Chuyện xưa: Chặt cây giống như phá hủy tương lai của chính mình
Con người ta khi đối diện với lợi ích trước mắt thường dễ quên đi cái lâu dài, nuôi dưỡng thói quen tạm bợ mà gây tổn hại đến tự nhiên, tựa như cắt đi con đường sống của chính mình và rất nhiều thế hệ.
Nước Việt xưa có một người tên gọi Khấu Bất Vi, ông vì tránh chiến loạn mà dẫn theo vợ chạy đến huyện Diệm (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc). Chiến tranh loạn lạc không ngừng khiến cho cuộc sống của ông vô cùng khốn khổ, nghèo đến nỗi ngay cả một túp lều cũng không dựng nổi.
Ông cùng vợ lang thang khắp nơi, một ngày kia, đi đến chân núi Thiên Lão. Ngay lúc vợ chồng ông cảm thấy đường cùng thì trước mặt bỗng nhiên xuất hiện một cây đại thụ, cành lá xum xuê, tán cây dường như che khuất cả bầu trời.
Họ ở dưới tán cây đại thụ cảm thấy rất thoải mái và dễ chịu, dần dần hồi phục sức lực. Từ đó, họ cũng quyết định sinh sống ở dưới gốc cây này.
Một hôm, Khấu Bất Vi giơ cây rìu lên, toan chặt bỏ rễ cây để làm củi đốt. Người vợ nhìn thấy vội vàng ngăn lại, nói: “Chàng thật không hiểu chuyện! Chúng ta không có nhà ở, phải dựa vào cây to này mới được an thân. Từ khi tới đây, cái nắng chói chang của Mặt trời cũng không chiếu đến chúng ta; sương mù lạnh buốt về đêm cũng không làm ướt áo chúng ta; tiếng gió gào thét, cát bụi mịt trời cũng không thổi được chúng ta; mưa dông chớp giật đáng sợ ấy cũng không còn ảnh hưởng tới chúng ta được nữa.
Tất cả những hoạn nạn mà chúng ta tránh được đó, rốt cuộc là dựa vào cái gì? Há không phải là đều dựa vào cây đại thụ che cả bầu trời này hay sao?
Vì thế theo thiếp, mình nên bảo vệ cây này, cũng khuyên người dân trong làng nên giữ gìn. Chúng ta nên kính ngưỡng nó như mẹ của mình, chúng ta yêu nó như yêu chính thân thể mình vậy.
Điều thiếp lo lắng nhất là thấy cây không sinh sôi nảy nở, không tươi tốt, chứ còn chuyện làm tổn hại cây quả thật thiếp không dám. Thiếp nghe nói, dòng nước từ trên núi chảy xuống mà vơi đi, đàn cá dưới sông đều không khỏi lo lắng, chuông lớn phát ra tiếng vang, chim chóc nằm trong tổ cũng thấy bi ai, chúng sợ sông ngòi khô cạn, cây rừng điêu tàn. Cá, chim còn hiểu được đạo lý này, huống chi là con người như chúng ta”.
Câu chuyện trên khuyên bảo chúng ta, đối với sự vật có quan hệ đến lợi ích căn bản của chúng ta, ví như non xanh, nước biếc, rừng cây, đồng ruộng, nhất định phải “bảo vệ chúng như trẻ sơ sinh, tôn kính chúng như người mẹ hiền, yêu thương chúng như thân thể của bản thân mình vậy”, tuyệt không thể để chúng chịu bất cứ thương tổn nào.
Người xưa có nói: “Giữ lại một tấc đất để con cháu còn kế sinh nhai!”. Chớ có cắt đứt con đường nhân sinh của chính mình, cũng như hủy đi tương lai của vô vàn thế hệ.
Xem thêm: Cậu bé và cây cổ thụ, đọc xong thấy lòng chua xót mãi không thôi
Hoàng Sâm, dịch từ Epoch Times