Trên nóc Tháp Rùa từng có tượng Thần Tự Do?
So với bức tượng nổi tiếng đặt ở New York thì tượng thần tự do ở Hà Nội có một số phận chìm nổi hơn nhiều.
Người Mỹ nói chung và người dân New York nói riêng coi tượng thần tự do là biểu tượng đáng tự hào của họ. Đây là tác phẩm của các nhà kiến trúc, điêu khắc Pháp thế kỷ 19. Năm 1875, chính phủ Pháp đã đặt hàng kiến trúc sư Bartholdi một bức tượng để tặng cho chính phủ Mỹ nhân kỷ niệm 100 năm ngày quốc khánh Mỹ.
Phải mất gần 10 năm, Bartholdi mới hoàn thành công trình tượng thần tự do khổng lồ với khối lượng 204 tấn này. Năm sau, tượng được đưa lên tàu chiến Mỹ đem về đặt ở cảng New York.
Tượng Thần Tự Do trên nóc Tháp Rùa do R. Duboil chụp.
Khi trao tặng tượng Thần Tự Do khổng lồ cho nước Mỹ, người Pháp có giữ lại cho mình một phiên bản nhỏ (cao 11 mét) cũng bằng đồng, đặt cạnh chiếc cầu bắc qua sông Seine. Đồng thời cũng có một phiên bản khác nhỏ hơn nữa, (chiếm tỷ lệ 1/16 của pho tượng chính, tức khoảng 2,85m). Phiên bản nhỏ nhất này đưa sang triển lãm tại Hội chợ Đấu xảo Hà Nội (nay là Cung văn hóa Hữu Nghị Việt – Xô) năm 1887.
Tượng Công lý, thường được dân gian gọi là tượng Bà Đầm Xòe
Khi làm pho tượng tặng cho nước Mỹ, Bartholdi đã khéo léo giải quyết vấn đề giãn nở của kim loại qua tấm váy lòe xòe của pho tượng. Người Hà Nội lúc ấy không quan tâm đến lịch sử của pho tượng mà chỉ gọi là tượng “Bà đầm xòe”.
Lúc đầu tượng được đặt ở vườn hoa trung tâm gần tòa công sứ (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau đó, vào năm 1891, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương muốn thay vào đó tượng Pôn Be (paul Bert) – viên cai trị đầu tiên ở Đông Dương, nên đã hạ tượng bà đầm xòe xuống.
Trong lúc còn chờ xây dựng bệ đá đặt tượng Pôn Be và tìm vị trí mới đặt tượng bà Đầm Xòe, cả hai bức tượng bị hạ xuống nằm chỏng trơ trên nền cỏ. Vì sự kiện đó trẻ con Hà Nội thời đó có câu vè châm biếm:
“Ông Pôn Be lấy bà đầm Xòe
Trước nhà kèn ò e í e”
Lúc ấy, báo chí Pháp thảo luận rất nhiều về vị trí đặt pho tượng này. Có nên đặt nó trên nóc Tháp Rùa không? Và nếu đặt thì tượng Thần Tự Do sẽ quay mặt về hướng nào? Sau nhiều cuộc tranh cãi cuối cùng chính quyền thực dân Pháp ở Hà Nội quyết định đặt tượng bà đầm xòe trên nóc tháp Rùa mà họ gọi là ngôi đền nhỏ.
Bức tượng được đặt ở đó từ năm 1891 đến 1896. Mặt tượng hướng về phía đông tức là khu vực vườn hoa Lý Thái Tổ ngày nay. Dư luận lúc đó phản đối dữ dội: đứng ở vườn hoa chưa đủ cao sao mà còn đòi lên đỉnh Tháp Rùa!
Pho tượng Thần Tự Do tại Vườn hoa Cửa Nam trước khi bị giật đổ
Cuối cùng, “Bà Đầm xòe” được chuyển đến vườn hoa Neyret phía tây hồ Hoàn Kiếm – tức là Vườn hoa Cửa Nam gần Thư viện Quốc gia để đứng đó trong nhiều năm trong sự thờ ơ của dân chúng.
Rồi đến năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, thị trưởng Thành Phố Hà Nội là bác sĩ Trần Văn Lai muốn xóa bỏ tàn tích xâm lược nên ông quyết định sửa đổi tên đường và giật đổ tất cả những tượng mà Pháp dựng lên ở Hà Nội như Thống chế Foch, tên buôn súng Jean Dupuis và đương nhiên Bà Đầm xòe không thoát khỏi số phận hẩm hiu. Trong cao trào yêu nước này, dân Hà Nội lại có dịp hát châm biếm rằng:
Bôn-be với mụ Đầm Xòe
Ta kéo chúng xuống, ta đè chúng lên !
Tượng đầm xòe vườn Neyret
Với ý tưởng đúc tượng phật Adiđà lớn nhất Việt Nam, dân làng Ngũ Xã đã quyên góp mua đồng, thu nhặt lượng đồng ở bức tượng bà đầm xòe này về gom đúc thành bức tượng nặng 16 tấn, ngự trên tòa sen.
Như vậy là hiện nay bức tượng nữ thần tự do đang nằm trong pho tượng phật Adiđà với gương mặt rạng ngời như cảm thông, luôn muốn cứu vớt những nỗi đau trần thế tại chùa của làng Ngũ Xã. Sự “hoá thân” âu cũng là hòa quyện của hai nền văn hoá Đông – Tây.