Napoleon, Mussolini, Hitler viết thư tình thế nào?
Bất chấp vẻ ngoài mạnh mẽ, cứng rắn, lạnh lẽo thậm chí là tàn bạo… nhiều nhân vật được xem là độc tài, bạo chúa của thế giới vẫn thể hiện rõ góc mềm yếu trong tâm hồn của họ, rõ nhất là qua các lá thư tình. Rất nhiều những lá thư như thế đã được tập hợp trong một cuốn sách mang tên Love Letters of Great Men (tạm dịch Tình thư của những người đàn ông vĩ đại), vừa tái bản ở Mỹ nhân lễ Valentine.
John Kirkland là tác giả của cuốn sách, người đã dành nhiều công sức để tập hợp và nghiên cứu các bác thư tình của những con người được tôn thờ, nổi tiếng hoặc cả những kẻ độc tài, bạo chúa trong lịch sử.
Phụ nữ, điểm yếu của các nhà lãnh đạo
Sách của ông gồm tình thư của nhiều văn nghệ sĩ, như nhà thơ La Mã Ovid, nhà văn Johann Wolfgang von Goethe, tiểu thuyết gia Nathaniel Hawthorne, nhà thơ Robert Browning, nhà văn Edgar Allan Poe, tiểu thuyết gia Mark Twain…
Nó cũng có thư của các lãnh tụ lớn như Josef Stalin và George Washington. Trong những lá thư như thế, bạn nhận ra rằng những người đàn ông với vẻ ngoài mạnh mẽ, thực ra lại có điểm yếu rất lớn – chính là người đàn bà họ yêu. Vì quá yêu vợ Martha nên George Washington đã phải rất khó khăn mới nắm ghế Tổng tư lệnh Lục quân lục địa Mỹ trong cuộc Cách mạng Mỹ. Trong thư gửi vợ, ông nói rằng muốn ở nhà với bà hơn là đi chỉ huy quân đội.
Ít ai ngờ cả những nhà độc tài như Mussolini cũng từng viết các lá thư tình với nội dung đầy lãng mạn |
Cố lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin từng viết trong một lá thư gửi cho vợ Nadya, khi bà phải đi xa để chữa bệnh đau đầu ở Đức, rằng: “Anh nhớ em nhiều lắm Tatochka… Anh đang cô đơn như một con cú vậy”. Stalin chẳng mấy khi nói về công việc trong thư gửi vợ và thường kết thúc rất tình cảm. “Anh mới kết thúc công việc và sẽ tới thăm con vào tối mai… Thế nên tạm biệt em nhé, đừng đi quá lâu, hãy về sớm nhé. Gửi tới em nhiều nụ hôn! Joseph của em” – ông viết.
“Tôi thấy rằng gần như mọi người có nhiều quyền lực đều rất nồng nhiệt, thiết tha và riêng điều đó đã khiến họ luôn nổi bật trong đời sống riêng tư” – Kirkland nói – “Nhưng tôi cũng nhận ra một sự thực rằng gắn bó với những nhà độc tài chẳng bao giờ là điều hay ho cả”.
Lãng mạn như Mussolini
“Những gã độc tài” mà Kirkland nói tới ám chỉ tới Napoleon Bonaparte, các trùm phát xít Adolf Hitler và Benito Mussolini. Chẳng ai nghĩ họ có thể viết ra những bức thư tình lãng mạn, dù thực tế lại trái ngược. Yêu Benito Mussolini đã khiến Ida Dalser, một người phụ nữ xinh đẹp được cho là vợ đầu của ông này, phải bỏ mạng.
Nhưng khi tình cảm đôi bên còn mặn nồng, Mussolini đã gửi cho bà những nhớ thương nồng cháy trong các bức thư tình. “Ida bé nhỏ của anh. Anh vừa mới tới đây sau 12 giờ đi tàu liên tục, khiến người anh đầy bồ hóng. Anh đã vội vã gột sạch chúng và ý nghĩ đầu tiên của anh, ngay cả trước lúc đi ăn tối, là dành cho em. Em có hài lòng không? Liệu em có thể, một lần nữa, nói rằng em chỉ yêu mình anh, dù anh không yêu em? Thực ra anh yêu em, Ida yêu quý ạ, dù rằng anh đã không thể chứng tỏ nó với em” – ông ta viết.
Một bức thư khác lại đề rằng: “Anh sẽ hạnh phúc biết bao nếu có em ở đây cùng anh, hôm nay, trong khi đoàn tàu đang lướt nhanh dưới một bầu trời trong không gợn mây, xuyên qua vùng nông thôn đang phơi bày những u sầu của mùa thu, để hướng tới thành Rome tươi đẹp, lúc này đang dần hiện ra trước mắt anh…”
Kirkland nói rằng khi Mussolini gặp Ida và viết các lá thư nồng nàn kể trên, ông ta vẫn là một gã vô danh, mới đăng lính và đang tiến ra chiến trường để tham gia Thế chiến I. Sau chiến tranh, sự nghiệp của Mussolini đã lên như diều, nhưng ông ta lại vội vã yêu cầu tay chân kết luận rằng Ida bị điên, rồi tìm cách nhốt bà và con trai vào trại thương điên, cho tới khi bà qua đời.
