Nữ sinh Việt sẽ báo cáo trước nội các Nhật Bản
Là trưởng nhóm thảo luận của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2015, chủ nhân dự án ‘Phao trong lũ’, Thục Huyền sẽ trình bày báo cáo trước nội các Nhật Bản và đại biểu 10 nước khác.
Trần Thị Thục Huyền là một trong 4 đại diện của Việt Nam tham dự chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức năm 2015 tại Mỹ. Ảnh: NVCC.
Trần Thị Thục Huyền (22 tuổi) vừa tốt nghiệp loại giỏi khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Những năm đầu đại học, em từng nhận học bổng của Hội đồng Anh, là một trong 20 đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn môi trường dành cho sinh viên ASEAN 2012 diễn ra ở Nhật Bản.
“Đây là dấu mốc rất quan trọng, làm thay đổi con người em. Lúc mới vào đại học, em khá lười nhưng sau khi gặp gỡ bạn bè các nước, thấy ai cũng hiểu biết, giỏi giang… em quyết tâm phải phát triển, nâng tầm bản thân“, Thục Huyền nói.
Trần Thị Thục Huyền (22 tuổi), tốt nghiệp loại giỏi Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM. Ảnh: NVCC.
Trở về Việt Nam, Thục Huyền tích cực học tập, hoạt động ngoại khóa. Em tham gia nghiên cứu khoa học và đạt giải Ba cấp trường, giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Anh do Đại sứ quán Anh tổ chức; vượt qua vòng nộp hồ sơ, phỏng vấn để được tham dự Diễn đàn phát triển thanh niên quốc tế tại Tokyo (Nhật Bản).
Tháng 9/2014, Thục Huyền vượt qua vòng tuyển chọn với hàng trăm ứng viên để được Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM nhận làm thực tập sinh tại Phòng Văn hóa thông tin. Em cùng 7 sinh viên khác hỗ trợ quản lý thư viện, tư vấn du học và đôi khi làm thông dịch viên cho sự kiện tiếp khách của Tổng lãnh sự quán.
“Em được gặp gỡ, làm việc với những nhân vật mà trước đây chưa từng nghĩ có cơ hội tiếp xúc như bà Tổng lãnh sự Rena Bitter, đại sứ Mỹ Ted Osius… Là lãnh đạo cao cấp, nhưng họ có cách làm việc khiến chúng em cảm thấy được tôn trọng, vừa chân thành, thẳng thắn lại thân thiện“, nữ sinh chia sẻ.
8 tháng thực tập ở Tổng lãnh sự quán Mỹ, Huyền học được tác phong làm việc thân thiện, nghiêm túc mà hiệu quả. Mùa hè năm 2015 khi đang hoàn tất khóa luận tốt nghiệp, em lại xách balo tham dự chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á tại Mỹ do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức. 5 tuần học tập với các giáo sư, nghị sĩ về vấn đề liên quan đến môi trường, sinh hoạt cùng 20 sinh viên xuất sắc từ 5 nước Đông Nam Á khiến nữ đại diện của Việt Nam thấy rất thích thú.
“Cuộc sống ở ký túc xá Đại học Montana rất thanh bình. Hàng ngày chúng em được thấy hươu, nai thong dong dạo chơi quanh khuôn viên trường, phía sau là ngọn núi nơi các thành viên tham gia chương trình rất thích được leo lên. Chúng em có những ngày đến với trang trại ngựa, học cách cho ngựa ăn, chải lông và cưỡi ngựa“, em kể.
Thục Huyền (thứ hai từ trái qua) là thực tập sinh Phòng Văn hóa thông tin của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Ảnh: NVCC.
Tại chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á, Huyền cùng 3 sinh viên đại diện của Việt Nam đã lập một dự án cộng đồng mang tên “Phao trong lũ”. Dự án cung cấp cặp phao cứu sinh, tập huấn kỹ năng cấp cứu căn bản và chuẩn bị trước bão lũ… cho nhân dân vùng thường xuyên phải đối mặt với thiên tai. Điểm đặc biệt của dự án này là sinh viên đã thiết kế và làm thành công 2 vườn nổi bằng cách ghép thân tre rồi đặt thùng xốp trồng rau bên trên để khi lũ dâng lên, rút xuống, người dân vẫn có thực phẩm sạch sử dụng.
