Những loài thực vật kỳ dị nhất hành tinh
Có loài cây chỉ mọc đúng hai lá trong suốt cuộc đời và chỉ cần 8 ml nước mỗi năm.
Được biết đến với cái tên mỹ miều là Chiếc bẫy của thần Vệ nữ, Dionaea muscipula là một trong số 670 loài cây ăn thịt được phát hiện. Loài cây này hấp dẫn nhện và các loại côn trùng. Một khi chúng đã lọt vào “miệng” cây và tiếp xúc với những sợi tơ nhỏ bên trong, “miệng” lập tức đóng lại. Nếu con mồi may mắn thoát được, cây lại mở “miệng” ra sau khoảng 12 giờ. Khi con mồi bị nhốt bên trong, chúng càng cố gắng giãy giụa để thoát ra thì “miệng” cây đóng càng chặt cho đến khi tiêu hoá xong con mồi.
Wolffia angusta hay còn gọi là bèo tấm rễ, là một trong những loài thực vật nhỏ nhất Trái đất. Tổng cộng có đến 38 loài Wolffia, trong đó, 9 loài được xếp hạng nhỏ nhất trong giới thực vật. Nó rất nhỏ, cỡ 0.25 mm, đến nỗi cả chục cây Wolffia angusta có thể xếp gọn trên đầu cây kim. Nếu tìm thấy hai cây đang trong độ nở hoa, bạn có thể xếp chúng gọn gàng trong chữ “o”.
Loài cây này sống trên mặt nước và không có rễ. Bởi vậy, nhìn thoáng qua, bạn có thể lầm tưởng chúng là một đám bột ngô. Chúng sống tập trung lại cùng nhau và thậm chí là kết hợp cùng các loài cây tương tự khác cũng sinh sống trên mặt nước.
Bèo tấm rễ sống ở châu Á, nơi nhiều người sử dụng chúng như thức ăn. 40% giá trị dinh dưỡng của nó là đạm thực vật giống như đậu nành.
Thạch lan (Lithops Julii) là loài cây kỳ lạ sinh trưởng nhiều ở Nam Phi. Chúng phát triển mạnh trong môi trường khô nóng. Theo tiếng Hy Lạp, lithops nghĩa là giống như đá. Do đó, cây này còn được gọi là Đá sống hay Hoa sỏi.
Loài cây này có vẻ ngoài rất giống hòn đá. Trong khi những loài thực vật khác có màu xanh lá cây hoặc vàng, thì Lithops có màu kem, xám, nâu với một số đốm đỏ. Những màu sắc này giúp chúng nguỵ trang và hoà vào màu sắc của đất đá xung quanh nơi nó sinh trưởng.
Hoa của loài cây này trông giống hoa cúc với những cánh trắng dài, nhuỵ hoa ngả vàng và chỉ nở vào mùa thu.
Để sinh tồn, loài nào cũng cần nước và thức ăn. Tuy nhiên, với Welwitschia mirabilis – cây hoá thạch sống, chỉ cần khoảng 8 ml nước là đủ cho cả năm. Một phần nước này đến từ mưa, phần khác là từ sương.
Tình trạng sống thiếu nước lý giải tại sao hình dáng cây này trông khô héo, xù xì, xám xịt như đất. Loài cây này chỉ mọc đúng hai lá trong suốt cuộc đời. Những chiếc lá có độ dài lên đến 4 m thường tự chia tách khi chúng mọc dài ra, khiến nhiều người tưởng là cây này có nhiều lá. Với tuổi thọ kéo dài 1.000-2.000 năm, loài cây này được mệnh danh là hoá thạch sống.
Cây được nhà thực vật học Friedrich Welwitsch phát hiện vào năm 1859, do đó tên của ông được đặt cho loài cây này. Chúng sinh trưởng ở Angola và Namibia. Cây Welwitschia lớn nhất hiện nay có độ cao 1,4 m và lá dài gần 4 m.
Cây súng nia hay sen vua (Victoria amazonica) là loài lớn nhất trong họ Súng. Lá của nó có thể chịu được sức nặng của một người nặng 100 kg. Rễ của nó dài đến 8 m. Đường kính lá và hoa có thể lên đến 3 m.
