Các hãng công nghệ đào tạo nhân công Việt Nam như thế nào?

23/07/15, 15:00 Tin Tổng Hợp

Nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới như Microsoft, Samsung, LG đã và đang chuyển nhiều nhà máy sản xuất về Việt Nam. Tuy nhiên các hãng này lại gặp phải trở ngại về nguồn nhân lực, khi trình độ của công nhân và kỹ sư chưa đáp ứng được nhu cầu.

Trong loạt bài tìm hiểu thị trường công nghệ trên toàn thế giới Road Trip 2015, trang tin CNET của Mỹ đã có một số bài viết về thị trường Việt Nam. Dưới đây, VnReview sẽ lược dịch toàn bộ vài viết của phóng viên Shara Tibken về cách các công ty công nghệ đào tạo nhân công tại Việt Nam, mời độc giả cùng theo dõi:

Lớp học bắt đầu vào lúc 5 giờ 30 chiều và tôi tới trễ. Khi tôi tới, phòng học đã chật ních. Tôi phải bỏ sandal ở ngoài, một điều thường thấy khi tới thăm gia đình và các doanh nghiệp Việt Nam, và ngồi vào hàng máy tính trong một căn phòng tường trắng cùng 20 học viên khác.

Bên trong nhà máy của Jabil tại Việt Nam

Căn phòng này cách Dinh Độc Lập (TP.HCM) 10 phút đi bộ. Những hình ảnh chiếu trên máy chiếu không phải hình ảnh chiến tranh mà là những bài học về ngôn ngữ lập trình. Hầu hết các học viên có mặt ở đây vì một lý do, đó là học cách phát triển ứng dụng cho iPhone và iPad bằng ngôn ngữ lập trình Swift mới ra mắt của Apple.

“Những gì bạn học ở trường không thực tế”, giảng viên Phạm Khoa nói trong khi cùng tôi đi ăn bánh xèo và phở sau buổi học. Nguyên nhân là trường học ở Việt Nam chú trọng nhiều vào lý thuyết, gần như bỏ qua thực hành. Phạm Khoa, 28 tuổi, tự học cách lập trình ứng dụng cho iOS của Apple, Android của Google và Windows của Microsoft và hiện anh đang giảng dạy những gì mình biết cho những người khác.

Nhu cầu tự học là một phần trong sự thay đổi mạnh mẽ của Việt Nam nhằm trở thành một trong những công xưởng sản xuất thiết bị công nghệ lớn nhất thế giới. Hơn chục nhà sản xuất và hãng khởi nghiệp mà tôi gặp tại Việt Nam cho biết những sinh viên đã tốt nghiệp tại Việt Nam cần được đào tạo thêm để có thể làm được nhiều thứ hơn việc lắp ráp sản phẩm. Nhiều hãng đào tạo nhân công một vài tháng, có hãng đào tạo nhân công cả năm trời.

“Chương trình đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam không đáp ứng được công việc sau khi tốt nghiệp”, ông Phạm Đông Phong, giám đốc nhà máy LG tại Hải Phòng cho biết. “Sau khi tốt nghiệp, sinh viên chỉ có kiến thức tổng quát nên rất khó tìm việc”.

Để thu hẹp khoảng cách về kiến thức, một số đại gia công nghệ, bao gồm Samsung và LG, đã triển khai một số chương trình đào tạo nhân công riêng tại Việt Nam. Sức hấp dẫn của Việt Nam khiến các hãng này sẵn sàng đầu tư cho việc đào tạo nhân viên.

Chính phủ Việt Nam sẵn sàng giảm thuế cho các công ty nước ngoài. Việt Nam cũng có nguồn nhân công giá rẻ, rẻ hơn cả Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang được cải thiện nên chi phí cho nhân công tại đất nước đông dân nhất thế giới đang ngày càng tăng. Lương của một nhân viên công nghệ tại Việt Nam thường chỉ bằng 1/3 so với một nhân viên tương đương tại Trung Quốc. Năm 2013, lương một công nhân nhà máy tại Hà Nội là 3,1 triệu đồng (145 USD) một tháng trong khi lương một công nhân nhà máy tại Bắc Kinh là 10,1 triệu đồng (466 USD). Dân số Việt Nam cũng khá trẻ, độ tuổi trung bình của Việt Nam là 29, kém 8 tuổi so với Mỹ và Trung Quốc. Cuối cùng, tiếng Anh được coi là ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam.

