Trung Quốc hứa xả lũ cứu hạn ĐBSCL: Có tin vui nhưng đừng quá kỳ vọng
Trung Quốc cho biết sẽ xả nước giúp Việt Nam chống hạn, vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là Trung Quốc sẽ xả bao nhiêu nước, xả bao lâu…
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết, nước này sẽ tiến hành xả lũ ở đập thủy điện Cảnh Hồng từ 15/3 đến 10/4 để cứu hạn cho các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong, gồm cả Việt Nam. Vấn đề nhiều người quan tâm lúc này là Trung Quốc sẽ xả bao nhiêu nước, xả bao lâu…
Trung Quốc chưa trả lời cụ thể
Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi tới Đại sứ quán nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, phía Việt Nam đề nghị Trung Quốc xả nước từ tháng 3 đến tháng 8/2016, trong đó từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi tháng sẽ có 6 đợt xả (gồm 7/3; 21/3; 5/4; 20/4; 4/5; 19/5), mỗi đợt xả liên tục trong 7 ngày, lưu lượng xả đề nghị là 2.300m3/giây.
Ngoài các đợt xả trên, đề nghị vận hành liên tục tối thiểu 40 – 60% số tổ máy. Từ tháng 6 đến tháng 8 sẽ xả liên tục, đề nghị xả theo khả năng nguồn nước đến, lưu lượng xả từ 1.740 – 2.890m3/giây.
Đề nghị của Việt Nam chi tiết và rõ ràng như vậy, nhưng theo ông Nguyễn Văn Tỉnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, phía Trung Quốc mới chỉ trả lời là họ sẵn sàng hỗ trợ xả nước, còn cụ thể lịch xả nước ra sao, mức xả bao nhiêu thì chưa có phản hồi cụ thể.
Ông Tăng Quốc Chính – Phó Cục trưởng Cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, cho rằng: “Phía Trung Quốc đã có những phản hồi tích cực, tuy nhiên việc này cần phải từ từ không thể nóng vội được. Họ cần có thời gian để các bộ, ngành liên quan bàn bạc và đưa ra quyết định thống nhất”.
“Đừng quá kỳ vọng”
Chiều 15/3, trao đổi với phóng viên về vấn đề Trung Quốc chậm hồi đáp cụ thể về kế hoạch xả nước, GS -TS Tăng Đức Thắng – Phó Giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam bày tỏ lo lắng: “Nếu chúng ta không nắm được phía Trung Quốc đang tích giữ tổng cộng bao nhiêu m3 nước ở thượng nguồn thì lượng nước mà chúng ta đề nghị họ xả để chống hạn, xâm nhập mặn, cứu lúa… là bất khả thi”.
Ông Thắng cho biết, theo thông tin mà ông có được, phía thượng lưu Trung Quốc do ảnh hưởng của El Nino nên nhiều vùng cũng khô hạn. Có thể tình trạng khô hạn của họ không nghiêm trọng như Việt Nam. Họ xây rất nhiều thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong và vào tích nước chờ tới mùa khô phát điện sản xuất.
Ông Thắng nhấn mạnh rằng: “Thông tin phía thượng lưu Trung Quốc cũng hạn nặng là chính xác. Do vậy, trong bối cảnh này, chúng ta cũng đừng “trông chờ” và kỳ vọng rằng lượng nước mà họ xả ra sẽ đạt như yêu cầu và mong đợi của ta là xả 2.300 m3 nước mỗi giây, thời gian xả nước trong 134 ngày”.
Cùng chung quan điểm với ông Thắng, PGS -TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) cho rằng việc đề nghị Trung Quốc xả nước chống hạn và xâm nhập mặn với các con số cụ thể như trong công hàm là không đơn giản. Lý do là phía Trung Quốc cũng bị thiếu nước và hạn hán, nếu xả nước thì cũng chỉ xả với số lượng rất ít.
“Từ thượng nguồn Trung Quốc về ĐBSCL cách tới 4.000km nên lượng nước rất ít này sẽ bị một số nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Lào tận dụng để cứu hạn cho họ. Mặt khác, phần lớn diện tích lúa ở ĐBSCL đã bị thiệt hại, nhiều vùng ngọt hoá đã bị mặn xâm nhập nên việc xả đập coi như quá chậm, không có ý nghĩa” – ông Tuấn nói.
Theo danviet.vn