Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini: Mảnh đất màu mỡ chia đều cho tất cả
Mô hình siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi thâm nhập vào Việt Nam từ lâu. Trong khi người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu hướng tới sự tiện lợi và nhanh chóng, thì nguồn cung trên thị trường vẫn đang còn rất khiêm tốn…
Tính đến hết 2014, Việt Nam có 348 cửa hàng tiện lợi và hơn 1.400 siêu thị mini đang hoạt động. Số lượng cửa hàng của 2 mô hình này đã tăng gấp đôi so với năm 2012. Tuy nhiên, so với 1 triệu điểm bán lẻ truyền thống thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn.
Các cửa hàng thuộc hai mô hình này bày bán khá nhiều sản phẩm giống nhau, có chung cách thức phục vụ, và được đặt trên khắp các góc phố tại các thành phố lớn. Mặc dù vậy, vẫn có những điểm khác biệt giữa hai loại cửa hàng này.
Mỗi cuối tuần, chị Thùy Linh – một nhân viên văn phòng tại Hà Nội lại cùng gia đình đến siêu thị Big C để mua sắm những mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, xà phòng, mỳ gói… Do lịch làm việc hằng ngày của công ty yêu cầu phải có mặt từ 7 rưỡi sáng, nên chị cũng tranh thủ mua sẵn thực phẩm tại đây để phục vụ cho nhu cầu ăn uống của gia đình trong một tuần.
Tuy nhiên, thời gian gần đây Linh cho biết chị đã không còn phải tích trữ thực phẩm cho cả tuần như trước nữa. “Hết giờ làm, tôi chỉ cần tạt qua siêu thị mini trên đường về nhà là mua được đồ tươi về chế biến cho bữa tối”. Nhà chị nằm ở tuyến đường trung tâm, nên cứ cách một dãy phố lại có sẵn một siêu thị mini.
Khác với chị Linh, anh Quốc Dũng cũng có thói quen mua sắm ở siêu thị mini nhưng là vì lý do khác. Vì chưa lập gia đình, lại sống tự lập trên thành phố nên anh phải tự lo hết tất cả mọi việc từ mua sắm thực phẩm đến nấu nướng. “Tôi không dám mua đồ ngoài chợ vì sợ không biết mặc cả. Mua đồ ở siêu thị mini tiện lợi và yên tâm hơn, giá thì cũng tương đương mua ở siêu thị lớn”.
Thực tế thời gian gần đây, số lượng người tiêu dùng chuyển sang mua sắm tại các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini đã tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay hướng tới những yếu tố như giá cả ổn định, nhanh chóng, thân thiện và tiện lợi hơn.
Mảnh đất màu mỡ
Trong khi mức tăng trưởng hệ thống cửa hàng của các siêu thị và đại siêu thị là 6% so với năm ngoái, thì mức tăng trưởng của các siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi lên tới 76%. Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu có những bước đi nhanh chóng thâm nhập vào thị trường màu mỡ này.
Điểm mặt những chuỗi cửa hàng tiện lợi đã xuất hiện tại Việt Nam từ nhiều năm qua, có thể kể ra những cái tên như Shop&Go, FamilyMart, B’sMart, Circle K, Ministop…, số lượng điểm bán của những thương hiệu này vẫn đang tăng mạnh.
Trong số các chuỗi cửa hàng kể trên, Circle K đang là chuỗi có độ phủ lớn nhất. Ba năm trước, chuỗi này mới chỉ có 20 cửa hàng nhưng hiện nay đã tăng lên hơn 110 cửa hàng. Circle K lên kế hoạch sẽ đạt đến 500 cửa hàng trên toàn quốc vào cuối năm 2017.
FamilyMart, cho đến thời điểm hiện tại đã phát triển được hơn 70 điểm bán. Mục tiêu của công ty là đến hết năm 2015 sẽ có 100 cửa hàng và khoảng 800-1.000 cửa hàng vào năm 2020.
Đối với siêu thị mini, trong số những cái tên đáng chú ý có Co.op Food, Satra Foods, Hapro Food,…và sắp tới đây là sự góp mặt của một cái tên “tuy lạ mà quen” là Thế Giới Di Động.