Trong năm vừa qua, khoảng 1.300 học viên đã tham gia các lớp học phát triển ứng dụng của Phạm Khoa. Trong ảnh, một nhóm học viên đang lắng nghe Khoa phân tích về iOS của Apple

Trong khi các kỹ năng được học vẫn chưa đáp ứng nhu cầu công việc trong ngành công nghệ cao, tiêu chuẩn giáo dục tại Việt Nam đã tăng lên nhanh chóng. Nhờ sự đầu tư của chính phủ vào giáo dục, học sinh 15 tuổi tại Việt Nam có điểm số cao hơn trong các môn tập đọc, toán và khoa học so với bạn đồng lứa ở nhiều nước phát triển như Mỹ và Vương quốc Anh.

Ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang phát triển bùng nổ. Vào năm 2010, Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, đã mở một nhà máy có giá trị 1 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh. Jabil, tập đoàn sản xuất điện tử lớn thứ ba thế giới của Mỹ, cũng đã đầu tư vào Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2007. (Mới đây, Jabil cũng cam kết sẽ đầu tư thêm 500 triệu USD vào Thành phố Hồ Chí Minh – VnReview).

Microsoft cũng chuyển nhà máy sản xuất smartphone, trước đó thuộc sở hữu của Nokia, từ Trung Quốc sang Hà Nội. Hãng sản xuất tấm màn hình LCD cho Apple, Wintek cũng đã có những hoạt động tại Việt Nam và LG sản xuất tất cả mọi thứ từ thiết bị di động tới TV tại nhà máy của hãng ở Hải Phòng. Năm ngoái, gần 1/3 smartphone của Samsung được lắp ráp tại Việt Nam.

Sản xuất thiết bị công nghệ giúp nền kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2015 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá trị xuất khẩu lên tới 14,7 tỷ USD của “điện thoại và phụ tùng” đã góp phần vào sự tăng trưởng này. Ngành xuất khẩu điện thoại và phụ tùng chiếm khoảng 19% tổng sản lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam, cao hơn tất cả các mặt hàng khác.

Hiệu ứng Samsung

Samsung cũng đóng góp rất nhiều vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Vào năm 2012, hai năm sau khi Samsung mở nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên tại Việt Nam, lần đầu tiên trong vòng 20 năm Việt Nam xuất siêu. Năm ngoái, sau khi Samsung mở nhà máy thứ hai ở Việt Nam, thiết bị mang thương hiệu Samsung chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2014.

Samsung Electronics sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Trong bảy năm qua, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã dành gần 9 tỷ USD để phát triển các nhà máy lắp ráp smartphone ở Việt Nam. Các công ty khác của Samsung cũng đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam. Ví dụ, gần đây Samsung Display đã đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất màn hình smartphone và tablet tại Bắc Ninh.

Hiện tại, tổng số lao động của Samsung tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã vượt qua Trung Quốc và thậm chí vượt qua cả Hàn Quốc. Hiện Samsung có khoảng 110.000 lao động tại Việt Nam, phần lớn những lao động này làm việc tại hai nhà máy lắp ráp smartphone ở Thái Nguyên và Bắc Ninh. Dự kiến Samsung sẽ hoàn thành nhà máy sản xuất thiết bị tiêu dùng trị giá 1,4 tỷ USD tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2016. Nhà máy này sẽ tạo thêm khoảng 5.000 việc làm.

“Việt Nam hiện là một nước đang phát triển, vì vậy chúng tôi thấy nhiều cơ hội không chỉ trong việc kinh doanh mà còn trong nguồn nhân lực”, ông Nguyễn Văn Đạo, phó chủ tịch tiếp thị cho các hoạt động của Samsung tại Việt Nam chia sẻ với tôi trong cuộc gặp tại văn phòng của Samsung ở tòa nhà Bitexco Financial Tower, tòa nhà cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh.