Si tình như Napoleon
Giống như Mussolini, điểm yếu lớn của Napoleon Bonaparte, nhà chỉ huy quân sự kiêm độc tài nổi tiếng nóng tính, lại chính là người vợ đầu Josephine de Beauharnais. Kirkland cho biết hoàng đế Pháp thường chỉ huy chiến trận tốt hơn, mỗi khi Josephine trả lời các bức thư nồng nàn tình cảm của ông. “Ông ấy hoàn toàn yêu và chìm đắm trong tình yêu với bà” – Kirkland nói.
Không lâu sau khi kết hôn, Napoleon đã rời Pháp để chỉ huy quân đội ở Italia. Hoàng đế Pháp đã liên tục viết thư cho vợ, khẩn khoản cầu xin bà ở gần ông để họ có thể tổ chức một chuyến trăng mật. “Anh đã nhận được thư của em trong các ngày 16 và 21. Có rất nhiều ngày em đã không viết gì. Em làm gì khi đó? Không, em yêu, anh chẳng ghen đâu, nhưng đôi khi anh lo lắng. Hãy tới đây sớm nhé. Anh cảnh báo với em rằng nếu em chậm chễ, anh sẽ bị ốm đấy. Sự mệt nhọc và thiếu vắng em là quá sức chịu đựng của anh”.
Trong lá thư khác, Napoleon viết: “Các bức thư của em là niềm vui trong mỗi ngày của anh và số ngày hạnh phúc ấy chẳng có nhiều. Liệu em có tới đây không? Em sẽ ở đây bên cạnh anh, trong vòng tay anh, áp vào ngực anh, kề vào môi anh chứ? Hãy chắp cánh và tới đây nhé!”.
Có lúc Napoleon dường như đã viết rất nhiều thư trong một ngày, thể hiện sự nhớ nhung da diết với vợ. “Anh đang chuẩn bị lên giường với con tim chứa đầy hình ảnh đáng yêu của em… Anh không thể chờ để mang tới cho em bằng chứng về tình yêu rực cháy của mình” – Napoleon viết vào tháng 11/1796 – “Anh sẽ vui biết bao nếu mình có thể giúp em thay đồ, được ngắm nhìn bầu ngực trắng ngần của em, khuôn mặt đáng yêu, mái tóc búi giấu dưới khăn choàng đầu… Hôn em lên môi, lên mắt, lên ngực, mọi nơi, mọi chỗ”.
Kirkland nói rằng phần lớn các lá thư của Napoleon viết rất hoa mỹ, giống nhiều lãnh đạo khác của thế giới. “Gần như mọi người đều sử dụng lời có cánh và chăm chút rất kỹ cho bức thư họ viết” – Kirkland đánh giá – “Ngoại trừ Hitler” .
Khô khốc kiểu Hitler
Eva Braun gặp Adolf Hitler ở Munich khi bà còn là một thiếu nữ. Theo tiêu chuẩn thông thường thì quan hệ của bà với trùm phát xít là một thảm họa. Bà định tự sát hai lần trong suốt thời gian ở bên Hitler và mới chính thức trở thành vợ của ông này khoảng 40 giờ trước khi cắn cyanide tự sát vào năm 1945.
Không có một lá thư nào giữa 2 người còn lưu lại tới nay. Nhưng Kirkland nói rằng Hitler có viết về vợ mình cho thuộc hạ, trong đó nhận xét bà là người “bình tĩnh, thông minh và luôn có mục tiêu trước mắt”. “Đó là những lời lẽ vô cùng lạnh lùng, như thể ông ta đánh giá bà ấy vậy” – Kirkland cho biết – “Rõ ràng, ông ta kiểm soát mọi thứ”.
Không giống như Hitler, dường như thứ duy nhất mà Napoleon có thể kiểm soát trên cuộc đời Josephine là cái tên ông tặng bà. Tên thật của bà là Rose. Và Rose đã sớm hết tình yêu với chiến binh lẫy lừng của nước Pháp, không lâu sau khi họ kết hôn. .
Trong khi Napoleon tiến hành chiến dịch Italia lần đầu, có tin đồn rằng Josephine ngoại tình và tin này đã bay tới tai hoàng đế Pháp. Khi ông trở lại nhà bà ở Milan, bà đã không có ở đó. Các sử gia tin rằng Josephine có thể đã chạy trốn cùng người tình bí mật. Napoleon chờ bà trở lại trong vòng 9 ngày, trước khi viết: “Tôi không còn yêu cô nữa, thậm chí tôi còn thấy ghê tởm cô. Cô là kẻ đáng khinh, tầm thường, đồ dâm đãng xấu xa”.
Sau này dù Josephine có quay trở lại, ông vẫn không chấp nhận bà. Ông ly hôn bà, lấy cô vợ thứ hai mới 19 tuổi. Nhưng khi hay tin tình yêu của đời mình chết vì cảm lạnh, Napoleon đã tự nhốt bản thân trong phòng riêng suốt 2 ngày. Quãng đời còn lại, Napoleon luôn đeo một trái tim nhỏ ở cổ, bên trong chứa những cánh hoa violet rất nhỏ mà ông ngắt từ khu vườn riêng của Josephine.
Theo Tường Linh/ Thể thao Văn hóa ngày 17/2/2012