Giai thoại phong thủy phát chúa của nhà Trịnh và ngôi nghè thờ vẹt
Nghè Vẹt thuộc thôn Đoài, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc (tỉnh Thanh Hóa) đã tồn tại hàng trăm năm nay. Nó gắn liền với nhiều huyền tích bí ẩn của dòng họ Trịnh.
Huyền tích vùng đất phát chúa Nghè Vẹt là một trong những nơi sinh hoạt tâm linh của người dân thôn Đoài, xã Vĩnh Hùng. Trong một lần ghé thăm ngôi nghè, chúng tôi đã được nghe người dân kể lại rất nhiều từng xảy ra nơi vùng đất độc đáo này. Cụ Lê Văn Trung (83 tuổi) cho rằng Nghè Vẹt là chốn rất linh thiêng. Cụ Lê Văn Trung (83 tuổi), thủ nhang của ngôi nghè cho biết, trước kia, có 12 ông phỗng tượng trưng cho 12 đời , cùng với đó là 12 cao lớn được làm bằng gỗ quý. “Nghè Vẹt là một trong những điểm sinh hoạt tâm linh của người dân nơi đây. Nghè rất linh thiêng, vì thế vào những ngày rằm, ngày lễ rất nhiều người dân tìm đến dâng hương khấn bái, cầu bình an”, cụ Trung cho hay. Giai thoại xung quanh nghè Vẹt được các bậc cao niên ở xã Vĩnh Hùng kể lại cho con cháu. Cách đây gần 500 năm, có người tên Trịnh Liễu lấy vợ họ Hoàng thuộc xã Vĩnh Hùng ngày nay. Gia tư Trịnh Liễu nghèo đói, làm ruộng và bán nước chè kiếm sống nhưng rất ham đọc sách. Một hôm, Trịnh Liễu đi cày ở xứ đồng trong núi, đến chỗ vực tôm, thấy một ông già tóc bạc phơ, sắc mặt sáng tươi, thần thế thanh tú. Trịnh Liễu mời ông già về nghỉ lại một đêm ở nhà mình. Đến nhà, thấy mấy gian lợp lá và một cái chõng tre, nhưng Trịnh Liễu một mực mời khách lên giường ngồi, kính cẩn mời cơm nhạt. Ông già khen Trịnh Liễu có đức, nói: “Lão đây vốn sành , thấy trong sách đất này, chỗ Nanh Lợn, có một huyệt có khí quý, táng đó thì 4 đời sau phát vương”. Trịnh Liễu theo lời, đem hài cốt cha mẹ nhờ ông già lập hướng mà táng. Táng xong ra về. Đêm ấy, trời đất chuyển động mây mưa, gió thổi đùng đùng. Ông già hỏi Trịnh Liễu: “Ông có dám đi thăm huyệt không?”. Trịnh Liễu đáp có, rồi cắp dao đi thẳng đến mới táng ban ngày. Trịnh Liễu hết sức ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy bốn bề đen tối, mưa gió ầm ầm nhưng nơi phần mộ sáng như có ánh trăng. Xa trông thấy con rồng đen nằm ấp lên trên. Trịnh Liễu sợ hãi chạy một mạch về. Ông già nói: “Rồng vàng là đế, rồng đen là vương. Nhà ông tích lại âm công. Trời giáng phúc cho đó”. Ngày hôm sau, Trịnh Liễu cùng người nhà ra thăm mộ vẫn còn thấy dấu rồng nằm, cây cỏ xung quanh gãy rạp đến một mẫu. Còn ông lão ra đi lúc nào, về nơi nào không ai rõ. Cũng theo giai thoại, một lần nằm mơ thấy ông già tóc bạc, Trịnh Liễu mới biết ông già chính là thần tiên hiện ra, đặc biệt đến dâng phúc. Sau đó, Trịnh Liễu đi thi đỗ tam trường (tương đương tú tài). Theo các tài liệu ghi chép, con trai Trịnh Liễu là Trịnh Lan cũng lấy vợ họ Hoàng, người xã Biện Thượng. Con thứ của Trịnh Lan là Trịnh Lân cũng lại lấy vợ họ Hoàng là bà Hoàng Thị Dốc ở thôn Hổ, xã Vệ Quốc, huyện Yên Định. Bà Hoàng Thị Dốc chính là người sinh hạ Thái tổ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm là vị chúa tiên khởi của nhà Trịnh, người tạo dựng vương nghiệp nhà Trịnh truyền mười hai đời, kéo dài 249 năm. Đến truyền thuyết về ngôi nghè thờ vẹt Hiện nay, trong quần thể Phủ Trịnh nổi bật là Nghè Vẹt. Di tích Nghè Vẹt được xây dựng trên diện tích khoảng 200m2. Trước sân nghè hiện còn chiếc khánh đá treo trên giá đỡ. Ngôi tiền đường gồm 11 gian kiến trúc theo kiểu đăng đối. Tại đây có ban thờ và bài vị cùng 12 pho tượng gỗ thờ 12 chúa Trịnh (Trịnh Kiểm, Trịnh Tùng, Trịnh Tráng, Trịnh Tạc, Trịnh Căn, Trịnh Cương, Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Trịnh