Thoát khỏi hiểm nguy nơi sa mạc khô cằn chỉ bằng 1 việc thiện
Một nhóm các nhà khảo cổ bị mất phương hướng trên sa mạc Sahara, nơi được mệnh danh là “nghĩa địa” của bất cứ ai đi lạc. Tuy nhiên, nhóm người này lại may mắn thoát chết chỉ bởi một hành vi lương thiện.
Sa mạc Sahara còn được xưng là “biển chết”. Số phận người vào sa mạc có thể nói là “có đi không có về”.
Năm 1814, một nhóm các nhà khảo cổ đã phá vỡ được lời nguyền này. Trong quá trình di chuyển, họ nhìn thấy hài cốt của người chết khắp nơi trên sa mạc. Người đội trưởng của nhóm đã yêu cầu mọi người dừng lại, rồi lựa chọn chỗ đất cao để đào hố và đem tất cả hài cốt chôn xuống. Ngoài ra, họ còn dùng cành cây hoặc hòn đá để làm một bia mộ đơn giản cho những hài cốt ấy.
Nhưng người chết trên sa mạc thực sự quá nhiều, khiến cho công việc chôn cất hài cốt của họ mất rất nhiều thời gian. Tất cả những người trong nhóm khảo cổ đều phàn nàn: “Chúng ta đến đây là để khảo cổ chứ không phải là thu thập xác và chôn cất xác người chết”.
Vị đội trưởng này khăng khăng nói: “Mỗi một bộ hài cốt này, đều đã từng là người đồng hành của chúng ta, sao chúng ta có thể để họ phơi thây xác nơi hoang dã như thế này được?”
Sau một tuần lễ, nhóm khảo cổ đã phát hiện rất nhiều những di tích của người xưa, đủ để khiến thế giới khảo cổ kinh ngạc. Nhưng khi họ rời đi, thì đột nhiên phong ba bão táp nổi lên, mấy ngày mấy đêm liền đều không nhìn thấy mặt trời.
Tiếp theo đó, la bàn mà họ mang theo cũng không hoạt động được. Nhóm khảo cổ này hoàn toàn đã bị mất phương hướng, đồ ăn và nước ngọt cũng bắt đầu cạn kiệt. Lúc này, họ mới hiểu được vì sao những người đồng hành trước đây của họ đều ra đi như vậy.
Trong lúc nguy nan, vị đội trưởng đột nhiên nói: “Đừng tuyệt vọng! Lúc đến đây chúng ta có lưu lại những biển báo chỉ đường”.
Thế là họ lần theo những cành cây hay hòn đá mà lúc trước họ đã dùng để làm tấm bia mộ cho những bộ thi hài kia để tìm đường thoát ra ngoài. Và cuối cùng, nhờ vào cách đó cả nhóm họ đã thoát ra khỏi “biển chết”.
Khi tiếp nhận trả lời một cuộc phỏng vấn, những người khảo cổ này đều bùi ngùi nói: “Lương thiện, chính là biển báo giao thông mà chúng tôi đã lưu lại”.
Trên đường đời, lương thiện chính là la bàn của tâm linh, khiến chúng ta vĩnh viễn không bị mất phương hướng.
Giúp người là giúp mình, đây là giáo huấn vĩ đại nhất từ xưa đến nay. Bất luận bạn làm gì với người khác, thì người thực sự tiếp nhận kết quả tác động ấy không phải người khác mà chính là bản thân bạn.
Theo Daikynguyenvn