Kịch bản đen tối cho giá dầu: 20 USD/thùng
Goldman Sachs cho biết, mức dư thừa dầu toàn cầu là lớn hơn những gì mà ngân hàng đầu tư này nhận định trước đây, đồng thời dự báo giá dầu có thể giảm còn 20 USD/thùng.
Theo hãng tin Bloomberg, tuy dự báo này không phải là kịch bản chính, Goldman Sachs cho rằng việc các nhà khai thác không giảm sản lượng đủ nhanh để cứu giá có thể sẽ khiến giá dầu phải giảm về gần mức 20 USD/thùng để lấy lại cân bằng giữa nguồn cung và nhu cầu.
Cùng với nhận định này, Goldman Sachs cắt giảm dự báo giá dầu Brent và WTI trong năm 2016. Theo Goldman Sachs, tình trạng dư thừa dầu sẽ còn tiếp diễn do Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) tiếp tục tăng sản lượng và nguồn cung dầu ngoài OPEC không suy suyển, trong khi nhu cầu tiêu thụ dầu giảm tốc.
“Thị trường dầu lửa thừa cung nhiều hơn chúng tôi nghĩ, và chúng tôi dự báo tình trạng thừa dầu này sẽ tiếp diễn trong năm 2016”, các nhà phân tích của Goldman Sachs viết trong báo cáo được Bloomberg trích dẫn.
“Chúng tôi tiếp tục cho rằng, các nhà khai thác dầu đá phiến có khả năng sẽ đối tượng sẽ có sự điều chỉnh nguồn cung trong ngắn hạn”.
Goldman Sachs hạ dự báo giá dầu WTI tại thị trường Mỹ trong năm 2016 xuống còn 45 USD/thùng, từ mức 57 USD/thùng đưa ra hồi tháng 5. Dự báo giá dầu Brent tại thị trường London năm 2016 được Goldman giảm còn 49,5 USD/thùng, từ mức 62 USD/thùng.
Giá dầu WTI giao tháng 10 tại Sở Giao dịch hàng hóa New York (NYMEX) hiện đang ở mức khoảng 45,5 USD/thùng và đang tiến tới hoàn tất một tuần giảm giá. Từ đầu năm đến nay, giá dầu loại này đã giảm 14%. Giá dầu Brent giao tháng 10 thì đã trượt 1,7% trong tuần này.
Nếu tính từ đỉnh giá thiết lập vào tháng 6, giá dầu thô tại thị trường New York đã giảm hơn 25% do sức ép từ những dấu hiệu cho thấy tình trạng dư thừa dầu sẽ tiếp diễn.
Các thành viên chủ chốt của OPEC đang duy trì sản lượng dầu ở mức kỷ lục, trong khi Iran rục rịch chuẩn bị cho việc tăng sản lượng dầu một khi được quốc tế dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tồn kho dầu thô của Mỹ đang ở mức cao hơn khoảng 100 triệu thùng so với mức trung bình mùa 5 năm.
“Hiện tại, chúng tôi tin rằng thị trường đòi hỏi các nước sản xuất dầu lửa ngoài OPEC phải giảm mạnh sản lượng trong năm 2016, thay vì tăng nhẹ sản lượng như kỳ vọng trước kia của chúng tôi”, Goldman Sachs nhận định. “Việc điều chỉnh sản lượng diễn ra ở đâu và như thế nào ngày càng khó đoán”.
Tuần trước, sản lượng dầu của Mỹ ở mức 9,14 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 3 triệu thùng/ngày so với mức trung bình mùa của 5 năm trở lại đây – theo số liệu của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA).
Dù tuần này EIA đã cắt giảm 1,5% dự báo sản lượng dầu của Mỹ trong năm 2015, xuống còn 9,22 triệu thùng/ngày, đây vẫn là mức sản lượng dầu cao nhất của Mỹ kể từ năm 1972.
Lần gần nhất OPEC, một tổ chức chiếm 40% nguồn cung dầu thô toàn cầu, đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh là vào năm 2007 tại Ảrập Xêút, khi giá dầu đang leo lên mức kỷ lục là 147 USD/thùng hồi cuối năm đó. Kể từ mùa Hè năm 2014, giá dầu thế giới đã giảm hơn một nửa do nguồn cung quá dồi dào, trong khi OPEC – tổ chức thường bảo vệ giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng khi cần thiết – lại bảo vệ thị phần trên thị trường dầu mỏ thế giới với quyết định không cắt giảm sản lượng từ tháng 11/2014.
Trong cuộc họp tháng 6/2015 vừa qua, OPEC đã quyết định duy trì sản lượng ở mức cũ là 30 triệu thùng dầu/ngày.
Về phần mình, Iran tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác thêm 1 triệu thùng/ngày để tăng thị phần một khi lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Ngày 21/8, giá dầu thế giới đã lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 40 USD/thùng kể từ năm 2009.
Theo cafebiz.vn