Lễ khởi công nhà máy sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng mới tại Công viên Công nghệ cao Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh của Samsung. Nhà máy này sẽ đi vào hoạt động trong năm 2016 và mang tới cơ hội việc làm cho khoảng 5.000 nhân công

Khi phải thuê hàng chục ngàn nhân viên ở một nước đang phát triển, rất khó để tìm ra những nhân viên với kiến thức sâu về công nghệ cao. Ông Đạo cho biết Samsung cũng chấp nhận đào tạo lại toàn bộ nhân viên mà họ tuyển dụng. Samsung chọn nhân viên mới dựa trên nền tảng và kiến thức cơ bản của họ.

“Giáo dục ở Việt Nam nặng về lý thuyết và thiếu thực hành”, ông Đạo nói. “Chúng tôi cần nhân viên có nhiều kỹ năng thực hành và kỹ năng mềm để ngoài làm việc cho nhà máy họ có thể làm việc ở các văn phòng tiếp thị…v.v”.

Samsung đã ký những thỏa thuận với các trường đại học để công nhân của họ có thể tham gia các khóa học miễn phí vào buổi tối ngay trong nhà máy. Công nhân có thể học tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc cũng như kế toán và kỹ thuật điện tử.

Samsung cũng số hóa sách và tài trợ 50 thư viện thông minh tại các thành phố lớn và các vùng nông thôn của Việt Nam. Samsung đang hợp tác với chính phủ Việt Nam nhằm số hóa sách giáo khoa, sách tham khảo và các loại sách khác, sau đó cung cấp chúng qua ứng dụng Android có tên Classbook. Người dùng chỉ có thể chạy ứng dụng này trên smartphone của Samsung.

Đào tạo nhân viên trong vài năm

Samsung không phải hãng duy nhất tham gia việc đào tạo nhân lực tại Việt Nam. LG, hãng mới mở nhà máy rộng 800.000 m2 tại Hải Phòng, sử dụng phương thức tuyển dụng nhân viên trước sau đó tiến hành đào tạo.

“Hiện tại, chúng tôi chỉ đào tạo theo công việc”, ông Phong, giám đốc nhà máy LG tại Hải Phòng cho biết. “Nhưng chúng tôi đã bắt đầu suy nghĩ làm cách nào để có được những nhà điều hành, quản lý dày dạn kinh nghiệm trong vòng ba năm tới”.

Hải Phòng, thành phố lớn thứ ba Việt Nam, là cửa ngõ biển quan trọng cách Hà Nội 3 giờ chạy xe. Hiện nhà máy của LG tại Hải Phòng đang có 1.000 nhân viên và dự tính sẽ tăng gấp đôi trong năm tới. Ông Phong cho biết Việt Nam có đông thanh niên nên LG không gặp khó trong việc tuyển công nhân, nhưng hãng này rất khó tuyển dụng những nhân viên có kinh nghiệm cho các nhiệm vụ chuyên sâu như giám sát công nhân trên dây chuyền lắp ráp hoặc nhân viên R&D.

LG đang rất cần nhân viên R&D phát triển phần mềm và hệ thống thông tin giải trí trên xe hơi, mảng kinh doanh mà LG đang tập trung tại Việt Nam. Ngoài việc làm hài lòng chính phủ Việt Nam, việc tạo đội ngũ R&D tại Việt Nam sẽ giúp LG dễ dàng giải quyết các vấn đề trong quá trình sản xuất, cũng như phát triển các sản phẩm dành riêng cho thị trường địa phương.

Tính trung bình, để có một nhân viên R&D đủ khả năng làm việc trong các dự án LG phải đào tạo trong vòng 3 năm, ông Phong cho biết. Với công việc giám sát công nhân, thử nghiệm và quản lý chất lượng thì chỉ 30% nhân công có thể làm việc độc lập sau 4 tháng đào tạo, số còn lại cần đào tạo trong một năm. Khoảng 90% nhân viên lắp ráp TV và smartphone có thể làm việc độc lập sau một tháng đào tạo.

Trong thời gian đào tạo, LG cấp học bổng và hỗ trợ thực tập cho các học viên. LG cũng hợp tác với các trường đại học để đào tạo chuyên ngành cho các học viên.

