Quả cầu bí ẩn bên cạnh Chúa Giêsu và những nghi vấn về du hành thời gian
Một bức tranh cổ xưa mô tả hình ảnh Chúa Giêsu ngồi bên một thứ hình cầu trông giống vệ tinh của con người ngày nay đang gây ra những tranh cãi về hiện tượng du hành vượt thời gian.
Bức tranh The Glorification of the Eucharist của họa sĩ Ventura Salimbeni vẽ năm 1595 được treo ở Florence, Italy lại gây ra những tranh cãi về thuyết du hành thời gian trong thời gian gần đây.
Bức tranh được cho là mô tả hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Giêsu, Thiên Chúa và một con chim bồ câu tượng trưng cho Đức Thánh Linh. Ở giữa có hình một quả cầu với hai chiếc gậy giống như ăng ten.
Những nhà lý luận theo thuyết âm mưu đã đưa ra một tuyên bố kỳ di khi cho rằng vật thể hình cầu trong bức vẽ được cho là mang dáng dấp của công nghệ tương lai.
Nó mang hình dạng gần giống với vệ tinh nhân tạo Sputnik của Liên Xô được đưa vào quỹ đạo Trái đất vào năm 1957.
“Bức tranh Thánh Thể này được vẽ trong những năm 1600, khi đó không ai thực sự biết bức tranh mô tả điều gì cho đến khi chúng ta nhìn thấy Sputnik – vệ tinh nhân tạo đầu tiên của nhân loại”.
“Khi so sánh với Sputnik chúng ta sẽ thấy được những sự tương đồng đến mức kinh ngạc thậm chí đến cả những vết tròn nhỏ trên bức vẽ cũng hoàn toàn tương tự với vết tròn trên vệ tinh”.
“Tất nhiên khi bức tranh được vẽ ra, chẳng ai biết gì về khái niệm vệ tinh nhân tạo hay cái tên Sputnik”. Steve Mera nhận định.
Ông đưa ra nghi vấn: “Phải chăng những học giả này đã biết điều gì đó về công nghệ của tương lai hay chỉ đơn giản là một sự trùng hợp lạ kỳ”.
Trang web AncientUFO mô tả vật thể hình cầu giống như một vệ tinh không gian với các ăng ten và tỏa ra thứ ánh sáng kỳ lạ. Trong thực tế nó giống với một vệ tinh Sputnik.
Trên một số trang web khác lại có ý kiến khẳng định rằng: “Nếu Chúa có thể biến nước thành rượu, đi trên dòng sông và khiến người chết sống lại thì chẳng có lý do gì mà Người không du hành thời gian và mang về một quả cầu vệ tinh”.
Những người phản bác lại thuyết âm mưu trên lại bác bỏ bằng lập luận đơn giản hơn khi cho rằng ý đồ của tác giả về quả cầu chỉ đơn giản là sự đại diện cho vũ trụ.
Quả cầu trong bức vẽ được cho là Sphaera Mundi – biểu tượng này có thể được tìm thấy trong nhiều tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khác.
Theo Ngaynay