Rờn rợn những câu chuyện lúc nửa đêm
Chị trở thành một kẻ tội nghiệp trong mắt mọi người, còn mọi người chẳng ai dám chia sẻ hay nghe chị nói dù chỉ 1 điều.
Lý giải về chứng bệnh mộng du, PGS.TS Cao Tiến Đức, Trưởng Bộ môn Tâm thần, Viện 103, Học viện Quân y nói: “Người ta vốn cho rằng tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc, sốt, ốm đau triền miên, thiếu ma-giê, trào ngược thực quản, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin là những nguyên nhân có thể gây ra tình trạng mộng du”.
Tuy nhiên, theo ông Đức, các yếu tố khác cũng được nhiều chuyên gia tâm thần đề cập đến nữa là lúc đi ngủ bàng quang đầy nước tiểu, ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng, bị stress… cũng có thể dẫn tới tình trạng mộng du.
Suýt bị bỏ vì đánh vợ lúc “ngủ”
Hai vợ chồng chị Xuân M và anh Phan T vốn được coi là một gia đình kiểu mẫu của xóm. Dù đã có với nhau 2 mặt con, nhưng tình cảm của hai người vẫn như đôi vợ chồng son. Ngày ngày, anh T chở chị M đi làm, chị em phụ nữ trong cơ quan ai nấy đều ganh tị với M.
Ngay bản thân Xuân M cũng cảm thấy mình thật may mắn khi có được người chồng như Phan T. Và chị càng cố gắng làm thật tốt việc nhà, chăm sóc chồng con, họ hàng chu đáo. Là một người vợ, chị thật không có gì đáng chê trách.
Thế nhưng, có lần chị đã phải dùng tối đa ba ngày nghỉ để ở nhà. Đến ngày thứ tư, chị đành phải vác một bộ mặt sưng u đến cơ quan. Khác với mọi ngày, hôm nay chị đến cơ quan có một mình, đi chiếc xe máy nổ bình bịch vì lâu ngày không dùng tới. Ai cũng ngạc nhiên với khuôn mặt không còn thần sắc, lại thêm những cục u to tướng tự dưng mọc lên, hỏi thì chị chỉ bảo là ngã cầu thang. Nhưng ai cũng đều hiểu rằng, nếu ngã thì cũng không đến nỗi vậy.
Những lời xì xào, bàn tán vào ra. Chị Xuân M như từ thiên đàng xuống địa ngục, khi những ánh mắt e ngại, thương cảm của đồng nghiệp dành cho chị. Họ nói chị đúng là nạn nhân của những vụ bạo hành mà người chồng vô nhân tính luôn dành cho vợ họ.
Thấy chồng quờ quạng trong đêm tối, lần từng bước ra cửa, chị chạy đến bên chồng, cố lay lay người nhưng đáp lại lời vợ, lại là một cú tát trời giáng vào mặt chị. (Ảnh minh hoạ)
Chị trở thành một kẻ tội nghiệp trong mắt mọi người, còn mọi người chẳng ai dám chia sẻ hay nghe chị nói dù chỉ 1 điều. Đơn giản vì họ nghĩ rằng nên để chị tĩnh tâm lại một thời gian. Đối với chị, đây rõ ràng là một cú sốc khá lớn khi ngày tháng hạnh phúc như mơ đã không còn. Chị chỉ băn khoăn một điều tại sao chồng chị lại không nhớ gì khi đã “ra tay” với chị như vậy. Chỉ sau một đêm, tất cả như phủ lên cuộc đời chị một màu đen tuyệt vọng.
Đó là trong một đêm, cả hai vợ chồng đang say giấc nồng, anh Phan T bỗng trở mình thức dậy. Cứ quờ quạng trong đêm tối, lần từng bước ra cửa. Chị Xuân M thấy chồng mình có dáng “khả nghi”, tưởng anh định làm gì “vụng trộm” bèn hỏi: “Anh đi đâu vậy?”.
Nhưng anh dường như không nghe thấy gì, cứ thẳng hướng cửa mà đi. Chị M cũng hỏi đi hỏi lại, nhưng câu trả lời vẫn là sự im lặng. Thấy thế, chị M chạy đến bên chồng, cố lay lay người để hỏi cho bằng được. Nhưng, đáp lại, lại là một cú tát trời giáng vào mặt chị.
Từ trước đến nay, vợ chồng chị dù có giận nhau, cãi nhau tới mấy thì cũng chưa bao giờ phải “dùng đến tay chân”. Lần này, không va chạm, không mâu thuẫn, mà anh lại “ra tay” đánh thẳng vào mặt vợ mình.
Không tin vào điều mình vừa trải qua, chị tưởng mình nằm mơ. Quá tức tối với hành vi của chồng, chị mang chăn màn sang phòng khác ngủ, bỏ mặc anh chồng ở lại. Mỗi người một phòng, được một lúc thì căn nhà lại yên ắng trở lại.
