Chuyện của một tiếp viên hàng không: Sao Trung Quốc nhiều “đứa trẻ gấu” đến thế?
Ngày nay, “Đứa trẻ gấu” (trẻ hư) đã trở thành một chủ đề nóng ở Trung Quốc. Vậy vì sao càng ngày lại càng có nhiều trẻ em hư như vậy ở Trung Quốc. Phải chăng là do cách giáo dục trẻ nhỏ của người lớn? Những chia sẻ sau đây của một tiếp viên hàng không sẽ cho chúng ta rõ được phần nào.
Tôi là một tiếp viên hàng không, đây không phải là lần đầu tôi gặp một đứa trẻ hư trên máy bay. Ngày đó, một đứa trẻ khoảng chừng 4 tuổi, cứ liên tục đá chân vào chỗ ngồi phía trước, thỉnh thoảng còn gào thét. Cha mẹ đứa trẻ chỉ nói qua loa vài câu rồi bỏ mặc đứa trẻ làm gì tùy ý. Vị khách ngồi ghế phía trước liên tục bị đá vào chỗ ngồi quay đầu lại hung hăng trừng mắt liếc đứa trẻ hư, đứa trẻ bị dọa khóc, cha mẹ đứa trẻ lập tức nói: “Anh cớ gì lại so đo với một đứa trẻ chứ? Chờ lúc anh có con sẽ biết …”
Người đó mới nói: “Tôi đã có con. Nhưng con mình sinh ra thì tại sao phải bắt mọi người đều phải nuông chiều nó? Con của anh là con của mọi người sinh ra sao?…”
Quả thật là hả cái dạ của tôi! Gặp cái loại con này tôi chỉ muốn nói ‘đem giao nó cho nhà nước”.
Tuy nhiên, chuyện này cũng chưa được tính là tệ nhất.
Ngày 16/8/2014, trên một chuyến bay, một tiếp viên hàng không tiến đến về chỗ có chuông báo gọi thì thấy một cặp đôi đang ôm đứa con khoảng chừng 5 tuổi vui đùa ầm ĩ, đứa trẻ này lớn tiếng đòi một mô hình máy bay, cha mẹ nó liền gọi tiếp viên đến, người tiếp viên này vừa mới ngồi xuống giải thích, đứa trẻ này liền cho ngay vào mặt tiếp viên một bạt tai. Thế nhưng, cha mẹ nó không những không ngăn cản, ngược lại còn cười trừ và nói chớ so đo với trẻ em làm gì…
Lại nhớ đến ngày 7/2/2015, trong lúc máy bay tiếp đất, một đứa trẻ cứ một mực nằm trên sàn nhà, nhân viên hàng không đến khuyên can nhiều lần nhưng không được. Những người khách chung quanh trách cứ cha mẹ đứa trẻ, cha mẹ nó mới phản ứng: “Xin hỏi cô có phải là mẹ không? Nghe giọng điệu như vậy tôi đoán chắc không phải rồi. Làm mẹ thì ở đâu cũng phải cho con nằm như vậy chứ, đều là bất đắc dĩ mà, tôi cũng không có cách nào khác, con nó mà không được nằm như vậy thì sẽ làm ầm ĩ cả lên, cô nói phải làm sao đây?”
Kì thực không phải nhân viên tốt bụng nhắc nhở vì nằm như vậy là chướng tay gai mắt hay không sạch sẽ; mà nghiêm trọng hơn là trong thời gian tiếp đất hệ số nguy hiểm cao, trẻ em nhất thiết phải được cố định trên ghế ngồi và thắt dây an toàn. Nếu không, khi có sự cố khẩn cấp phát sinh, con của bạn không ngã chết, thì cũng bị giẫm chết, không phải chuyện đùa.
Ngày 24/2/2015, một bậc phụ huynh mang theo con cái, không xem ai ra gì, họ cho con đại tiểu tiện ở sân bay. Người bên cạnh nhắc nhở, cha mẹ đứa nhỏ đáp lại y như rằng: “Con nít sao bắt nó dừng được, đợi đi, lúc mà anh có con rồi nói …”
Vậy là, mỗi lần đứa trẻ hư, thấy người có thiện ý bên cạnh nhắc nhở, đối với người đang làm cha làm mẹ thay vì có thái độ dạy bảo đứa trẻ, lại chỉ nói một câu: “Đợi lúc có con đi rồi …”
Mà điều này đúng là câu tôi nghe nhiều nhất mấy năm nay trên máy bay. Luôn có người dùng thân phận từng trải mà nói cho bạn nghe một câu thấm thía: “Chờ đến khi có con…”. Nếu như phải bình luận mười câu nói tôi ghét nhất, thì câu “đợi đến lúc mấy người có con…” có thể đứng top 3.
Cha mẹ yêu thương con cái tôi có thể hiểu, cảm thấy đứa con của mình đẹp nhất, thông minh nhất thiên hạ cũng là rất bình thường. Vấn đề bạn phải nhớ là con bạn dù gì cũng không phải giống rồng, cũng không sinh hạ thân phận khoác hoàng bào, toàn thế giới không phải có trách nhiệm nhường nhịn, cưng chiều.
Trên thực tế, con của bạn cũng không có đáng yêu như vậy, người khác cũng không phải là Mahatma Gandhi, để có thể bao dung hết thảy. Con của bạn ở trong cabin yên tĩnh khóc rống lên, với bạn thì dễ nghe, nhưng với người khác đó là quấy rối; con bạn trên máy bay gây rối loạn, cầm đồ vật của người khác, bạn nghĩ là tinh nghịch, nhưng đối với người khác thì là thiếu giáo dục. Hơn nữa, trên không trung đi lại tùy ý, nếu như có sự cố thì rất nguy hiểm.
