Du lịch Nhật thời… Trung Quốc

17/08/15, 10:30 Tin Tổng Hợp

Trên con đường xinh đẹp trong khu tham quan dưới chân núi Phú Sĩ một ngày tháng Bảy, hai bà cụ người Nhật nói gì đó rồi cười rúc rích với nhau. Nguyễn Hữu, hướng dẫn viên thuộc Công ty Du lịch Tokyo Asean, nói: “Hai cụ nói rằng, không hiểu sao mình đang ở Nhật mà cứ như ở nước ngoài. Không có ai nói tiếng Nhật ở đây cả”.

Hồng Phúc

Khách du lịch Trung Quốc tại ngôi làng cổ Oshino Hakkai dưới chân núi Phú Sĩ. Ảnh: HỒNG PHÚC

Du khách Trung Quốc “đổ bộ” Nhật Bản

Tôi ngó quanh mình, chao ôi chỉ có tiếng Trung. Người Trung Quốc nói chuyện rào rào, đi rào rào qua các cửa hiệu, nhấc lên đặt xuống, hỏi giá và trả giá bằng tiếng Trung luôn miệng trước mặt các cô bán hàng người Nhật hai tay bắt chéo lên nhau, cúi mình chăm chú lắng nghe và nhẫn nại trả lời bằng tiếng… Nhật. Các cô liên tục gập đầu chào và cười một nụ cười như bao đời nay vẫn thế, ở đây.

Khách du lịch Trung Quốc đi thành rất nhiều đoàn, hầu hết có hướng dẫn viên cầm cờ đi trước, miệng luôn nói rất to để lôi kéo sự chú ý của “đội nhà”. Có đoàn chỉ đội một kiểu mũ giống nhau, có đoàn mặc áo giống nhau… nhưng luôn có điểm chung là đến rất nhanh và đi rất nhanh. “Họ không có nhu cầu ngắm cảnh nhiều, chủ yếu đi chụp hình và mua sắm”, Hữu nói, “Công ty em khi thiết kế tour cho khách Trung Quốc họ nói không cần ăn nhiều và ăn ngon, chỉ cần ăn nhanh và chú trọng các điểm mua sắm, đặc biệt thích mua hàng Made in Japan. Có đoàn mua sắm ở các khu chợ bình dân, có đoàn thì chỉ đi các khu thương mại cao cấp, có đoàn chỉ thích thực phẩm chức năng, tảo biển…”.

Ở khu tính tiền cửa hàng thời trang Uniqlo của Nhật tại khu mua sắm Mitsukoshi Ginza, Tokyo, tôi đứng xếp sau ba người Trung Quốc và trước cả chục người Trung Quốc khác. Ai cũng khệ nệ xách túi đồ to chờ tính tiền. Mỗi vị khách nam Trung Quốc xách trĩu tay hai giỏ to các loại quần áo, khăn, vớ… Một người xếp hàng xách giỏ giữ chỗ, những người khác liên tục chạy qua chạy về đổi lại cái này cái kia, bỏ thêm cái này cái kia vào các giỏ và nói liên tục. Vì mỗi khách tính tiền rất nhiều mặt hàng nên hàng người phải đợi khá lâu.

Được một lúc, bỗng người khách xếp hàng trước tôi “mọc” thêm hai người phụ nữ nói tiếng Trung khác đứng vào cùng để chờ tính tiền. Cô nhân viên người Nhật chạy ra, giải thích rằng xếp hàng chỉ từng người một, hai người Trung Quốc ban đầu khua tay tỏ ý không hiểu và định lờ đi song cô người Nhật tiếp tục giải thích rất kỹ nên họ ra dấu với ý rằng ba người họ đi cùng nhau. Cô nhân viên nhẫn nại giơ ngón tay tỏ ý rằng vậy hai người mới hãy đưa hàng cho một người trả tiền. Một lúc sau hai người phụ nữ mới chịu đứng ra khỏi hàng, đứng cạnh đó và liên tục nói rất nhiều.

Từ khi khách du lịch Trung Quốc ồ ạt đến Nhật gần hai năm qua, các cửa hàng thời trang ở trung tâm Tokyo thường xuyên hết hàng sớm và thiếu nhiều mẫu mã do được mua quá nhanh. Bản thân người Nhật cũng phải dạt ra các khu vực khác mua hàng vì các cửa hàng trung tâm đã chật người Trung Quốc. Doanh số bán hàng khu vực này được báo chí Nhật phản ánh đã tăng 25-30% trong năm 2014.

Đặc biệt cơn sốt người Trung Quốc mua nắp bồn cầu rộ lên từ cách đây một năm khiến các công ty Nhật phải tăng tốc sản xuất. Ở sân bay, rất nhiều hành khách xách nắp bồn cầu Nhật mang về. Hữu chỉ tay vào cửa hàng đang bày từng dãy nắp bồn cầu với nhiều chức năng điện tử hóa như nút bật nhạc, tiếng sóng biển, nút điều chỉnh nhiệt độ làm ấm, và các chức năng vệ sinh thông minh khác khiến người Trung quốc rất thích thú. Các đoàn khách Trung Quốc chuyền tay nhau danh sách các thứ cần mua đưa cho hướng dẫn viên khi sang Nhật. Họ chỉ cần đến điểm tham quan chụp hình “đánh dấu” rồi mau chóng đi mua hàng vì nhiều cửa hàng ở Tokyo đóng cửa lúc 7 giờ tối.

