Cẩn thận với xe SH, Vespa, Liberty giá 16 triệu đồng
Những chiếc xe Honda SH, Vespa chính hãng giá gần 100 triệu đồng nhưng được rao bán trên mạng chỉ 14 – 16 triệu đồng khiến không ít người phải giật mình.
Dạo quanh một số diễn đàn rao vặt, trang mua bán xe trên mạng, không khó để tìm thấy những dòng xe “cao cấp” như SH, Vespa, Liberty…được rao bán chỉ từ 8 đến 20 triệu đồng. Người mua cũng dễ dàng tìm cho mình một chiếc Sirius, Exciter hay Wave, Dream “Thái” giá từ 4 – 8 triệu đồng. Thương hiệu tốt, giá rẻ và đa dạng mẫu mã là những gì mà những topic này thu hút sự chú ý của người có nhu cầu mua xe.
Tại sao giá bán rẻ?
Câu hỏi đặt ra của nhiều người là tại sao những chiếc SH, Exciter, Liberty lại có giá “bèo” đến như vậy? Lý do vì chúng không có giấy tờ, xuất xứ rõ ràng. Để “biện minh” cho mức giá “dưới đất”, các chủ buôn đều quảng cáo đây là xe “nhập khẩu không thuế quan”, “xe lậu không giấy tờ, “xe trốn thuế”…nhằm thu hút người có nhu cầu tìm phương tiện đi lại.
Một nguồn xe cũng thường thấy ở Việt Nam đó là từ đồ ăn trộm được mua lại và sơn sửa trông như xe mới. Loại này tất nhiên là không có giấy tờ và giá bán rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng. Chưa kể, nhiều người còn tìm được nguồn hàng “thanh lý” xe vi phạm pháp luật nhưng không có người đến lấy, xe cũ được “mông má” lại.
Trăm chiêu lừa đảo
Thị trường xe lậu thực sự rất tấp nập kẻ bán người mua bởi tâm lý hám rẻ của không ít người đã tạo điều kiện cho các chủ buôn kiếm lãi khủng. Tuy nhiên, mua xe không giấy tờ, nguồn gốc thiếu rõ ràng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Đầu tiên, người mua có thể bị lừa tiền mà chẳng nhận được chiếc xe nào cả. Thường sẽ có 3 hình thức giao dịch chính là chuyển tiền cọc qua tài khoản ngân hàng (giao động từ 1 – 3 triệu đồng), cào thẻ điện thoại và gặp trực tiếp. Tuy nhiên, hai hình thức đầu tiên được ưu tiên hơn vì người bán lấy lý do nhà xa, chỉ bán online không có cửa hàng hoặc bắt phải lên tận cửa khẩu để giao dịch.
Vì thế mà không ít người sau khi chuyển tiền cọc đã bị bùng luôn hàng. Đấy là do một số kẻ lợi dụng tình hình tự tạo ra topic rao bán xe giá rẻ trên mạng mà trên thực tế chẳng có sản phẩm nào cả. Mục đích của các đối tượng này chỉ là nhằm lừa gạt người mua nạp thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền cọc mà thôi.
Chưa dừng lại ở đó, việc phải giao dịch từ xa và không tận mắt kiểm tra xe khiến người mua gặp nhiều rủi ro. Hình ảnh được đăng tải lên mạng luôn đẹp và trau chuốt, nhưng máy móc, chất lượng xe liệu có đảm bảo khi đến tay người tiêu dùng?
Những loại xe nhập lậu như SH, Liberty dù trốn thuế nhưng cũng chưa thể rẻ đến mức như vậy. Không loại trừ khả năng đây là hàng Trung Quốc, hàng nhái các thương hiệu lớn tuồn về Việt Nam. Chính vì vậy mà chất lượng xe không đảm bảo. Chưa kể người mua không được bảo hành, đổi trả sản phẩm khi xuất hiện hỏng hóc.
Giả danh cơ quan Hải quan thanh lý xe máy
Không chỉ dừng lại ở việc rao bán xe không giấy tờ, gần đây, một số đối tượng còn ngang nhiên giả mạo cơ quan chức năng trên mạng hòng lừa đảo. Facebook có tên “Cục hải quan thanh lý xe trốn thuế” sử dụng giao diện kèm logo và hình ảnh của Cục hải quan để bán đấu giá xe.
Tổng cục hải quan Việt Nam khẳng định đơn vị này không sở hữu những trang Facebook như vậy và cho biết thông tin ghi trên đó đều là giả mạo. Phía Tổng cục cũng đã làm báo cáo và có phương án đề xuất phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề.
Thủ đoạn của các đối tượng này là giả mạo Cơ quan Hải quan để rao bán xe , đánh vào tâm lý ham rẻ của người dân. Chúng bắt người mua đặt cọc trước một khoản tương đương khoảng 10% giá trị sản phẩm thông qua hình thức nạp thẻ cào điện thoại. Khi cơ quan chức năng gọi điện tới số máy ghi trên Facebook thì mất sóng, không liên lạc được.
Người mua cũng vi phạm pháp luật
Xe không giấy tờ, xe nhập lậu đều không được pháp luật bảo hộ trong trường hợp tranh chấp và việc mua bán sản phẩm như vậy cũng là trái pháp luật. Giao dịch mua bán đều không có giấy tờ xác nhận là điều thiệt thòi cho người mua cũng như quyền sở hữu hợp pháp của mình đối với sản phẩm.
Thêm vào đó, người dân sử dụng xe gắn máy không rõ nguồn gốc khi bị phát hiện thì cơ quan công an sẽ mời lên làm việc. Người dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chứng minh được nguồn gốc của xe, nếu không sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự do có liên quan đến chiếc xe trên.
Cũng tùy vào quá trình điều tra, xác minh, nếu xe trên là ăn cắp hoặc giấy tờ giả nhưng người đó vẫn cố tình mua về sử dụng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Điều 250 của Bộ luật Hình sự (Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có). Mức phạt cao nhất có thể phải ngồi tù 12 năm đến 20 năm hoặc chung thân.
Theo các cơ quan chức năng, chiêu bài bán xe không giấy tờ để lừa đảo, thậm chí là cướp tài sản xuất hiện từ lâu. Có những đối tượng rao bán xe xịn trên mạng với giá rẻ rồi dụ nạn nhân tới địa điểm giao xe. Tại đây, các đối tượng khống chế, tấn công và cướp tài sản của người mua. Chính vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác, tránh việc ham rẻ mà mang hại vào thân, thậm chí là vi phạm pháp luật.
Theo vntinnhanh