Đã có con, người ta là giống như đã bước lên một bậc thang, bạn làm cha làm mẹ, đảm nhận trách nhiệm giáo dục cho thế hệ sau, bạn cần phải mạnh mẽ, sáng suốt hơn, cho con một hình mẫu làm người. Vì sao các bậc cha mẹ Trung Quốc ở đây, lại có thể tự động hạ tiêu chuẩn để yêu cầu được đồng tình từ mọi người?
Đã có con rồi, liền có thể tùy ý đại tiểu tiện tại sân bay, dung túng con nhỏ phá rối hư hỏng, còn ra vẻ mặt của người vô tội: “chờ mấy người có con sẽ hiểu, con nhỏ không tự khống chế được, chúng tôi cũng không có cách nào khác…”
Thật là không có cách nào khác, hay là do anh căn bản đã không có nghĩ đến biện pháp? Con nhỏ cũng cần phải có liêm sỉ, chỉ có điều cha mẹ thông qua hành vi của con, ám chỉ rằng nó vẫn còn là con nít, không cần phải nghĩ đến hai chữ liêm sỉ. Tôi chợt nhớ đến năm tôi 4 tuổi, trong nhà có bán một thùng kem nhưng không được bố mẹ cho phép ăn nhiều, tôi lén ăn vụng rồi sợ bị phát hiện nên lặng lẽ đem cái hộp ném qua bên ngoài sân thượng lầu hai nhà hàng xóm. Về sau cha tôi thấy được, liền dắt tôi cùng cây chổi quét rác sang nhà hàng xóm xin lỗi, lại bảo tôi phải tự mình quét dọn sạch sẽ. Hàng xóm nói: “Không cần vậy đâu, nó vẫn còn là con nít mà”. Cha tôi từng nói qua một câu làm tôi vẫn nhớ mãi đến bây giờ: “Cũng bởi vì là con nít, cho nên phải dạy nó làm người”.
Có một năm tôi đang trong chuyến bay từ Mỹ trở về, đúng lúc đó là ngày nghỉ, trên máy bay có rất nhiều cha mẹ mang theo con cái. Trong toàn bộ quá trình bay đều cảm giác rất ổn định, không có tiếng trẻ em khóc la, bỗng nhiên có một hai tiếng la của trẻ, nhưng rất nhanh sau đó là tiếng “Suỵt” và yên tĩnh trở lại. Thời điểm lúc hành khách rời khỏi máy bay, phía trước mấy hàng ghế có một người mẹ dắt theo hai đứa con nhỏ, một đứa còn khá nhỏ không biết vì sao lại giận dỗi mẹ, vừa đi vừa càu nhàu. Lúc đó tôi cũng khá hiếu kỳ xem cách người mẹ này giải quyết tình huống. Đợi đến hành khách trên máy bay đi hết rồi, người mẹ mới ngồi xuống, nhìn thẳng vào đứa nhỏ, thấm thía nói một câu làm tôi vô cùng khắc sâu ấn tượng: “Nghe này, con đã 3 tuổi rồi, nên phải hiểu lý lẽ chứ…”(nguyên văn là “Listen, you are three, you should know blabla…”).
Mượn câu nói của đồng nghiệp tôi mà nói, ở trong nước đừng nói 3 tuổi, tới 13 tuổi cũng không có người lớn nào giảng đạo lý cho nghe đâu.
Tôi cảm thấy chuyện này rất có thể nói rõ sự khác biệt về cách giáo dục trẻ nhỏ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tại Trung Quốc, không có mấy người lớn xem con trẻ như một người độc lập mà đối đãi. Họ đối với con trẻ là cưng chiều, con trẻ làm chuyện gì nên thuận theo ý của người lớn, để cho người lớn vui vẻ thì sẽ được khen thưởng; còn để người lớn không vui sẽ bị phạt. Nhưng rất ít người lớn giải thích cho con mình những việc gì phải làm, việc gì không thể làm. Khi lớn lên, trẻ con sẽ đem thái độ đối đãi của người lớn với mình mà học cách đối đãi với người khác, nếu mình vui thì làm thế nào cũng được, không vui thì la hét đánh người. Cái này không phải biểu hiện của một đứa trẻ hư sao. Vậy nguyên nhân vì sao trẻ hư ở Trung Quốc nhiều như vậy, tóm lại chính là nguyên nhân này.
Vì thế bạn sẽ phát hiện, một người có giáo dục thì tại bất kỳ lúc nào cũng sẽ đúng mực, sẽ không bởi vì có con liền phát sinh cải biến, cũng không phải vì con của mình mà mang phiền toái cho người khác, nhờ thế mà nhận được sự bao dung của cả thế giới. Như vậy, không phải là vì người khác, mà hoàn toàn chính là vì con của mình.
Hai năm nay, “đứa trẻ gấu” trở thành một chủ đề nóng. Các bậc phụ huynh luôn nói con trẻ còn nhỏ chưa hiểu chuyện, lớn rồi sẽ tốt thôi. Thế nhưng đừng quên có một ngày khi chúng không còn là một đứa trẻ nữa, phải rời khỏi vòng tay của bạn, lập tức sẽ thấy sự thật về thế giới rộng lớn này.
Đừng có lại nói với người khác “chờ lúc anh có con…”, người khác có hay không có con, đều không có can hệ gì đến bạn, điều bạn làm, là làm cho tốt vai trò một người cha người mẹ. Con trẻ như tờ giấy trắng, bút vẽ là đang trên tay người lớn.
Đừng để con trẻ cải biến bạn, bạn hãy cải biến con trẻ.
Những bậc cha mẹ “gấu”, cũng xin đừng lại nói với tôi: “đợi lúc bạn có con…”
Mai Mai, dịch từ NTDTV.com