1. Rồng Komodo
Trên thực tế, loài rồng Komodo được cho là một trong những minh chứng rõ ràng nhất về sự tồn tại của sinh vật huyền bí này. Nó thực chất là thành viên của Họ Kỳ đà và là loài thằn lằn lớn nhất còn sinh tồn. Tuổi thọ của rồng Komodo khoảng từ 30 đến 50 năm, chiều dài tối đa 3m và nặng khoảng 70 kg.
Theo các nhà khoa học, rồng Komodo có quan hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng triệu năm. Chúng sống đông nhất trên đảo Komodo, một phần của Vườn quốc gia Komodo của Indonesia. Chúng vừa có khả năng lặn sâu 5m dưới mặt nước để mò cá, nhưng cũng có thể leo trèo như thằn lằn trên cây. Mặc dù không khè ra lửa như các loài rồng trong truyền thuyết, song rồng Komodo có hàm răng chắc khỏe và vết cắn vô cùng độc có thể tiêu diệt mọi con mồi, do có hai tuyến ở hàm dưới tiết ra nhiều loại protein độc.
Rồng Komodo được xuất hiện trong báo cáo lần đầu tiền ở Châu Âu vào năm 1910, khi mà tin đồn về “cá sấu trên cạn” xuất hiện ở Indonesia. Năm 1926, cháu trai của một ông trùm ngành đường sắt nổi tiếng thế giới là W. Douglas Burden đến Đảo Sunda Lower của Indonesia để thám hiểm và trở về với 12 tiêu bản và 2 con sống. Chuyến đi này đã tạo cảm hứng cho bộ phim King Kong vào năm 1933. Burden cũng là người đã sáng tạo ra cái tên “Rồng Komodo”. 3 trong số các tiêu bản của ông vẫn đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ.
2. Rắn rồng
Rắn rồng có nguồn gốc từ Indonesia và Malaysia, đôi khi được phát hiên ở Thái Lan, Myanmar. Nguồn gốc của cái tên rắn rồng được lấy cảm hứng từ những đặc điểm đặc trưng của chúng. Rắn rồng thông thường dài 60 cm, con cái lớn hơn so với con đực một chút. Chúng chỉ sinh khoảng 2-4 quả trứng mỗi năm vào mùa mưa.
Một phân tích di truyền năm 2013 của các nhà khoa học cho thấy, loài rắn này có quan hệ họ hàng với một loài rắn nước ở Úc và Indonesia. Người ta rất hiếm khi bắt gặp rắn rồng bởi chúng là loài sống hoàn toàn về đêm và thức ăn chủ yếu là ếch.
3. Rồng Úc
Rồng Úc là loài sinh vật cư ngụ ở vùng rừng rộng lớn miền trung nước Úc. Người ta rất dễ bắt gặp các động vật máu lạnh này di chuyển lên nơi cao để sưởi ấm dưới ánh sáng mặt trời lúc sáng sớm. Rồng Úc trông rất “ngầu” nhưng rất hiền lành. Chúng rất dễ nươi bởi chỉ ăn rau, sâu và dế. Đó là lý do mà chúng được nhiều người dân ở các nước phương Tây chọn làm thú cưng..
Rồng Úc có đặc điểm nổi bật là đổi màu theo tâm trạng, từ màu sáng sang màu tối và ngược lại. Cụ thể, khi tức giận hay căng thẳng, chúng có màu đen, khi thoải mái dễ chịu, chúng lại có màu kem sáng. Năm 2014, các nhà khoa học phát hiện thêm rằng, rồng Úc còn biến đổi màu sắc phụ thuộc vào nhịp sinh học của nó, hay nói cách khác là phù hợp với môi trường sống. Nó bắt đầu một ngày với làn da đen, sau đó biến đổi dần dần theo chiều hướng sáng lên, cho đến khi có màu kem vào ban đêm. Sự thay đổi màu sắc có thể giúp nó hấp thụ nhiệt trong ngày và giữ ấm qua đêm lạnh.
Năm 2015, các nhà khoa học quan sát thấy số lượng cá thể cái ở loài rồng Úc đang tăng lên ở vùng sa mạc. Qua nghiên cứu, họ đã phát hiện ra, giới tính của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ mà trứng tiếp xúc trong quá trình ấp nở trong tổ. Nhiệt độ càng cao, khả năng trứng nở thành con cái càng lớn.
4. Rồng bay
Thằn lằn Draco (còn được gọi là “Rồng bay”) là loài bò sát sống trong các khu rừng rậm ở Đông Nam Á. Điểm dễ nhận biết là chúng có một cơ thể khá bắt mắt với nhiều hoa văn cùng một chiếc đầu được che chắn khá kỹ.
Nhiều người sẽ cảm thấy ngạc nhiên khi lần đầu tiên thấy rồng bay phi thân từ trên cành cây xuống và mở rộng “đôi cánh”. Thay vì gắn cánh một cách cứng nhắc vào phần ngực trước, xương sườn của Draco có thể mở rộng và khá dài. Nối giữa các xương sườn của thằn lằn là một mảnh da, trông khá giống đôi cánh.
Hành động bay của Draco nói đúng hơn là lượn. Đôi cánh của chúng không tạo ra bất cứ một sức mạnh nào, mà chỉ giúp chúng điều chỉnh hướng “lượn” khi kết hợp cùng chiếc đuôi dài phía sau. Chúng có thể “lượn” quãng đường dài 9 m.
Draco ít khi sống dưới đất và dành phần lớn thời gian sống ở trên cây để tìm kiếm thức ăn. Không dễ dàng để bắt thằn lằn Draco bởi nó có khả năng ngụy trang tuyệt hảo.
Khả năng lượn trên không cho phép con đực có khả năng bảo vệ lãnh thổ cao. Lãnh thổ của chúng thường là hai đến ba cây hoặc là nơi có từ một đến ba con cái sinh sống.
Con cái thường đẻ trứng dưới mặt đất. Chúng dùng đầu để đào một lỗ nhỏ và để khoảng 5 quả trứng vào bên trong lỗ. Chúng lấp lỗ lại và bảo vệ trứng trong vòng 24 giờ. Sau đó 32 ngày, trứng sẽ nở.
Kỷ lục về rồng:
1. Rồng múa dài nhất: Con rồng múa dài hơn 5.000m được thành phố Trung Sơn, Trung Quốc tặng cho thành phố Markham, Ontario, Canada. Màn nhảy múa đã lập Kỷ lục thế giới được thực hiện trong 11 phút với 3.000 người tham gia vào ngày 30/12/2012. 2. Lễ hội có nhiều rồng nhất: Là lễ hội múa rồng và sư tử ở Hồng Kông ngày 1/1/2012 với 88 con rồng và hơn 1.000 tham gia. 3. Robot rồng lớn nhất thế giới: Con robot hình rồng được điều khiển từ xa này tên là Fanny. Nó nặng 11 tấn, cao 9,14m, có thể vỗ cánh, bước đi và phun ra lửa. Robot Fanny được thiết kế bởi Công ty điện tử của Đức và đã được ghi vào sách kỷ lục Guinness. 4. Rồng thép lớn nhất thế giới: Đó chính là mô hình rồng thép có thể phun lửa và nước, thuộc cầu Rồng bắc qua sông Hàn, Đà Nẵng, Việt Nam. Hiện “Rồng thép” dài 560m đã đăng ký Kỷ lục Guinness.
|
Bùi Mai Loan (tổng hợp)