Tìm thấy hóa thạch rùa mũi lợn 76 triệu năm
Các nhà nghiên cứu phát hiện hóa thạch của một loài rùa cổ đại có chiếc mũi giống lợn, sống cùng thời với khủng long bạo chúa, ở Utah, Mỹ.
IB Times hôm 21/10 đưa tin, sinh vật mới phát hiện có tên Arvinachelys golden, sống cách đây 76 triệu năm và được coi là loài rùa kỳ lạ nhất từng xuất hiện trên Trái Đất do hình dáng chiếc mũi giống với mũi lợn.
Loài rùa mũi lợn đã tuyệt chủng này dài khoảng 0,6 m, có chiếc mai thuôn dài rất lý tưởng để sống ở những dòng sông. Nó còn sở hữu chiếc mũi rộng với hai lỗ mũi tạo thành từ hốc xương và phần thịt ngăn cách ở giữa. Tất cả những loài rùa khác chỉ có duy nhất một lỗ mũi.
Tên khoa học của rùa mũi lợn lấy từ tiếng Latinh, chữ “arvina” có nghĩa là mỡ lợn hoặc thịt lợn muối trong khi “chelys” chỉ rùa. Nhiều hóa thạch rùa cổ đại chỉ có xương sọ tách rời hoặc mai và hiếm trường hợp bao gồm cả hai. Tuy nhiên, rùa mũi lợn được tìm thấy với xương sọ, mai, chi trước gần như hoàn chỉnh, một phần chi sau và xương sống từ cổ đến đuôi.
Joshua Lively, nhà nghiên cứu tại Đại học Texas ở Austin, Mỹ, đã công bố các phát hiện trên Tạp chí Cổ sinh vật có xương sống. Việc tìm ra rùa mũi lợn sẽ giúp lấp đầy những lỗ hổng trong họ hàng của loài rùa.
Hóa thạch rùa mũi lợn được các nhà khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Utah tìm thấy ở Đài tưởng niệm Grand Staircase-Escalante. Khu vực này chứa rất nhiều xác động vật hóa thạch. Ở thời kỳ Arvinachelys sinh sống, phía tây Bắc Mỹ là một đảo lục địa lớn tên Laramidia, với biển trải dài từ Bắc cực đến Vịnh Mexico, chia tách Laramidia và khu vực đông Bắc Mỹ.
Theo tienphong.vn