Các điểm ăn uống ở Nhật có lệ đặt bàn và tính tiền theo giờ, tiền được tính từ lúc đặt bàn theo mỗi giờ đồng hồ, khách Trung Quốc ăn rất nhanh để còn đi mua sắm nên hướng dẫn viên chỉ đặt ăn 1 tiếng trong khi du khách các nước khác khá thích ẩm thực Nhật, họ vừa yêu cầu ăn ngon vừa thưởng thức nên phải đặt bàn 1-1,5 tiếng mới xong bữa.

Người Nhật mở cửa

Sự “đổ bộ” của du khách Trung Quốc thay đổi đáng kể dịch vụ du lịch nói riêng và đời sống sinh hoạt đô thị ở Nhật Bản nói chung, đặc biệt những điểm du lịch nổi tiếng của Nhật. Khá nhiều người Nhật trong câu chuyện hàng ngày, trên diễn đàn, mạng xã hội bày tỏ sự khó chịu vì một số hành vi của khách du lịch Trung Quốc, nhất là việc không xếp hàng, chen lấn, lẻn vào giữa hàng khi mua sắm, làm thủ tục hoàn thuế ở sân bay, mua vé vào những nơi công cộng, nói rất to và ồn ào, lấn chiếm không gian công cộng, đi vệ sinh không xả nước, xả rác, nhổ nước bọt… Nhiều khách du lịch Trung Quốc ngắt hoa, bẻ cành nơi công cộng, nếu bị nhắc nhở thì xua xua tay nói xì xồ hoặc tỏ ra không hiểu tiếng Anh rồi nhìn đi chỗ khác để lờ đi.

Ở khu hoàng cung Tokyo chúng tôi thấy những người Trung Quốc hồn nhiên giẫm lên thảm cỏ xanh mượt để nằm, ngồi, hay vin cành để chụp hình. Họ cười đùa và nói rất to, như xung quanh không có ai trong khi hướng dẫn viên du lịch thì ra sức hò hét khua tay yêu cầu khách về chỗ đậu xe để còn đi điểm khác.

Rất nhiều người Nhật Bản đã lên tiếng về sự khó chịu này, song Hữu nói người dân Nhật cũng hiểu họ cần đánh đổi sự bình yên vì sự tăng trưởng kinh tế. Khách du lịch Trung Quốc góp phần kích thích sự tăng trưởng GDP sau nhiều năm ì ạch và điều đó thể hiện chính sách mở cửa đất nước lấy GDP của Thủ tướng Shinzo Abe đã có tác dụng.

Theo Tổng cục Du lịch Nhật Bản, so với năm 2013 lượng du khách Trung Quốc tới Nhật đã tăng 83% (2,2 triệu lượt người) trong năm 2014 đưa số du khách nước ngoài đến Nhật Bản năm 2014 đạt mức kỷ lục 13,4 triệu lượt người. Chi tiêu của du khách nước ngoài tăng 43,3% trong đó du khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 25% tổng doanh thu (vào khoảng 4,2 tỉ đô la Mỹ).

Khi kinh tế Nhật Bản còn thịnh vượng trước đây, người Nhật mua sắm rất rộng rãi. Họ có thể mua cả lố quần áo, vớ và chỉ dùng một chiếc rồi bỏ đó. Ti vi, bàn ghế, đồ dùng gia đình còn mới nguyên bị bỏ ra các bãi đất trống, ai cần dùng đến lấy về. Thế mới có những người làm nghề chuyên thu gom đồ dùng rồi mang về Việt Nam bán gọi là buôn đồ second-hand. Nay các bãi đất tập kết đồ cũ không còn nhiều hàng tốt do sức mua của cư dân Nhật giảm đi nhiều.

Nay Chính phủ Nhật mở ra cánh cửa du lịch, nới lỏng các điều kiện cấp thị thực và có chính sách miễn thuế với hàng tiêu dùng cho du khách lên tới 8%. Nhật đã cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần cho khách du lịch Trung Quốc có khả năng tài chính từ ba năm lên năm năm. Cùng với việc yen đã giảm giá khoảng 30% so với nhân dân tệ trong hai năm 2013 và 2014, Nhật Bản trở thành điểm đến ưa thích của giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc.

Ở Tokyo giờ đây nhiều cửa hiệu bên cạnh những biển hiệu bằng tiếng Nhật có biển hiệu tiếng Trung, trong nhà vệ sinh dán các biển nhắc nhở bằng tiếng Trung về việc giữ sạch nhà vệ sinh, các biển chỉ dẫn du khách làm sao để tiện lợi khi mua sắm. Tầng lớp nhà giàu mới nổi của Trung Quốc thậm chí còn đang quan tâm tới bất động sản ở Nhật. Đã có những tour tham quan cho nhà đầu tư Trung Quốc đến tìm hiểu về thị trường bất động sản Nhật Bản và đây là một lý do khiến giá căn hộ tại Tokyo đã tăng trên 10% trong vòng hai năm qua, theo thống kê của Viện Kinh tế bất động sản Nhật Bản.

Theo Saigon Times

Ad will display in 09 seconds

Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

"Biết đủ" là một loại phúc

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

    Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • "Biết đủ" là một loại phúc

    "Biết đủ" là một loại phúc

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Tu thân

    Tu thân

  • Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

    Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

    Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

x