Với ý nghĩa thiết thực và có tính khả thi cao, dự án đã thu hút được sự quan tâm, hỗ trợ tài chính 2.000 USD (khoảng 45 triệu đồng) từ chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ. Tháng 9 vừa qua, dự án được triển khai tại xã nghèo giáp biển Bình Nam (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam).
Trong chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản, dự án “Phao trong lũ” của Thục Huyền xuất sắc được chọn làm “Báo cáo quốc gia”. Cựu sinh viên Khoa Quan hệ quốc tế với vai trò trưởng nhóm thảo luận đoàn Việt Nam, sẽ trực tiếp trình bày báo cáo trước thành viên nội các Nhật Bản và đại biểu 10 nước khác.
“Đây là dự án nhỏ nhưng khá mới và đặc biệt do chính các sinh viên Việt Nam thực hiện nên em nghĩ nó mang ý nghĩa lớn, thể hiện được sự sáng tạo, hiểu biết và quan tâm của người trẻ đến các vấn đề của quốc gia, quốc tế. Qua những lần tập luyện và được sự góp ý của anh chị trong đoàn, em tự tin sẽ thể hiện tốt báo cáo này trước lãnh đạo cấp cao Nhật Bản và bạn bè các nước“, Thục Huyền nói.
Em cho biết, đã sẵn sàng sức khỏe, tâm lý để trải nghiệm hải trình gần 2 tháng tới các nước Nhật Bản, Philippines, Lào, Myanmar, Malaysia. Cũng trên tàu thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản này, nữ sinh Việt Nam sẽ thể hiện tài đánh đàn tranh mà em yêu thích và đã theo học 4 năm.
“Huyền có khả năng học tập xuất sắc, năng động và tố chất lãnh đạo. Không chỉ hoàn thành tốt yêu cầu giảng viên đưa ra đối với các bài thuyết trình, bài luận ngắn trong môn học, em còn luôn ý thức tự học, nâng cao kiến thức“, Th.s Chu Duy Ly có 4 năm giảng dạy và hướng dẫn khoa học cho Thục Huyền nói.
Cựu giảng viên khoa Quan hệ quốc tế vẫn ấn tượng với nữ sinh nhỏ nhắn thường xuyên làm phiền mình để hỏi bài, trong giờ lên lớp hay đặt câu hỏi mở rộng vấn đề. Thầy cũng đánh giá cao khả năng tiếng Anh của Thục Huyền khi suốt 4 năm luôn có tên ở lớp tiếng Anh trình độ tốt nhất của Khoa (khóa 2011-2015).
Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản (The Ship for South East Asian and Japanese Youth Program – SSEAYP) là chương trình thường niên (từ năm 1974) được chủ trì bởi Chính phủ Nhật Bản cùng sự tham gia và hợp tác tích cực của Chính phủ 10 quốc gia ASEAN. Năm 1996, Việt Nam chính thức tham gia SSEAYP và đã tham dự 20 trong tổng số 42 hải trình của chương trình. Tham dự SSEAYP 2015, Việt Nam có 28 đại biểu ưu tú. Để được lựa chọn, các ứng viên phải nộp hồ sơ từ tháng 5, trải qua hai vòng loại và phỏng vấn trực tiếp. Yêu cầu quan trọng nhất đối với ứng viên là khả năng ngoại ngữ thành thạo, các năng khiếu về giao tiếp, văn nghệ, hoạt động tập thể… Đoàn đại biểu Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2015 sẽ có 10 ngày hoạt động tại Nhật Bản và 41 ngày hải trình quốc tế trên con tàu Nippon Maru. Tàu lần lượt cập bến 5 quốc gia: Nhật Bản, Philippines, Việt Nam, Lào, Myanmar và Malaysia. Tại đây các đại biểu thanh niên sẽ có một số hoạt động đối ngoại như: Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo Trẻ Nhật Bản – ASEAN; Chào xã giao và tặng quà lưu niệm tới Lãnh đạo các quốc gia mà tàu ghé thăm; triển lãm giới thiệu văn hóa, sản phẩm quốc gia; Báo cáo Quốc gia (Contingent Report) về một dự án xã hội có đóng góp tích cực cho cộng đồng; Thảo luận nhóm (Discussion Group) về các hoạt động đóng góp của thanh niên với 8 nhóm chủ đề: Thực phẩm và Dinh dưỡng, sức khoẻ, quan hệ Quốc tế… Sáng 27/10, đoàn đại biểu Việt Nam lên đường tham dự Tàu Thanh niên Đông Nam Á – Nhật Bản 2015. |
Theo Vnexpress