Đái tháo đường trong thai kỳ – Phụ nữ mang thai cần phòng ngừa
Đái tháo đường (ĐTĐ) thai kỳ rất nguy hiểm đối với mẹ và bé. Bệnh xuất hiện với các triệu chứng như tăng huyết áp, tiền sản giật, sản giật, sảy thai…, các bà mẹ cần nắm rõ những triệu chứng cũng như cách phòng ngừa, điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Mang thai là một hành trình kỳ diệu nhất trong cuộc đời mỗi phụ nữ, và một thai kỳ khỏe mạnh luôn là mong ước của tất cả bà bầu. Tuy nhiên, để mang được sinh linh nhỏ bé đến thế giới này không phải là một quá trình dễ dàng. Bà mẹ sẽ phải trải qua rất nhiều thay đổi trong cơ thể, đôi khi những thay đổi này có thể trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và con.
Trong số đố, ĐTĐ thai kỳ là một vấn đề tương đối phổ biến và dễ mắc phải ở các bà bầu.
Đái tháo đường thai kỳ là gì?
ĐTĐ trong thai kỳ hay còn gọi là đái tháo đường trong thời gian mang thai. Nếu một phụ nữ bị đái tháo đường khi mang thai nhưng chưa bao giờ bị đái tháo đường trước đó thì được chẩn đoán là đái tháo đường trong thai kỳ.
Tỷ lệ mắc đái tháo đường trong thai kỳ khoảng 5% trên tổng số các bà mẹ mang thai, hay khoảng 200.000 trường hợp mỗi năm tại Hoa kỳ.
Nguyên nhân đái tháo đường thai kỳ
Người mang thai bị tiểu đường chia ra hai trường hợp: “Trường hợp thứ nhất, thai phụ bị bệnh tiểu đường trước lúc mang thai. Trường hợp thứ hai, thai phụ mới bị tiểu đường khi có thai gọi là tiểu đường do thai nghén hay tiểu đường thai kỳ. Nguyên nhân gây bệnh tiểu đường khi mang thai”:
Bình thường, insulin được tụy tạng sản xuất ra để điều hòa glucose máu. Khi mang thai, các hormone của nhau thai làm rối loạn việc sản xuất này. Tạng tụy cần phải sản xuất nhiều insulin hơn, có khi gấp 2 lần. Khi nhu cầu tăng cao như thế mà tạng tụy không đảm bảo sản xuất đủ lượng insulin cần thì glucose máu sẽ tăng cao. Đó là nguyên nhân của tiểu đường thai kỳ.
Có nhiều yếu tố nguy cơ gây tiểu đường lúc mang thai như: thừa cân, béo phì, có bà mẹ lớn tuổi khi mang thai (trên 35 tuổi), gia đình hay bản thân có tiền sử bị tiểu đường. Tuy nhiên, khoảng 30% trường hợp bị tiểu đường lúc thai nghén không tìm thấy nguy cơ hay có nguy cơ ở mức thấp. Chỉ có chừng 3-6% người có thai bị tiểu đường do thai nghén.
Nguy cơ cho bà mẹ và thai nhi
Về thai nhi, qua nghiên cứu và theo dõi, người ta thấy rằng các đứa trẻ được sinh ra từ bà mẹ bị đái tháo đường phải gánh chịu nhiều nguy cơ như thai nhi dễ bị chấn thương trong khi sinh gấp 2 lần so với đứa trẻ bình thường, nguy cơ phải mổ đẻ gấp 3 lần và nguy cơ bị suy yếu thai gấp 4 lần. Thêm vào đó, người ta thấy dường như đứa trẻ dễ bị mắc các dị tật bẩm sinh hơn nếu mẹ bị đái tháo đường.
Về phía trẻ mới sinh, người ta thấy những đứa trẻ mới sinh từ các bà mẹ bị ĐTĐ thì hay phải chăm sóc bằng lồng kính nhân tạo hơn so với các đứa trẻ bình thường. Chúng còn phải mang trong mình những nguy cơ bệnh tật tiềm ẩn như bị rối loạn chuyển hoá và nguy cơ bệnh tim mạch.
Những đứa con được sinh ra từ các bà mẹ bị ĐTĐ bất kể là đái tháo đường trong thai kỳ hay trước thai kỳ, chúng đều bị rối loạn chuyển hoá tới tuổi trưởng thành.
Đứng về góc độ bà mẹ, có rất nhiều nguy hiểm. ĐTĐ và thai kỳ tự làm nặng lẫn nhau và làm gia tăng các biến cố. Với bà mẹ, không thể không lưu ý tới các biến chứng về thận và về tăng huyết áp. Hai biến chứng này nguy hại và có vẻ tăng nặng trong thời kỳ mang thai.
Điều trị đái tháo đường thai kỳ
Mục tiêu đường huyết: Các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ phải được kiểm soát đường huyết tích cực và an toàn trong một khoảng hẹp, để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
– Dinh dưỡng điều trị:
Bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ nên kiêng các thức ăn, nước uống chứa nhiều đường hấp thu nhanh như sữa đặc, nước ngọt, bánh kẹo… và hạn chế các đồ ăn nếp như xôi, bánh chưng… Khuyến khích ăn các loại carbohydrat hấp thu chậm (đường phức và các chất xơ). Tổng số năng lượng được chia đều cho 3 bữa ăn chính và 3 bữa ăn phụ nhưng không nên ăn nhiều carbohydrat vào buổi sáng.
– Điều trị bằng thuốc:
Điều trị bằng thuốc được chỉ định khi bệnh nhân không thể ổn định đường huyết bằng tiết chế đơn thuần. Cho đến nay insulin human là thuốc duy nhất được chấp nhận cho điều trị bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ
– Tập luyện
Khi đang tập luyện, người bệnh cảm thấy mệt mỏi thì phải ngừng tập và cần được nghỉ ngơi. Trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào cũng cần có sự thảo luận giữa bệnh nhân và thầy thuốc để lựa chọn hình thức và thời lượng tập luyện thích hợp nhất. Người phụ nữ ĐTĐ thai kỳ có thể luyện tập ở mức trung bình và tránh một số hoạt động nhất định cho đến sau khi sinh nở.
Trong tập luyện, người bệnh cần giữ nhịp tim không vượt quá 140 lần/phút, không nên để tình trạng nhịp tim nhanh kéo dài và tránh tập luyện quá sức. Cũng như các bà mẹ mang thai khác, người mẹ bị ĐTĐ thai kỳ nên đi bộ hoặc bơi lội nếu có điều kiện.Trong khi bơi, sức nâng của nước sẽ làm giảm áp lực các khớp, không gây chấn thương cho các xương khớp ở bàn chân và cẳng chân.
Tóm lại, tất cả các bệnh nhân ĐTĐ thai kỳ cần được điều trị tích cực nhằm kiểm soát tốt đường huyết trong suốt thời gian mang thai. Bên cạnh đó, thai nhi cần được theo dõi thường xuyên để có thể phát hiện được sớm các dị tật, các nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển của thai, từ đó các thầy thuốc có kế hoạch can thiệp kịp thời và hiệu quả nhất.
Tổng hợp