Du lịch Tân Trào cùng niềm tự hào nguồn cội

15/08/15, 20:00 Tin Tổng Hợp

QĐND – Về Tuyên Quang những ngày này vui lắm, khắp mọi nẻo đường hướng lên Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Khu di tích) rợp màu cờ hoa, nao nức lòng người những niềm vui trong ngày kỷ niệm. Về Tân Trào, ta hòa mình vào những ngày vui trên quê hương cách mạng để tình cảm tha thiết trong ta nâng niu, gìn giữ, trân trọng những giá trị của thế hệ cha anh đi trước.

Đi giữa màu cờ đỏ trên quê hương cách mạng

Chúng tôi mang trong lòng một niềm xúc động lớn khi bước chân đến “Thủ đô khu giải phóng” năm xưa. Tôi để hai câu thơ “Khi Tổ quốc bốn bề lên tiếng hát/ Tâm hồn ta là Tây Bắc, chứ còn đâu” (Khúc hát con tàu-Chế Lan Viên) cứ ngân mãi trong lòng nâng bước chân không mỏi. Đây, cây đa Tân Trào, kia, lán Nà Nưa, rồi Hang Bòng, xóm Dõn, Hồng Thái, Minh Thanh, tất cả đều như còn ấm hơi người đi trước.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào là một tập hợp của 183 điểm di tích nằm trên vùng đất rộng tới 531km2, của hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Các di tích đều gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, các bộ, ban, ngành. Các di tích đều là vật chứng ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trung tâm của Khu di tích nằm ở xã Tân Trào với những địa danh nổi tiếng như: Lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, lán Hang Bòng… Chị Duyên, cán bộ của Ban quản lý Khu di tích, kể với chúng tôi những nhọc nhằn và nhiều niềm vui trong công việc. Tôi hình dung được công việc của anh chị em trong Ban quản lý diễn ra thế này: Họ đều là những người dân địa phương, gắn bó lâu dài với Khu di tích; có người ở nhà riêng, có người sống trong khu tập thể dành cho cán bộ, công nhân viên song công việc và cuộc sống của họ gắn liền với Khu di tích; họ hồn nhiên, trong sáng, mẫn cán, yêu quê hương từ tận đáy lòng.

Hiện tại, hướng dẫn viên của Ban quản lý có 10 người, số lượng ấy thường chỉ đủ để phục vụ trong khu trung tâm nghĩa là quanh khu vực lán Nà Nưa, cây đa Tân Trào (bởi đây là nơi khách tập trung tham quan đông nhất và cũng có mật độ di tích dày nhất), nhưng nếu các đoàn hành hương về nguồn muốn được nghe thuyết minh ở những điểm di tích khác, họ đều sẵn lòng phục vụ, dù phải đi theo đoàn bằng phương tiện cá nhân. Tôi chắc rằng, nhiều người có dịp về nguồn tại Khu di tích này sẽ nhớ đến sự nhiệt tình, chu đáo, ân cần, mến khách đó rất lâu.

Thực ra không chỉ riêng cán bộ, nhân viên của Ban quản lý Khu di tích mà hầu hết người dân ở đây đều nhiệt tình, quý khách như vậy. Tôi gặp cụ Hoàng Ngọc, 79 tuổi, người dân tộc Tày, nhà ở sát cây đa Tân Trào. Cụ Ngọc có ông nội là Hoàng Văn Bái, bố là Hoàng Trung Nguyên đều là những người được Bác Hồ rất tin tưởng, gần gũi. Cụ Ngọc kể: “Người ở thôn Tân Lập này, từ già chí trẻ, từ xưa đến nay, đều một lòng theo Bác, tin tưởng tuyệt đối, trung thành tuyệt đối với Đảng và Nhà nước. Mọi người đều muốn giữ gìn và giới thiệu di tích trên quê hương mình. Nếu anh có dịp tìm hiểu sâu hơn thì sẽ thấy mọi gia đình đều mở rộng cửa đón du khách, sẵn lòng xẻ nước, san cơm cho những ai lỡ đường trong hành trình về thăm nguồn cội”.

Bác Ngọc dẫn tôi đi thăm nhà văn hóa thôn, cây đa, cây xanh trong Khu di tích, bác tự hào nói rằng đến trẻ con chăn trâu, cắt cỏ quanh thôn cũng có thể vanh vách nói về di tích, thế hệ trẻ đều biết, đều hiểu, đều mong muốn gìn giữ, phát huy giá trị di sản sản cách mạng này.

Đoàn viên, thanh niên Khối cơ quan trực thuộc Bộ Công an thăm lán Nà Nưa. Ảnh: Trần Hoàng Hoàng

Nhiều mặt mạnh nhưng vẫn còn khó khăn

Anh Viên Ngọc Tân, Phó giám đốc Ban quản lý Khu di tích cho chúng tôi biết, những dịp đầu tháng Tám này tại nhiều xã quanh Tân Trào dồn dập những sự kiện kỷ niệm, đón các đoàn đại biểu của các bộ, ban, ngành về tri ân nơi khai sinh ra đơn vị mình, tổ chức mình. Các đoàn hành hương về nguồn, tham quan, tưởng niệm cũng đến Tân Trào nhiều, anh chị em cán bộ, công nhân viên căng sức ra làm không quản thời gian.

