4 quy tắc tâm linh độc đáo của người Ấn Độ
Cuộc sống muôn hình vạn trạng, thiên biến vạn hóa. Bạn có thể từng gặp qua rất nhiều người, trải qua nhiều khoảnh khắc, nghĩ ra nhiều tình huống xử thế, nhưng với người Ấn Độ, họ nằm lòng chỉ với 4 quy tắc tâm linh sau đây:
1/ “Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp”
Không ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta một cách tình cờ và vô lý. Mỗi người chúng ta gặp gỡ và giao lưu đều mang lại cho chúng ta một giá trị nào đó. Có thể là một bài học, cũng có thể là một kinh nghiệm, hoặc một cơ hội có một không hai trong cuộc sống mà bạn không thể ngờ tới.
Bởi vậy, hãy trân trọng và biết ơn tất cả những người đã, đang và sẽ đi ngang qua cuộc đời bạn. Chính họ sẽ giúp bạn nhận ra nhiều điều tự bản thân bạn không thể hiểu hết.
2/ “Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra”
Không có điều gì chúng ta trải nghiệm lại nên khác đi cả và đừng tốn thời gian để hối tiếc về những chuyện đã qua. Từng trải nghiệm cho chúng ta những bài học khác nhau và nếu sai lầm hay vấp ngã thì hãy đứng dậy để đi tiếp.
Những gì đã xảy ra chính là những gì nên xảy ra và phải xảy ra để giúp chúng ta có được bài học, tiếp tục tiến về phía trước.
Bất kỳ tình huống nào trong cuộc đời mà chúng ta đối mặt đều tuyệt đối hoàn hảo, thậm chí cả khi nó thách thức sự hiểu biết lẫn bản ngã của mỗi người.
3/ “Chuyện gì đến, nó sẽ đến”
Mọi thứ đều bắt đầu vào đúng thời điểm của nó, không sớm hơn hay muộn hơn. Khi chúng ta sẵn sàng cho điều gì đó mới mẻ trong cuộc đời mình, thì nó sẽ lập tức xuất hiện, và bắt đầu.
Cho nên luôn chuẩn bị cho mình một tâm lý thoải mái, lạc quan để đón nhận những điều mới mẻ bạn nhé! Cuộc sống luôn cho chúng ta cơ hội thứ hai gọi là ngày mai.
4/ “Những gì đã qua, cho qua”
Quy tắc này rất đơn giản: khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã đi hết nhiệm vụ của nó. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.
Con người chỉ nên nhìn lại quá khứ để lấy động lực cho tương lai chứ đừng tự biến nó thành chiếc cần điều khiển chi phối cuộc sống hiện tại và cả tương lai của mình.
Theo QTCS