cũng như sinh hoạt hằng ngày, để mẹ có thể yên tâm đi làm kiếm tiền nuôi sống gia đình. Được đang học lớp 7 tại trung tâm giáo dục thường xuyên quận Tân Phú.
Nhắc tới Được, chị Liên thỉnh thoảng lại trầm ngâm. Chị bảo lúc nào cũng cảm thấy có “cảm giác tội lỗi” với đứa con mình rứt ruột sinh ra. “Ngày đó, nếu chị biết ăn uống nhiều hơn trong lúc mang bầu, thì thằng nhỏ khi sinh ra sẽ không bị suy dinh dưỡng, nặng có mỗi 1,8kg như vậy. Bệnh tật nó mang trên người cũng là di chứng từ đó. Sinh nó ra thì phải cho nó một thân hình lành lặn, một cuộc sống tử tế. Đằng này…” – chị cứ thế mà nấc nghẹn.
“Anh ba” Kiều Minh Vũ (15 tuổi) tuy bỏ học từ sớm nhưng hiện đang là học viên của một trường nghề dạy sửa xe honda. Bé út Kiều Minh Tuấn (8 tuổi) lém lỉnh và lanh lợi nhất trong 3 anh em thì đang học tại lớp học tình thương gần nhà.
Từ khi hoàn cảnh của bốn mẹ con được cộng đồng biết đến nhiều hơn, một số mạnh thường quân, nhà hảo tâm khắp nơi đã tìm đến để giúp đỡ chị Liên. Đáng chú ý, có một đơn vị sẵn sàng tài trợ khám và mổ mắt miễn phí cho Được, nhưng cuối cùng em đã từ chối.
Khi được hỏi vì sao em lại bỏ đi một cơ hội quý giá như vậy, Được chỉ nở nụ cười hiền lành: “Dạ, lúc khám cho em xong, bên đó họ bảo mắt em do để quá lâu nên nếu có điều trị thì cũng chỉ giảm di chứng, khả năng phục hồi thị lực là rất thấp. Suất mổ mắt này tốn hơn chục triệu nhưng cũng chỉ là mổ thẩm mĩ cho mắt nhìn đẹp hơn thôi. Nếu thật sự có mổ cũng không giúp em nhìn thấy rõ hơn thì thôi em xin nhường cơ hội này cho một người khác kém may mắn hơn”.
Đã từng nghe chị Liên kể nhiều về nghị lực của em, đứa con trai cả đầy trách nhiệm, nhưng tôi cảm thấy khâm phục em hơn bao giờ hết sau khi nghe câu trả lời giản dị mà đầy chững chạc đó.
Trò chuyện chưa đủ lâu để có thể hiểu hết những khó khăn mà bốn mẹ con chị đã vượt qua, nhưng tôi có cảm giác áp lực cơm áo gạo tiền chưa bao giờ làm chùn bước người phụ nữ này. Sau quá nhiều biến cố, chị bảo rằng chị không trách chồng mình, chỉ mong rằng đời này kiếp này giải tỏa được khúc mắc trong lòng, có thể cùng 3 đứa con sống tốt quãng đời còn lại.
Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, “thế giới của người đã khuất” vốn lạnh lẽo, lại là chốn bình yên của bốn mẹ con chị Liên trong những thời điểm khốn khổ nhất. Cuộc sống ngày một khó khăn và nhiều lo toan hơn. Những nơi tưởng chừng như đáng sợ nhất lại chính là chốn để mỗi chúng ta lớn khôn và dung dưỡng tình cảm gia đình, dù gia đình đó không còn đủ ba hay mẹ.
Theo Thegioitre.vn