Tôi hỏi chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Ban quản lý phụ trách nghiệp vụ, về tình hình của Khu di tích có những chuyển biến gì sau 3 năm được công nhận “di tích quốc gia đặc biệt”. Chị cho biết: “Sau 3 năm đón nhận danh hiệu di tích quốc gia đặc biệt, Khu di tích lịch sử Tân Trào nói riêng và xã Tân Trào nói chung đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. Lượng khách tăng 17% so với giai đoạn 2008-2011; cơ sở hạ tầng được đầu tư, đặc biệt là làng văn hóa du lịch Tân Lập đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút khách lưu trú tại địa phương; nguồn nhân lực được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ”. Công tác gìn giữ và phát huy giá trị di sản quốc gia đặc biệt này được thể hiện ở những mặt sau: Các di tích lịch sử được thường xuyên chăm lo, tôn tạo và lập hồ sơ khoa học; công tác sưu tầm được quan tâm (hiện Khu di tích có khá nhiều tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu, tham quan học tập của du khách). Công tác tuyên truyền về giá trị của Khu di tích được thể hiện trên nhiều kênh thông tin, đặc biệt ngay tại địa phương. Ban quản lý đã chú trọng liên kết với các khối, ngành và trường học tại địa phương nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ và phát huy giá trị di tích.

Đó là những mặt mạnh, đã làm được và đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên những khó khăn, trong đó nổi lên nhiệm vụ phải làm sao phát huy giá trị của Khu di tích xứng tầm với danh hiệu.

Chị Nhung cho biết thêm: “Hiện tại, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có 3 sản phẩm chính là văn hóa, sinh thái và lịch sử, tâm linh. Tuy nhiên, phục vụ du khách đến nay vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu đồng bộ. Theo nhiều ý kiến nhận xét của khách du lịch, khu di tích chưa có nhiều biện pháp để giữ chân du khách, do ít sản phẩm đặc thù; hạ tầng giao thông nối các điểm di tích còn hạn chế, chất lượng dịch vụ chưa cao”.

Quả thực, về giao thông, đường đi lại không thuận tiện cho du khách vãng lai. Hiện tại, cơ sở hạ tầng giao thông từ Tuyên Quang xuống hoặc Thái Nguyên lên đều được xây dựng rất tốt, khoảng cách cũng vừa phải (cách Thái Nguyên 54 cây số; cách Tuyên Quang 40 cây số). Nhưng để đến được Khu di tích, du khách phải bắt xe tuyến, đến thị trấn Sơn Dương, rồi từ Sơn Dương đi xe ôm vào. Về lý thuyết là vậy nhưng số lượng xe không được nhiều, giờ chạy cũng không cố định, người làm nghề xe ôm cũng rất ít.

Đó là mới đến được trung tâm Khu di tích, còn đi tham quan đủ 183 điểm thì rất khó thực hiện. Thứ hai là về dịch vụ ăn ở, lưu trú của vùng lõi Khu di tích rất hạn chế, khoảng cách của một vài nhà khách rất xa, dịch vụ ăn uống nghèo nàn kiểu kinh doanh tự phát. Thứ ba là sản phẩm du lịch chưa thật sự phong phú và hấp dẫn: Ngoài sản phẩm “tham quan, khám phá” các di tích lịch sử thì còn rất nhiều sản phẩm du lịch bị bỏ trống như nghỉ dưỡng, cắm trại, đi bộ, trú nghỉ tại nhà dân (home-stay), khám phá làng nghề… Nói chung, dễ nhận thấy người dân ở đây chưa sẵn sàng “làm du lịch”.

Tất nhiên những hạn chế trên đều đã được Ban quản lý Khu di tích nhận ra và có những ý kiến tham mưu nhất định với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cũng như UBND tỉnh.

Với những hoạt động kỷ niệm được tổ chức rộng và sâu như đợt kỷ niệm năm 2015 này, hy vọng sẽ trở thành những “cú hích” để ngành du lịch địa phương phát triển. Và từ sự phát triển của ngành du lịch đó, chúng ta càng có cơ sở để gìn giữ, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích quốc gia đặc biệt này.

UBND tỉnh Tuyên Quang tổ chức kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào với những hoạt động diễn ra từ 15-8-2015 đến hết tháng 1-2016. Trong đó có: Lễ mít tinh kỷ niệm diễn ra vào ngày 16-8 tại Quảng trường Tân Trào; Bàn giao Nhà lưu niệm Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên (Sơn Dương); Hội thảo khoa học cấp Quốc gia với chủ đề: “Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang trong Cách mạng Tháng Tám”; Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, Triển lãm tranh cổ động…

LÊ ĐÔNG HÀ

Theo QĐND

Ad will display in 09 seconds

Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

"Biết đủ" là một loại phúc

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

    Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • "Biết đủ" là một loại phúc

    "Biết đủ" là một loại phúc

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Tu thân

    Tu thân

  • Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

    Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

    Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

x