Xét xử thảm sát Bình Phước: Tranh cãi mức án tử hình của Vũ Văn Tiến
Luật sư Lê Văn Nam, người bào chữa của Vũ Văn Tiến cho rằng, Tiến cũng chỉ là một công cụ của Dương, bị anh ta lôi kéo vào hành vi phạm tội. Tuy nhiên, tòa án vẫn quyết định tuyên án mức tử hình đối với bị cáo Tiến.
Ngày 17/12, TAND tỉnh Bình Phước đưa vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ra xét xử sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa, Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến bị tuyên án tử hình, còn Trần Đình Thoại lĩnh 16 năm tù.
Sau khi nghe HĐXX tuyên án, đa phần người dân đồng tình với bản ánh tử hình dành cho Nguyễn Hải Dương. Đồng bọn của Dương là Vũ Văn Tiến tuy không dùng dao đâm chết các nạn nhân nhưng anh này cũng bị tòa tuyên bản án bằng chủ mưu.
Việc Tiến bị tuyên án tử có 2 luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng đó là hình phạt đích đáng, số khác cho rằng mức án này quá nặng cho Tiến.
“Dương phải nhận án tử là đúng. Với âm mưu, tội ác mà anh ta gây nên thì 10 cái chết của Dương cũng không đền hết tội. Tôi cảm thấy thương Tiến vì anh ta đã bị Dương lừa vào con đường tội lỗi để rồi phải đền mạng. HĐXX nên mở cho Tiến cơ hội sống để anh ta có thể chuộc tội”, một người dân nói.
Theo phân tích của chủ tọa phiên tòa Nguyễn Hữu Trí, Tiến có nhân thân tốt, chưa tiền án tiền sự và nhiều điểm khác có thể xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, anh ta cùng với Dương gây ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả lớn nên cần cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội.
Chủ tọa nói: “Nguyễn Hải Dương sát hại được 6 người là nhờ có sự giúp sức của Tiến. Nếu không có đồng phạm thì Dương không thể một mình gây ra thảm sát. Trong quá trình gây án, tất cả nạn nhân đều bị Tiến dùng dây siết vào cổ để Dương dùng dao đâm chết. Mặc dù Tiến có ý định dừng tay, ngăn cản Dương nhưng không thoát khỏi tội ác”.
Vị chủ tọa cho biết thêm, mức án đã tuyên đối với 3 bị cáo là hợp lý với vai trò của từng người.
Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước nhận định về vụ án và vai trò của bị cáo Tiến: “Tôi tiếp xúc trên 13.000 vụ án từ năm 2003 đến nay, nhưng chưa có vụ án nào hung thủ giết nhiều người, có tính chất man rợ, gây ảnh hưởng xã hội lớn như vụ án này”.
Lúc đầu, Tiến được Dương rủ đi để cướp tài sản. Khi vào thực hiện tội phạm, có lúc Tiến băn khoăn, trăn trở nhưng bị cáo lại gây án rất chuyên nghiệp, phối hợp ăn í với Dương. Bị cáo Tiến nói bị Dương ép buộc, uy hiếp nhưng không có gì chứng minh, Tiến đổ lỗi cho đồng phạm hòng thoát tội.
Tiến thể hiện sự quyết tâm gây án đến cùng khi bị cáo là người trực tiếp dùng dây siết cổ, giật ngược ra sau cho Dương cầm dao đâm. Tính chất, mức độ của bị cáo Tiến này cũng rất nguy hiểm, gây án quyết liệt.
“Nhiều người nói Dương và Tiến có vai trò khác nhau trong vụ án liệu mức án tử hình với Tiến có quá nặng không. Tôi khẳng định rằng mức án tử hình với bị cáo Tiến hoàn toàn xứng đáng, đúng với các quy định pháp luật, đúng với những gì mà anh ta đã gây ra”, Viện trường VKS Bình Phước nói.
Còn luật sư Lê Văn Nam, người bào chữa cho Tiến nêu quan điểm, trong vấn đề đồng phạm cần phân hóa ra, VKS có sự đánh đồng các bị cáo có tình tiết tăng nặng giống nhau.
“Trong vụ án này áp lực dư luận quá lớn và quá dã man, chứ đặt vấn đề vào một vụ án khác thì phải xem xét lại. Hai bị cáo được xác định là đồng phạm cùng gây án nhưng mức độ phạm tội hoàn toàn khác nhau”, luật sư nói.
Luật sư Nam không hài lòng với mức án tử hình của Tiến. Ông trình bày 5 tình tiết quan trọng, mong HĐXX lưu tâm xem xét khi lượng hình:
1, Tiến phạm tội trong hoàn cảnh bị Nguyễn Hải Dương lừa gạt, khống chế tinh thần; bị đặt vào tình huống đã đành, không thể thoát ra.
2, Tiến đã có ít nhất 5 lần thể hiện sự không đồng tình, từ chối thực hiện và khuyên Dương dừng tội ác. Nhưng vì thiếu bản lĩnh, Tiến bị Dương áp đảo tinh thần, buộc phải thực hiện tội phạm.
3, Động cơ, mục đích của bị cáo Tiến là khống chế các nạn nhân để tra hỏi tiền, chứ Tiến không biết ý định của Dương là giết người mà không lấy tài sản.
4, Tiến không trực tiếp ra tay sát hại các nạn nhân, không biết, không bàn bạc, không lên kế hoạch, không chuẩn bị công cụ, phương tiện phạm tội và không có ý định giết người.
5, Tiến có nhiều tình tiết giảm nhẹ như trình độ văn hóa thấp, nhận thức kém, thiếu bản lĩnh, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình có công với đất nước,…
Theo news.zing.vn