Đã đến “ngày tàn” của chuột máy tính?
ICTnews – Với sự phát triển bùng nổ của những loại màn hình cảm ứng chạm cùng với những chiếc touchpad, trackpad ngày càng thông minh, phải chăng chuột máy tính đã đến ngày tàn?
Tóm tắt lịch sử của chuột máy tính
Sự ra đời của chuột máy tính trải qua 3 giai đoạn khác nhau: Năm 1940, khi những chiếc máy tính còn rất nguyên sơ, một người lính hải quân Anh làm việc tại dự án về radar Comprehensive Display System đã sử dụng một công cụ có tên là joystick (cần điều khiển) để nhập các dữ liệu và liên lạc với hệ thống. Chiếc cần điều khiển này chỉ dành riêng cho mục đích quân sự. Một nhà khoa học có tên Ralph Benjamin đã tự hỏi liệu đây có phải là phương thức tốt nhất để giao tiếp với máy tính và đến năm 1946, ông cùng nghiên cứu của mình đã tạo nên một mô hình với tên gọi “ball tracker” và sản phẩm này được coi là một bí mật quân sự. Ngày nay, chúng ta vẫn sử dụng loại ball tracker này nhưng với một tên gọi là “trackball” (phần chuột lăn ở giữa con chuột). Công trình của Benjamin đã đặt nền móng cho sự ra đời của những chú chuột máy tính ngày nay. Trong cuộc phỏng vấn năm 2005 với Trung tâm lịch sử IEEE, hai nhà phát minh Douglas Engelbart và Bill English thuộc Viện nghiên cứu Stanford đã tạo ra một thiết bị cũng chạy bằng bi nhưng khác với các thiết bị được phát minh trước đó, thiết bị này không sử dụng trực tiếp trên viên bi đó mà viên bi được đặt trong một chiếc hộp và dùng để lăn trên một mặt phẳng. Đến năm 1968, Engelbart đã trình bày phát minh của cả nhóm trong một sự kiện và được đánh giá rất cao. 2/10/1968, công ty của Đức Telefunken đã cho ra đời chiếc Rollkugel, chỉ một tuần trước bài trình bày của Engelbart. Dù ở hai nơi khác nhau trên thế giới, nhưng cả hai nhóm phát minh này đều nhận thấy chuột là một phương thức giao tiếp và điều khiển máy tính hiệu quả nhất.
Vậy chuột có đến ngày tàn? Chuột gần như là một phần không thể thiếu trong tất cả máy tính ngày nay. Máy tính để bàn thì không thể thiếu chuột, còn laptop dù đã có sẵn touchpad nhưng hầu như ai cũng thích dùng thêm chuột. Trong vòng 30 năm trở lại đây, những chiếc máy tính đã thay đổi rất nhiều. Thậm chí cả những cổng kết nối chuột cũng đã thay đổi nhưng chuột vẫn gần như không thay đổi. Phần con lăn đã được thay thế bằng cảm ứng laze hoặc quang. Chức năng của chuột không thay đổi, chỉ có điều, nó trở nên hiệu quả hơn.
Nhiều người có thể cho rằng sử dụng chuột đã trở thành một thói quen khó bỏ và rất khó để thuyết phục đám đông thay đổi thói quen này. Thế nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, các smartphone, máy tính bảng cảm ứng ngày càng phổ biến. Ngoài ra, rất nhiều hãng sản xuất laptop cũng đã cho ra đời những chiếc máy tính lai với màn hình chạm. Kể cả Windows 10 cũng là một hệ điều hành được sinh ra để thích nghi với những người sử dụng thích giao diện chạm thân thiện. Ngoài ra, “voice-control” (điều khiển bằng giọng nói) cũng là một xu hướng mới trong giao tiếp với máy tính chính. HoloLens (thiết bị thực tế ảo tăng cường) cũng là một công nghệ mới được nhiều người biết đến, có tham vọng thay đổi cách giao tiếp với máy tính. Calvin Chu là nhà thiết kế của chiếc Palette, một thiết bị “dành cho tất cả mọi thiết bị” nhằm thế chỗ của chuột máy tính và có thể dùng cho những người sản xuất âm nhạc hoặc nhiếp ảnh gia. Nhóm đang xin tài trợ 100.000 USD cho dự án trên Kick Starter.
Tìm một phần mềm máy tính tùy chỉnh để thực hiện những tác vụ đặc biệt thì rất dễ nhưng để tìm một phần cứng như vậy thì rất khó. Chuột đang được sử dụng cho hầu hết mọi thứ từ lướt web, thao tác trên ảnh, chơi video game… Tuy nhiên nếu chúng ta có những công cụ đặc biệt, công việc sẽ được thực hiện một cách hiệu quả hơn. |
Theo ICTNews