Thị trường chứng khoán toàn cầu hoảng loạn
Thị trường chứng khoán toàn cầu đang hoảng loạn. Chỉ số Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm sau giờ mở cửa, các thị trường châu Âu cũng giảm 5-7%, chỉ số Shanghai Composite Index sụt 8,5% vào thời điểm đóng cửa, còn 3.209,91 điểm, xóa sạch thành quả tăng điểm từ đầu năm.
Thứ Hai (24/8), vài phút sau khi mở cửa phiên đầu tuần tại thị trường New York, chỉ số Dow Jones mất ngay 1.065,4 điểm (6.5%), xuống 15.419. S&P 500 cũng mất 97,6 điểm (gần 5%), về 1.874 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số quan trọng của sàn New York xuống dưới 16.000 điểm kể từ tháng 2/2014.
Các thị trường chứng khoán châu Âu cũng mở cửa trong sắc đỏ. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 3% khi nhà đầu tư lo lắng về các cổ phiếu ngành năng lượng, khoáng sản, vốn ảnh hưởng lớn lên chỉ số này.
Tại Đức, cổ phiếu các hãng xe chịu tác động lớn từ nhu cầu của Trung Quốc cũng khiến chỉ số DAX giảm 3%.
Trước đó, thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) đóng cửa với mức giảm 8,5%, đánh mất tất cả những gì đã tích luỹ được từ đầu năm. Chỉ số Shanghai Composite đã giảm 38% so với đỉnh lập hồi tháng 6.
Trước sự lo ngại đà giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ, Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE) cho biết sẽ ngừng giao dịch 15 phút nếu Standard & Poor’s 500 Index giảm đến 7%. Tuy nhiên, chỉ số này mới giảm hơn 2,6%, hồi phục sau khi giảm tới 3,9% lúc đầu phiên.
Cũng theo NYSE, nếu mức giảm lên tới 13%, sở này sẽ ngừng giao dịch lần thứ 2 và đóng cửa đến hết ngày nếu con số lên tới 20%.
Sau gần 2 giờ mở cửa, chỉ số Dow Jones dao động quanh ngưỡng 16.000 điểm, với mức giảm gần 3%. Có mức giảm tương tự, S&P 500 hiện đứng ở 1.914 điểm. Thị trường chứng khoán Mỹ có một số dấu hiệu phục hồi nhưng chưa cho thấy rõ xu hướng.
Cổ phiếu các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ đều đang giảm điểm. Alibaba đầu phiên mất 4,4%, nhưng hiện mức giảm chỉ còn 1,3%. Trong khi đó, cổ phiếu đại gia tìm kiếm Baidu không phục hồi nhiều khi vẫn mất trên 6%.
Cổ phiếu Apple đầu phiên mất tới 13%, nhưng hiện tăng tới 2,3%, sau khi CEO Tim Cook cho biết trên CNBC rằng doanh thu của hãng sẽ tiếp tục “tăng mạnh” tại Trung Quốc trong tháng 7 và 8.
Cũng như Apple, hãng xe General Motors phụ thuộc khá lớn vào thị trường Trung Quốc. Cổ phiếu hãng này đã giảm 3,5% từ đầu phiên.
Trong nhóm blue-chip thuộc Dow Jones, Cisco System hiện mất 2,04%, Chevron giảm 1,74%, Disney mất 0,52%, JP Morgan Chase giảm 1,16% và Wal-mart Stores mất 0,83%.
Chốt phiên ngày 24/8, các thị trường chứng khoán lớn tại châu Âu đều đi xuống. Chỉ số FTSE 100 (Anh) mất 4,67%, có lúc giảm tới 6%, biến 24/8 thành một trong những phiên giảm điểm kỷ lục của FTSE 100. Trong khi đó, CAC40 (Pháp) chốt phiên giảm 5,35%, còn DAX (Đức) mất 4,7%.
Tại Hy Lạp, thị trường chứng khoán đóng cửa với mức giảm 10,54%, xuống đáy 3 năm tại hơn 568 điểm. Nửa tiếng trước khi chốt phiên, chỉ số ASE mất 11,3%. Ngoài tác động từ thị trường toàn cầu, chứng khoán Hy Lạp còn bị kéo giảm do bất ổn chính trị trong nước, sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức tuần trước.
Nhà kinh tế học nổi tiếng – Lawrence Summers bình luận trên Twitter: “Cũng giống như tháng 8/1997, 1998, 2007 và 2008, chúng ta có thể đang đứng trước một tình huống hết sức nghiêm trọng“.
Peter Kenny – chiến lược gia trưởng của Clear Pool Group nhận xét về thị trường chứng khoán trên CNN: “Đã rất lâu rồi, chúng ta chưa từng thấy một sự sợ hãi tương tự như phiên trong phiên giao dịch vừa qua”.
4 giờ sáng Thứ Ba (25/8) theo giờ Hà Nội, Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa với mức giảm 588 điểm của Dow Jones – con số lớn nhất kể từ tháng 8/2011. Giữa phiên, chỉ số này từng có lúc phục hồi và chỉ giảm 102 điểm, song đà bán mạnh trở lại sau đó, khiến chỉ Dow Jones đóng cửa ở 15.871,35 điểm (giảm 3,57%).
S&P 500 giảm 77,68 điểm (gần 4%) xuống 1.893,21 điểm. Chỉ số này đã mất 11% kể từ đỉnh cao nhất mọi thời đại ngày 21/5.
Dù được nhắc đến khắp nơi với cái tên “Ngày thứ hai đen tối” song nếu so sánh với những gì từng xảy ra trong sự kiện tương tự vào ngày thứ 2, 19/10/1987 thì cơn sợ hãi của thị trường chứng khoán Mỹ vẫn ở mức độ khá “nhẹ nhàng”, khi Dow Jones chỉ mất 6,6% tại thời điểm tồi tệ nhất. Năm 1987, chỉ số này từng mất tới 22,6% và nếu điều tương tự xảy ra hôm nay, sàn New York đã mất khoảng 2.600 điểm.
Số liệu thống kê cũng cho thấy mức mất điểm nếu trên tạm thời chưa phải là điều quá tồi tệ với nhà đầu tư Mỹ, khi nó chỉ làm mất 11% trong đà tăng khoảng 220% của chỉ số S&P 500 trong vòng 6 năm qua (tính từ thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal cho rằng nhà đầu tư sẽ tiếp tục phải dũng cảm khi các thị trường châu Á mở cửa trong vài giờ tới, sau khi chứng khoán Mỹ khép lại ngày giao dịch với điểm số thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.
Theo Vnexpress