Với Jabil, trở ngại lớn nhất của nhân công Việt Nam là trình độ tiếng Anh kém cỏi. Nhiều ứng viên có kiến thức “lỗi thời so với những gì mà chúng tôi cần”, Patrick Tan, người đại diện của Jabil tại Việt Nam cho biết. “Các sinh viên mới tốt nghiệp đại học không thể làm việc ngay tại nhà máy. Đất nước này rất khác so với các quốc gia khác”, Tan nói.

Jabil đưa ra chương trình đào tạo trong vòng một năm cho những nhân viên cho thấy khả năng phát triển. Vào cuối chương trình, học viên phải thuyết trình về những gì họ đã được học và nơi họ muốn làm việc trong Jabil nếu tiếp tục gắn bó với công ty. Sau đó, họ được phân bổ vào các vai trò đỏi hỏi chuyên môn cao hơn.

Các công ty khác cũng có những biện pháp quyết liệt trong việc đào tạo nhân công công nghệ cao. Năm 2006, Tập đoàn FPT – tập đoàn công nghệ thông tin và viễn thông hàng đầu Việt Nam, đã thành lập Đại học FPT, đại học dân lập trực thuộc FPT tại Hà Nội. Trong một bức thư chiêu sinh, ông Đàm Quang Minh, hiệu trưởng Đại học FPT, đã viết rằng mô hình Đại học FPT là mô hình “Đại học bên trong doanh nghiệp” và nhiệm vụ của FPT là “cung cấp cho sinh viên lợi thế cạnh tranh toàn cầu, từ đó mở rộng chân trời trí tuệ của dân tộc”.

Tăng tốc

Intel là một trong những công ty lớn nhất của Mỹ đặt nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới đã mở một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2010. Giống như Samsung và LG, Intel cũng vấp phải những vấn đề tương tự về trình độ nhân lực.

Intel turned to Arizona State University to figure out how to get engineering students up to speed. They decided the best thing to do was train Vietnamese professors from eight universities on more modern ways to teach engineering. Together they formed the Higher Engineering Education Alliance Program, or HEEAP , which is also funded by the US Agency of International Development, or USAID.

Để giải quyết vấn đề này, Intel đã liên kết với Đại học bang Arizona để dưa ra chương trình đào tạo các giảng viên tại 8 đại học của Việt Nam. Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (HEEAP) hiện nay nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID). Siemens, Danaher và Pearson đều đã tham gia vào HEEAP.

“Ý tưởng thì đơn giản nhưng rất khó để biến nó thành hiện thực”, ông Lê Văn Khôi, giám đốc HEEAP tại Việt Nam, cho biết.

Topica, hãng khởi nghiệp có trụ sở tại Hà Nội, cung cấp các khóa học tiếng Anh và đại học trực tuyến

HEEAP đã có một số kết quả. Từ khi ra mắt vào năm 2010 cho tới nay, các chương trình đào tạo trong hè dài 6 tuần và hàng trăm cuộc hội thảo với các giáo sư hàng năm của HEEAP đã đào tạo được 291 giảng viên Việt Nam, trong số này có 71 giảng viên nữ.

Nguyễn Bá Hải, tiến sĩ ngành rô-bốt sinh học, giám đốc trung tâm học tập kỹ thuật số tại Đại học Sư phạm và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết ông tham gia HEEAP vào năm 2012 và chương trình này đã thay đổi đáng kể cách thức giảng dạy của ông.

“Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục không có sự linh hoạt”, ông Hải cho biết. “Nếu chúng ta muốn thay đổi cái gì đó chúng ta phải mất rất nhiều thời gian. Tôi đã thay đổi tất cả mọi thứ (sau khi tham gia HEEAP)”.

Sau khi tham gia HEEAP, Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu cung cấp những ngành học mới như Cơ khí chế tạo máy cơ bản. Sinh viên tham gia các ngành học mới sẽ dành nhiều thời gian học cách xác định và giải quyết vấn đề. Họ cũng phải hoàn thành các bài tập trong phòng thí nghiệm và thực hiện một dự án tốt nghiệp. Năm ngoái, trường đã thành lập một trung tâm đào tạo kỹ thuật số, do ông Hải làm giám đốc, nhằm kết hợp tốt hơn giữa học tập trực tuyến và học trên lớp.