Chị Xuân M đã định bụng sáng mai sẽ giận dỗi, không đả động gì đến chồng nữa. Nhưng vẫn như mọi ngày, anh vẫn hồ hởi dắt xe, xách đồ cho vợ ra xe trước. Tư thế rất sẵn sàng, chỉ cần chờ vợ ngồi lên là phóng xe luôn. Anh ngạc nhiên đến “há miệng” khi thấy vợ từ từ dắt chiếc xe bắt đầu có dấu hiệu cũ kĩ ra ngoài cổng. Ngạc nhiên hơn là trên mặt vợ lại xuất hiện vết bầm tím, và sưng. Anh chỉ biết đứng nhìn vợ phóng xe đi mất, cũng chẳng kịp chào, chẳng kịp hỏi xem có lí do gì đặc biệt không?.
Nhưng chị không đi làm mà xin nghỉ cơ quan. Ở lì nhà một người bạn mất mấy hôm, trong khi anh chồng ở nhà cứ ngơ ngác không biết mình đã làm sai điều gì. Phải đến khi cô bạn vợ anh kể đầu đuôi sự tình, anh mới tá hỏa. Rối rít thanh minh với vợ về chứng bệnh của mình. Sau đó anh phải dẫn chị cùng đến phòng khám tư vấn, chị M mới chịu tin lời. Sau lần đó, mỗi khi xuất hiện căn bệnh ấy ở chồng, chị chỉ dám đi theo, đề phòng anh có làm gì nguy hiểm không.
Chỉ muốn chơi đồ hàng lúc đang ngủ
Dù nhà đã thuê người trông nom con nhỏ, nhưng vợ chồng anh Hoàng H và chị Thanh T vẫn không có lấy chút thời gian nghỉ ngơi. Đi làm sớm, tối về lại cùng nhau chăm sóc cho con. Thời gian một ngày cảm giác trôi đi quá nhanh, ở bên con thì ít mà bên công việc thì nhiều. Tất cả đều trông chờ vào bà cô giúp việc.
Nếu không biết trước, triệu chứng của bệnh mộng du sẽ khiến nhiều người hoảng sợ trong đêm.
Có đêm, chị Thanh T phải thức đêm làm nốt việc, để sáng mai trình lên sếp. Đang lọ mọ đi tìm cốc sữa uống lấy sức và cho tỉnh táo, chị bất ngờ khi thấy con mình đi lò dò từ phòng ngủ ra phòng khách. Tưởng con bé “bám” mình, chị đứng yên quan sát xem con sẽ làm gì. Cô bé lục lọi khắp phòng khách, tìm đồ gì đó rất chăm chú. Ánh mắt, đôi tay, hướng nhìn, tất cả đều dừng lại ở rỏ đựng đồ chơi đồ hàng.
Bé cứ thế soạn từng thứ ra sàn nhà, ngồi nghịch như thể nó vẫn chơi hàng ngày. Băn khoăn không hiểu vì sao con mình lại đi chơi đồ hàng giữa đêm hôm, chị T lại gần hỏi thì bé không nói gì. Bé vẫn mải mê “nấu nướng” với những món hàng hấp dẫn.
Mẹ có hỏi, quát mắng đến đâu, bé cũng kệ. Đến khi mẹ vỗ vỗ vào con, định bế nó vào phòng ngủ thì nó giãy giụa, khóc lóc. Thậm chí là đánh lại mẹ. Bản thân nó cũng không biết đó là mẹ nó hay một ai khác.
Sáng hôm sau, trong bữa cơm, chị Thanh T đã thẳng thắn trao đổi với con gái mình rằng hành động, thái độ tối qua là không ngoan. Tuy nhiên, con gái chị lại khẳng định rằng nó vô tội, vì “tối qua con ngủ mà”. Đoán là nó đang cố tình lảng tránh, hoặc không thú nhận, chị liền cho nó xem vết cào trên mặt, rồi cho nó thấy rằng đây chính là “chiến tích” mà nó đã để lại. Dù gì thì nó vẫn không chịu thừa nhận, chị T cũng đành chịu, buộc lòng phải bỏ qua cho con.
Đến lần thứ hai, chị không quên gọi cả chồng ra xem, nhưng kết quả vẫn chỉ có một. Nó vẫn không hề nhớ rằng mình đã làm gì, còn khẳng định chắc chắn rằng ngủ rất say và ngoan. Cả hai anh chị cùng nhìn nhau lo lắng, rồi quyết định đưa con gái mình đi khám xem có vấn đề gì không. Thật may, đó chỉ là biểu hiện thông thường của bệnh mộng du.
Hiện nay, trên thế giới người ta lại cho rằng mộng du là một dạng động kinh đặc biệt. Chỉ cần ghi lại các hành động của người bệnh bất cứ lúc nào phát bệnh, sau đó dựa vào kết quả sẽ biết được hoạt động của vỏ não rồi mới tiến hành điều trị. PGS.TS Cao Tiến Đức cũng cho biết thêm, ở Việt Nam, hầu hết các trường hợp đến bệnh viện điều trị đều được chữa khỏi. Có rất nhiều phương pháp điều trị, tùy thuộc vào từng lứa tuổi, từng biểu hiện của bệnh nhân. Quan trọng là rất cần ý thức của bệnh nhân và gia đình về căn bệnh, tránh những hành động đáng tiếc xảy ra.