Cán, Trịnh Khải và Trịnh Bồng). Chính giữa hậu cung đặt bài vị đại vương Trịnh La (ông tổ dòng họ Trịnh). Đặc biệt, trong nghè còn lại 4 con ngựa thờ bằng gỗ và nổi bật là hai con vẹt lớn được coi là đồng thời là biểu tượng của nhà Trịnh. Hình ảnh chim vẹt là linh vật trong Nghè Vẹt thờ các đời chúa Trịnh. Vẹt có chiều cao hơn 2m, dáng thon và cao tựa chim hạc nhưng lại có mỏ dài, cong đặc trưng của chim vẹt. Vẹt được sơn son, thiếp vàng, chạm trổ công phu với những họa tiết lạ mắt và sống động. Thời trước, loại hình điêu khắc chim vẹt vốn xuất hiện rất nhiều, đặc biệt là dưới thời các chúa Trịnh. Trong các đền thờ họ Trịnh thường dùng hình tượng chim vẹt làm vật thờ. Các đòn khiêng kiệu của chúa Trịnh cũng thấy khắc hình chim vẹt. Các cụ cao niên trong vùng kể lại, việc nhà Trịnh lấy chim vẹt làm linh vật bắt nguồn từ một truyền thuyết không kém phần ly kỳ. Theo gia phả tộc Trịnh, Trịnh Kiểm mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, sống ở quê ngoại với mẹ là bà Hoàng Thị Dốc. Từ nhỏ, ông đã tỏ ra là một cậu bé lanh lợi, biết ứng xử, giỏi đối đáp và đặc biệt là rất can đảm, có hiếu với mẹ. Lớn lên, ông là một tay kỵ mã tài giỏi nên được một viên tướng nhà Mạc thu nhận, giao chăm sóc huấn luyện đàn ngựa chiến. Được ít lâu, có người khuyên Trịnh Kiểm không nên cộng tác với tướng nhà Mạc. Trịnh Kiểm nghe theo, nửa đêm bỏ Ninh Bang hầu trốn đi, mang theo con ngựa chiến đầu đàn. Tướng nhà Mạc hay tin, rất tức giận, bắt mẹ của Trịnh Kiểm nhốt vào một cái cũi tre, lấy đá lớn cột lại, thả xuống vực nước sâu. Khi chiếc cũi chìm xuống đáy, thì đêm ấy lạ thay nước sông như sôi lên, sấm chớp cùng mưa nguồn cuồn cuộn đổ về, nước chảy mạnh như muốn trôi cả hai bờ sông cũ. Giai thoại kể rằng, sáng hôm sau, người quanh vùng hết sức kinh ngạc khi thấy nơi vực xoáy nhận chìm mẹ Trịnh Kiểm chiều hôm trước bỗng nổi lên một gò đất cao, chạy từ giữa sông vào bờ, thành ngôi mộ thiên táng kỳ lạ ôm giữ thi hài bà mẹ. Lạ hơn, phía trên ngôi mộ có một đàn vẹt đông đảo bay kín như một đám mây che chở cho người mẹ. Nghè Vẹt hiện nay là nơi thờ tự 12 đời chúa Trịnh và mẹ Trịnh Kiểm. Đàn vẹt ở đó rất lâu rồi bay đi. Vì vậy, Trịnh Kiểm mới đặt tên nơi này là Nghè Vẹt. Từ đó về sau dân làng cho rằng, việc đàn vẹt phủ kín ngôi mộ mẫu thân Trịnh Kiểm như một điềm về vùng đất phát chúa của dòng họ Trịnh. Về phong thủy, ngôi mộ của mẹ Trịnh Kiểm ở giữa dòng sông. Ba phía có các núi gồm Thổ Tượng, Hắc Khuyển, Đốn Sơn nối nhau như rồng lượn. Phía bên kia, sông Mã nước trong như ngọc lượn lờ giữa khoảng ruộng đồng xanh ngát. Dòng sông Bưởi từ phía đông nhập vào chẳng khác đuôi rồng đang vẫy. Thế đất này đẹp và rất lạ vì mang hai thế phong thủy là thế “lưỡng long tranh châu” và “thanh long hý thủy”. Biện Thượng nằm trên vùng đất nguyên là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển, giáp ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình. Làng Gia Miêu – quê hương của nhà Nguyễn ở phía Nam của dãy núi. Chốn cũ của họ Trịnh cũng chung mạch, được núi non, sông nước bao quanh, che chở, giữ cho lộc trời bền lâu. Cuối năm Kỷ Tỵ 1569, Trịnh Kiểm gần 70 tuổi, có điềm bất thường lại xảy ra tại huyện Vĩnh Lộc. Vào một đêm trăng giá buốt, một băng dài vài chục trượng đã sa xuống đất, phát tiếng nổ lớn làm mọi người kinh hoàng. Sau đó, Trịnh Kiểm qua đời, được đặt cạnh mộ phần mẫu thân. Thực hư của những ẩn tích trên cho đến nay vẫn chỉ là những giai thoại, chưa kiểm chứng, nhưng được người dân lưu truyền, trân trọng, như một nét độc đáo tại địa phương.
Thiện Quyền |
Theo Người Đưa Tin