Loài cây kỳ lạ này không chỉ có kích thước khổng lổ mà hoa của nó còn biết đổi màu. Trong đêm đầu tiên hoa nở, nó có màu trắng tinh khiết. Sang ngày tiếp theo hoa chuyển sang hồng. Dù rất đẹp nhưng loài cây này lại có gai nhọn bao phủ toàn bộ trừ hoa, rễ và lá.
Loài cây này sinh trưởng ở vùng trũng sông Amazon, và được mang đến châu Âu năm 1837. Loài hoa súng khổng lồ này có tên khoa học được đặt theo tên nữ hoàng Victoria. Tại Việt Nam, bạn cũng có thể xem và thậm chí ngồi lên trên lá sen này.
Sống ở vùng nam châu Phi, Hydnora africana, một loài cây ký sinh, ra hoa với một thứ mùi thối giống phân nhưng chính nó lại giúp cây sinh tồn.
Thứ mùi này hấp dẫn bọ hung và các loại bọ ăn xác chết. Chúng sẽ sập bẫy và chỉ có thể thoát ra nếu cái cây mở “miệng”. Loài cây này mọc dưới đất, chỉ có những bông hoa màu thịt vươn lên.
Loài thực vật này được mô tả lần đầu vào năm 1658, cao khoảng một mét, lá dài 18 cm ôm lấy một bông hoa rỗng bên trong. Bông hoa này chứa đầy chất lỏng do chính cây sinh ra. Cây dùng nước để dụ các loài động vật có vú uống và nhấn chìm con mồi.
Mỗi bông hoa đều có một cái nắp đậy. Có bông ở trên cao, có bông mọc sát mặt đất. Đối với côn trùng, loài cây này còn đáng sợ hơn Bẫy của thần Vệ nữ, bởi ngoài nhện, côn trùng, bọ cạp, rết, loài cây này còn bắt cả thằn lằn, ếch, chuột và ốc.
Hoa rồng gồm một cái mo dài (như mo cau), trong có nhuỵ thanh mảnh màu đen hoặc tím, được ví như con rồng ẩn trong cái mo. Cây sống ở vùng Balkans, đảo Crete, Hy Lạp và quần đảo Aegean.
Hoa rồng còn gọi là hoa huệ thối bởi nó có mùi khó chịu giống như mùi thịt thối, dùng để thu hút các loại côn trùng. Đây là một giống cây khoẻ mạnh, sinh trưởng nhanh. Mỗi cây có thể ra đến 40 hoa một lúc.
Loài hoa này không nổi tiếng vì vẻ đẹp hay hương thơm mà bởi kích thước của nó. Nó thực sự hiếm vì không thể trồng nhân tạo. Giống hoa rồng, loài này cũng có mùi thịt thối và thu hút côn trùng đến thụ phấn. Bông hoa khổng lồ nặng đến 10 kg và rộng một mét, có 5 cánh dày màu cam hoặc đỏ.
Cây được đặt theo tên Sir Stamford Raffles, người có công lớn trong việc xây dựng Singapore. Loài này mọc ở rừng mưa nhiệt đới Borneo, Sumatra ở Indonesia. Cây phải mất một thời gian dài để phát triển và ra hoa, và bông hoa chỉ nở trong vài ngày.
Trong tiếng Latin, amorphos nghĩa là méo mó, phallus nghĩa là dương vật, và titan nghĩa là lớn. Ghép các từ này sẽ có được tên của loài hoa đứng đầu danh sách những loài thực vật kỳ lạ nhất thế giới, Amorphophallus Titanum.
Nó còn có tên khác là hoa xác thối. Bởi nó toả ra một thứ mùi giống hệt xác chết phân hủy. Cây này khởi nguồn ở rừng mưa Sumatra, hiện nay nó đã được gây giống và trồng ở khắp nơi trên thế giới.
Cây thường cao khoảng ba mét, trông giống cây thủy vu (calla lily) với một nhuỵ mọc chính giữa hoa. Cũng như các họ hàng hoa thối khác, loài này thu hút bọ hung và các loại bọ ăn xác chết.
Theo Vnexpress/Toptenz