Ông lớn bán lẻ đồ điện tử & điện máy này cũng bày tỏ tham vọng lấn sân sang mảng bán lẻ thực phẩm, bằng việc mở “thăm dò” 50 siêu thị mini tại Tp.HCM trong 2 năm tới. Theo các chuyên gia trong ngành, tham vọng của TGDĐ là rất lớn khi đặt ra con số 6.000-8.000 cửa hàng sẽ đạt được, cũng chỉ sau 3 đến 5 năm nữa.
Ông Trần Kinh Doanh – CEO Thế Giới Di Động cho biết tổng quy mô thị trường điện thoại và điện gia dụng là khoảng 6-7 tỉ USD/năm, còn hàng tiêu dùng thiết yếu thì phải từ 20-30 tỉ USD. “Chỉ cần chiếm 10% thị phần bán lẻ thực phẩm là chúng tôi có thể kiếm được nhiều hơn kinh doanh điện thoại, tivi các loại”.
Ngoài ra, sân chơi này còn chờ đón sự xuất hiện của 7-Eleven, chuỗi cửa hàng tiện lợi đình đám đến từ Nhật Bản. Theo kế hoạch, cửa hàng đầu tiên sẽ mở tại TP.HCM vào 2017, và trong vòng 10 năm, dự kiến số cửa hàng 7-Eleven sẽ đạt mốc 1.000.
7-Eleven hiện đang sở hữu hệ thống 56.400 cửa hàng trên toàn cầu. Sự xuất hiện của “tay chơi” này đánh dấu sức hút của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với những thương hiệu lớn tầm cỡ thế giới.
Miếng bánh chia đều cho tất cả
Với các doanh nghiệp, bài toán đầu tư vào cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có lợi thế hơn hẳn so với đầu tư vào siêu thị truyền thống. Trong khi một siêu thị chuẩn cần mặt bằng trên dưới 10.000m2 với số vốn lên tới vài trăm tỷ đồng, thì mở một siêu thị mini đơn giản hơn rất nhiều.
Lãnh đạo của một chuỗi cửa hàng tiện lợi cho biết, để đầu tư một cửa hàng tiện lợi chỉ cần bỏ số vốn trên dưới 1 tỷ đồng, và không cần phải có mặt bằng lớn, diện tích chỉ cần từ 50 – 200m2. Số lượng mặt hàng không quá lớn nên việc quản lý không tốn nhiều thời gian và công sức.
Ngoài ra, thời gian thu hồi của mô hình cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini là khá nhanh.“Trong trường hợp kinh doanh không thuận lợi, chủ đầu tư có thể dễ dàng đóng cửa hàng để chuyển sang một địa điểm kinh doanh tốt hơn”.
Theo thống kê hiện nay, cứ 69.000 người dân Việt Nam mới có 1 cửa hàng tiện ích, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 21.000 người, Hàn Quốc là 1.800 người. “Chúng ta không so sánh với Hàn Quốc, nhưng nếu nhìn vào tỷ lệ của Trung Quốc thì thấy rằng, số lượng cửa hàng tiện ích của Việt Nam phải tăng gấp 3 lần nữa”, bà Nguyễn Hương Quỳnh – Giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam từng khẳng định.
So với năm 2012, số lượng cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đã tăng gấp đôi trong năm 2014, từ 147 cửa hàng lên 348 cửa hàng. Song song với đó, chuỗi các siêu thị mini cũng tăng từ 863 điểm lên đến 1.452 điểm bán trong năm 2014. Tốc độ tăng trưởng này tuy ấn tượng, nhưng vẫn còn khiêm tốn hơn rất nhiều nếu so với con số hơn 1 triệu điểm bán lẻ truyền thống ở Việt Nam.
“Quy mô thị trường Việt Nam sẽ lớn hơn Thái Lan và trong 10 năm nữa, số lượng cửa hàng có thể đạt con số 15.000 trên toàn quốc“, ông Kigure Takahiko – Giám đốc Điều hành chuỗi FamilyMart đưa ra dự báo.
Như vậy, dư địa phát triển của thị trường còn rất lớn, cộng với thói quen tiêu dùng của người Việt đang có sự thay đổi nhanh chóng, rõ rệt khiến mô hình bán lẻ hiện đại này trở thành mảnh đất vô cùng tiềm năng.
Và cơ hội vẫn đang được chia đều, cho tất cả các doanh nghiệp.
Theo cafebiz.vn