HEEAP hiện đang tìm kiếm nguồn tài trợ để giúp các trường đại học mở thêm phòng thí nghiệm với hy vọng là các sinh viên khi tốt nghiệp ngoài kiến thức để có thể làm việc cho các công ty còn có tư duy như một nhà sản xuất.

Văn phòng của Samsung chiếm ba tầng của tòa nhà Bitexco Financial Tower

Các công ty cho biết, chính phủ Việt Nam cũng khá cởi mở trong vấn đề đào tạo người lao động trong tương lai. Các nhà sản xuất vẫn phải vận hành và thậm chí mở rộng cơ sở, bất chấp sự thiếu hụt kỹ năng của nhân công. Samsung đang có kế hoạch chi 3 tỷ USD để mở rộng nhà máy lắp ráp smartphone ở Thái Nguyên. Jabil cũng vừa ký cam kết với Ban quản lý Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh nhằm tăng gấp đôi lực lượng lao động trong vòng năm năm tới, và xây dựng thêm một nhà máy mới vào năm 2017.

Khoảng cách về kỹ năng mở ra cơ hội cho các hãng khởi nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Công ty Topica được biết đến với các lớp dạy tiếng Anh trực tuyến, và còn hợp tác với các trường như Đại học Phoenix để cung cấp các khóa học trực tuyến. Hiện Topica có khoảng 1.400 giảng viên và hơn 20.000 sinh viên theo học qua Internet. Gần đây, hai hãng đầu tư Mỹ là Formation 8 và Learn Capital đã đầu tư vào Rockit Online, một trang web dạy tiếng Anh, toán và khoa học. Rockit Online có dự định mở thêm nhiều lớp chuyên sâu trong tương lai. Hầu hết học viên của Rockit là sinh viên các trường đại học Việt Nam, nhưng cũng có cả những người đã có việc làm.

Trở lại lớp học lập trình Swift ở Thành phố Hồ Chí Minh, các sinh viên đã dành gần một giờ để hỏi tôi các câu hỏi về Apple, Samsung và ngành công nghiệp công nghệ cao ở Mỹ. Họ cũng chia sẻ lý do họ dành tới 6 giờ/tuần trong một tháng để học cách viết ứng dụng cho iPhone và iPad.

Ông Trịnh Minh, 54 tuổi, là người lớn tuổi nhất trong lớp. Ông đã bỏ ra tới 4 triệu đồng để tham gia lớp học nhằm mở rộng kiến thức của mình. Ông cũng quyết định sẽ đăng ký học cho con trai của ông, Trịnh An, hiện mới 15 tuổi để cháu có thêm kiến thức trước khi học xong phổ thông.

“Tôi luôn muốn học thêm kiến thức, và tôi muốn là tấm gương cho con trai tôi học tập”.

ĐHK

Theo CNET

Theo VnReview

Ad will display in 09 seconds

Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

Ad will display in 09 seconds

Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

Ad will display in 09 seconds

Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

Ad will display in 09 seconds

Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

Ad will display in 09 seconds

Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

Ad will display in 09 seconds

Tiểu đệ tử Đại Pháp

  • Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

    Sự tích thần kỳ về thần y Tôn Tư Mạc

  • Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

    Ngành công nghiệp triệu đô và một tội ác kinh hoàng đang diễn ra tại TQ!

  • Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

    Kinh tế Trung Quốc lao đao: Hàng loạt lao động về quê ăn Tết sớm

  • Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

    Tiết lộ bất ngờ của người Trung Quốc về cuộc chiến thương mại Mỹ Trung

  • Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

    Chiến tranh thế giới thứ 3 suýt nổ ra: Nếu không có vị anh hùng thầm lặng này

  • Tu thân

    Tu thân

  • Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công?  Đây là lời giải đáp

    Người tốt hay gặp khó, kẻ xấu vẫn thành công? Đây là lời giải đáp

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

    Giấy phép tu hành và những cuộc “thanh trừng” đức tin ở Trung Quốc

  • Tiểu đệ tử Đại Pháp

    Tiểu đệ tử Đại Pháp

x